Thứ 5, 28/03/2024 22:06:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:31, 24/10/2014 GMT+7

Công thần chết vì gian thần

Thứ 6, 24/10/2014 | 09:31:00 2,754 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, khi Vương Thông tập trung hết lực lượng về cơ sở để trực tiếp chỉ huy tấn công vào Ninh Kiều, Phạm Văn Xảo đã cùng các tướng bí mật rút hết quân ở Ninh Kiều về Cao Bộ. Sau khi vồ hụt nghĩa quân Lam Sơn ở Ninh Kiều, Vương Thông phát hiện được nơi đóng quân mới của Lam Sơn, liền cho quân tiến về Cao Bộ. Đoán được ý đồ của giặc, Phạm Văn Xảo đã cùng các tướng rút khỏi Cao Bộ, kéo quân về mai phục ở cánh đồng Tốt Động - Chúc Động.

Khi quân Minh ào ạt kéo đến, quân ta nhất tề đổ ra đánh một trận quyết chiến chiến lược kiệt xuất ở Tốt Động - Chúc Động. Mười vạn quân tham chiến của giặc Minh đã bị giết và bắt sống đến một nửa. Vương Thông trọng thương suýt bị bắt sống đã hoảng hốt kéo tàn quân về cố thủ ở Đông Quan. Vương Thông từ vị trí của một viên tướng hung hăng dẫn quân đến cứu nguy đã bị đánh tơi bời và trở thành kẻ phải kêu cứu viện. Đây là chiến thắng lừng lẫy của nghĩa quân Lam Sơn trong đó có vai trò chỉ huy của tướng quân Phạm Văn Xảo. Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã viết: Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh hôi muôn vạn dặm. Tốt Động thây phơi đầy nội, thối để ngàn thu...

Năm 1427, Phạm Văn Xảo còn chỉ huy đánh chặn năm vạn quân của Mộc Thạnh ở Lê Hoa góp phần lớn vào thắng lợi của chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang đưa cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại do Lê Lợi lãnh đạo đến thắng lợi hoàn toàn.

Tháng 3 năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), sau khi triều đình luận công ban thưởng, tướng quân Phạm Văn Xảo được ban quốc tính (họ Lê), được thăng hàm Thái bảo. Tháng 5 năm Thuận Thiên thứ hai (1429), tên ông được khắc ở hàng thứ ba trong bảng danh sách các khai quốc công thần và được thăng hàm Thái phó, tước Huyện Thượng hầu.

Nhưng tiếc thay, ông chưa kịp hưởng sự tôn vinh đó thì bị bọn gian thần gièm pha là có âm mưu làm phản. Ông bị bắt giam, tra khảo, uất ức quá ông đã tự sát chết trong nhà tù. Vụ án Phạm Văn Xảo và Trần Nguyên Hãn đã được sử sách ghi chép là vụ giết hại công thần.

Các nhà sử học đương thời đều thống nhất cho rằng Phạm Văn Xảo là công thần khai quốc bị chết oan. Theo sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, nguyên nhân của sự việc này là do lúc đó, “vua Thái Tổ tuổi già, lắm bệnh, sợ ngày sau chúa nhỏ (thái tử Nguyên Long mới lên 8) cầm quyền, các đại thần như ông và Trần Nguyên Hãn “sẽ có chí khác”. Vì vậy, bề ngoài Lê Lợi “tỏ ra trọng vọng nhưng bên trong vẫn nghi ngờ. Bọn gian thần Trình Hoàng Bá, Lê Quốc Khí, Đinh Bang Bản, Nguyễn Tông Chí, Lê Đức Dư đón biết ý vua tranh nhau dâng mật sớ khuyên vua sớm trừ đi”.

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu thì lại cho rằng, nguyên nhân sâu xa dẫn tới cái chết của ông là cuộc tranh chấp ngôi Thái tử trong triều. Ông và Trần Nguyên Hãn ủng hộ con trưởng Lê Tư Tề đã từng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, trong khi các công thần thân tín của Lê Lợi do Lê Sát cầm đầu lại muốn lập con thứ Nguyên Long. Cuộc tranh chấp đó dẫn đến sự vu cáo hai người có ý đồ mưu phản.

Sau này, vua Lê Thái Tổ hối hận, thương hai người ấy bị giết oan, lại biết rõ bọn Lê Quốc Khí đều chỉ là hạng tiểu nhân xảo quyệt nên rất ghét chúng, khiến chúng đều bị đuổi. Vua xuống chiếu cho trăm quan biết rằng, bọn Lê Quốc Khí, Trình Hoàng Bá, Lê Đức Dư... dẫu có tài cán cũng không được dùng lại nữa. Trong đám bề tôi, giả thử có kẻ làm phản, cần phải tố cáo, thì cũng không cho bọn chúng được quyền tố cáo. Dư luận lúc ấy không ai là không thỏa cả. Khi Lê Thái Tông (Nguyên Long) lên ngôi, phụ chính Lê Sát định dùng lại bọn gian thần đó nhưng bị các quan trong triều phản đối đành phải thôi.

Đến đời vua Lê Thánh Tông, triều đình đã phục hồi danh dự cho ông, truy phong ông là Thái bảo, tước Thắng Quận công.

Lời bàn:

Một trong những nguyên nhân chính làm nên thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là Lê Lợi đã quy tụ dưới trướng của mình một đội ngũ tướng tài và sẵn sàng xả thân cứu nước. Và một trong số đó là Phạm Văn Xảo. Trong tất cả những chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn thời ấy đều in đậm những công lao không nhỏ của Phạm Văn Xảo. Bởi thế, sau ngày chiến thắng quân Minh, ông được ban họ vua, phong chức Thái bảo, xếp hàng thứ ba trên bảng danh sách công thần. Nhưng trớ trêu thay, ngay sau khi được phong chức tước, Phạm Văn Xảo trở thành mối đe dọa đối với những thế lực thù hằn với ông. Và để trừ hậu họa, những thế lực ghen ghét, đố kỵ bèn lập ra nhiều kế sách để chèn ép công thần bậc nhất đến cái chết đầy oan ức.

Theo sử cũ cho thấy, Phạm Văn Xảo đã dốc hết sức mình, vượt qua nguy nan của chiến tranh, chiến đấu với ý nguyện độc lập dân tộc, đem lại cuộc sống cho người dân. Thế nhưng ông lại là người phải chịu cái án oan thảm khốc bởi chính những người đứng đầu triều đại mà ông đã công hiến. Vẫn biết rằng, Phạm Văn Xảo là nạn nhân của cuộc tranh quyền đoạt vị, nhưng cái chết oan ức của ông đã để lại không những cho người đương thời mà còn cả với hậu thế nỗi thương tiếc khôn nguôi về một bậc hiền tài của đất nước.

N.V

  • Từ khóa
109593

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu