Thứ 5, 28/03/2024 16:23:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:01, 01/01/2016 GMT+7

Dân số Bình Phước đang đối diện với nhiều thách thức

Thứ 6, 01/01/2016 | 07:01:00 357 lượt xem
BP - Tại hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) giai đoạn 2011-2015 diễn ra gần đây, nhiều đại biểu đã cho rằng: Công tác DS-KHHGĐ ở Bình Phước tuy đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng cũng đối diện không ít thách thức của thời đại, trong đó có những vấn đề cấp thiết, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh.

NHỮNG GAM MÀU SÁNG

Cuối năm 2015, tỷ suất sinh của Bình Phước 15,09%o, mức giảm sinh 0,4%o. Tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 72,3%, số người sử dụng mới trong năm 2015 đạt 132,69% so kế hoạch năm. Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn được thực hiện tại 75/111 xã, phường, thị trấn; các gói dịch vụ kèm theo đều thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu cao so với kế hoạch.

Thực hiện KHHGĐ tại Trạm Y tế xã Đắk Nhau (Bù Đăng)

Công tác tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh bước đầu đã được nhiều người dân biết đến và tự nguyện thực hiện. Trong năm 2015, có 10.020 phụ nữ mang thai (65%) được siêu âm sàng lọc trước sinh, đạt 215% kế hoạch. Qua xét nghiệm, đã phát hiện 20 trường hợp bất thường, tư vấn chấm dứt thai kỳ đối với 10 trường hợp. Thực hiện thí điểm sàng lọc trước sinh trên 213 mẫu máu khô của thai phụ có tuổi thai từ 11-14 tuần, phát hiện 7 ca nguy cơ cao về hội chứng Down, có 1 trường hợp tư vấn chấm dứt thai kỳ. Xét nghiệm sàng lọc sơ sinh 3.247 trường hợp, phát hiện 10 trường hợp giảm men G6PD. Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân 52 buổi tại 20 câu lạc bộ xã, phường ở thị xã Đồng Xoài, Phước Long và huyện Đồng Phú với khoảng 1.500 thanh niên tham gia. Qua tư vấn có 729 người khám sức khỏe tiền hôn nhân, phát hiện 4 trường hợp có bệnh cần điều trị. Mô hình “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại huyện Hớn Quản và Bù Đăng được duy trì, số vụ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giảm đáng kể, số cặp vợ chồng đăng ký kết hôn, trẻ em được làm giấy khai sinh đúng quy định ngày càng tăng.

NHẬN DIỆN VÀ ĐỐI MẶT THÁCH THỨC

Những thách thức mà công tác DS-KHHGĐ đang phải đối mặt là mức sinh, quy mô dân số, cơ cấu dân số, chất lượng dân số, vấn đề di dân hiện đều có kết quả thiếu bền vững và nhiều nguy cơ bất ổn, khó lường dưới tác động của sự phát triển xã hội. Ông Đỗ Tuấn Hùng, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Lộc Ninh cho biết, hiện số cặp vợ chồng bước vào độ tuổi sinh đẻ tiếp tục tăng; tâm lý người dân thích “có con trai nối dõi” dẫn đến tỷ lệ sinh con thứ 3 cao; kết quả thực hiện các chỉ tiêu về nâng cao chất lượng dân số còn thấp so với mục tiêu đề ra. Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, Phó giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ thị xã Phước Long cho biết thêm: “Ở Phước Long tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên hằng năm có giảm nhưng không ổn định, tỷ số giới tính khi sinh ở mức cao (116 bé trai/100 bé gái). Đặc biệt, tình trạng đảng viên, công chức, viên chức sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng tăng nhanh, năm 2013: 4 trường hợp, năm  2014: 2 trường hợp thì năm 2015 có đến 8 trường hợp. Tuy đối tượng vi phạm đã được xử lý 100% nhưng vẫn tác động tiêu cực đến vận động thực hiện KHHGĐ trong nhân dân”.

Một câu hỏi đặt ra với ngành dân số khi ông Nguyễn Công Khanh, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê tỉnh cho rằng: Hiện nay, con số thống kê của 2 chi cục có sự chênh lệch từ 3-7%o. Vì vậy, để có con số xác thực đánh giá công tác DS-KHHGĐ của tỉnh, phải chờ câu trả lời thỏa đáng từ sự phối hợp kiểm tra, làm rõ của 2 ngành này trong thời gian tới.

Nhiều năm là Trưởng ban công tác DS-KHHGĐ, ông Đàm Văn Phức, Phó chủ tịch UBND phường Thác Mơ (Phước Long) cho rằng, các hội, đoàn thể chưa tác động nhiều đến công tác DS-KHHGĐ, thể hiện khi khu dân cư có người vi phạm chính sách dân số thì “chỉ có “ông dân số” chịu thôi”, trong khi đó trách nhiệm này không phải của riêng ngành dân số. Ông Phức đề xuất: “Tôi đề nghị phải giao hẳn chỉ tiêu cho các hội, đoàn thể để họ có trách nhiệm thực hiện, công tác phối hợp không thể nói chung chung”. Có ý kiến cho rằng, việc lồng ghép công tác DS-KHHGĐ trong các phong trào tại khu dân cư không có kết quả, do “Một số nông dân không quan trọng danh hiệu gia đình văn hóa bằng việc có con trai nối dõi nên khi cộng tác viên dân số tới nhà vận động, họ nói thẳng “Tôi sinh con thì tôi nuôi, mắc gì ông tới nhà tôi hoài vậy?” Việc xử lý đảng viên, cán bộ vi phạm chính sách dân số hiện cũng không đủ sức răn đe, vì “Tôi thấy xử lý vậy cũng như không, như giáo viên ở phường tôi chỉ luân chuyển công tác từ trường này qua trường khác là xong, vậy sao nêu gương được?”.

Tốc độ đô thị hóa luôn gắn với hiện tượng di dân tự do phức tạp. Bình quân mỗi năm Bình Phước có gần 5.000 người nhập cư, phần lớn làm việc tại các khu công nghiệp, số còn lại theo mùa vụ. Việc quản lý đối tượng nhập cư theo mùa vụ khiến nhiều cộng tác viên dân số đau đầu, bởi “rất khó gặp vì họ đi làm cả ngày, vận động được thì ngày mai họ đã chuyển đi nơi khác!”. Truyền thông là khâu quan trọng quyết định sự thành công của công tác DS-KHHGĐ nhưng kinh phí dành cho truyền thông thời gian qua liên tục bị cắt giảm; chế độ thù lao của đội ngũ cộng tác viên thấp (150 ngàn đồng/tháng) nên khó vận động họ gắn bó, nhiệt tình với công việc.

P.Dung

  • Từ khóa
53192

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu