Thứ 6, 19/04/2024 04:22:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:45, 15/04/2016 GMT+7

Chạy trường - không thể trách phụ huynh

Thứ 6, 15/04/2016 | 09:45:00 107 lượt xem

BP - Dù chỉ mới nửa đầu tháng 4, còn hơn 4 tháng nữa mới bắt đầu năm học mới, thế nhưng ở các thành phố lớn đã nóng ran chuyện “chạy trường”, nhất là với các lớp đầu cấp bởi phụ huynh nào cũng muốn con mình vào được trường tốt. Mới tuần trước, lúc vừa tan sở, đang chạy xe trên đường thì điện thoại rung lên. Một số lạ hiển thị trên màn hình và một giọng phụ nữ đầy lo lắng hỏi có phải em là N không? Sau một vài câu vòng vo, người phụ nữ nói thẳng thừng: Chị biết em có nhiều mối thân quen trong ngành giáo dục. Chị muốn nhờ em xin cho cháu vào trường T, hết bao nhiêu chị cũng chấp nhận. Lạ thật, quả là tôi có một số người quen trong ngành giáo dục, nhưng sao người phụ nữ này lại biết? Mà chị ta “đặt vấn đề” cứ như tôi là dân “cò” chạy trường chính hiệu vậy. Một chút tự ái khiến tôi cao giọng, đúng là em có vài người quen trong ngành giáo dục, nhưng em không giúp được chị đâu. Tức thì đầu dây bên kia năn nỉ: Em đừng ngại, thời này làm gì mà chẳng tốn kém. Em cứ lo cho chị bằng mọi giá, hết bao nhiêu chị cũng OK! Tôi liền tắt máy, lòng bỗng thấy bực bội.

Không hiểu sao càng ngày người ta càng dấn sâu vào việc chạy trường, chạy lớp. Chưa đến kỳ nghỉ hè mà khắp nơi đã xôn xao việc lo cho con một chỗ học ở một trường điểm. Mà nào phải chạy vào bậc THCS hay THPT gì cho cam mà là chạy vào mẫu giáo, lớp 1! Trước đây, trước mùa tuyển sinh, nếu tập trung các bà mẹ trẻ thì đề tài quan trọng nhất là lo cho con vào học trường nào? Gần đây thì mùa “chạy trường” đến sớm hơn. Chưa kết thúc năm học cũ, “chạy trường” đã khởi động. Ở các thành phố lớn, số trường điểm, trường chất lượng cao chỉ có hạn mà số cháu muốn vào học quá nhiều nên người ta buộc phải thi tuyển. Thậm chí ở những trường danh tiếng, tỷ lệ “chọi” còn cao hơn thi vào đại học. Cuộc đọ sức giữa các sĩ tử nhí, vì thế không kém phần cam go và các bậc cha mẹ đã phải xắn tay lên hợp sức cùng con. Có người làm hai, ba hồ sơ để con thi trường này không đậu thì thi trường khác. Chiều chiều, những đứa trẻ mới bốn, năm tuổi, tay còn mềm bấy, mặt mũi lơ ngơ, vừa hết giờ học chính khóa ở trường mẫu giáo lại được cha mẹ đưa đến một “lò luyện chữ”, bị ép cầm bút, ép tập đọc, tập làm tính. Và dù chưa biết viết tiếng mẹ đẻ, chúng bị buộc phải học cả tiếng Anh, vì có trường tổ chức thi tuyển cả môn này! Tối đến, bố ngồi bên cạnh động viên, mẹ kỳ cạch pha sữa và cả nhà cùng đánh vật với những bài tập đọc, tập viết, tập làm tính mà lẽ ra phải một năm sau chúng mới phải làm quen. Nhưng biết làm thế nào? Không biết đọc, biết viết thì làm sao “thi” vào trường điểm? Nỗi căng thẳng của các bậc cha mẹ truyền cả sang những đứa trẻ còn ở tuổi tè dầm khiến chúng mệt nhoài. Cứ như thể nếu không thi được vào trường điểm thì tương lai con trẻ coi như chấm hết vậy!

Ở các tỉnh lẻ như Bình Phước, tình trạng “chạy trường” không gay gắt như các thành phố lớn và không có chuyện thi tuyển vào lớp 1. Thế nhưng các trường điểm đã phải áp dụng biện pháp hộ khẩu thường trú để đối phó với tình trạng chạy trường. Nhưng chẳng mấy khó khăn, người ta cũng có được hộ khẩu cho các bé ở khu vực có trường chất lượng cao theo yêu cầu của nhà trường. Vì thế, cuộc đọ sức để cho con vào trường điểm, thực chất là cuộc đọ sức của các bậc cha mẹ.

Không thể trách phụ huynh khi mà ngành giáo dục chưa có sự đầu tư đúng mức và bình đẳng giữa các trường về trang thiết bị giảng dạy và cơ sở vật chất. Khi độ chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các trường còn cao thì việc “chạy trường” vẫn là cuộc đua đầy kịch tính trước mỗi mùa tựu trường.

Thảo Nguyên

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu