Thứ 3, 19/03/2024 09:44:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:46, 01/09/2017 GMT+7

PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ

“Chạy khen thưởng” =  suy thoái đạo đức, lối sống

Thứ 6, 01/09/2017 | 07:46:00 3,394 lượt xem

BP - Ngày 30-10-2016, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (Nghị quyết số 04-NQ/TW) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong nghị quyết này, Đảng đã khẳng định: ...sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc..., là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Không phải cho đến bây giờ Đảng ta mới nhận thấy nguy cơ này, mà tại Hội nghị Đảng giữa nhiệm kỳ khóa VII diễn ra từ ngày 20 đến 25-1-1994, Đảng ta đã phát hiện và nêu ra 4 nguy cơ trước mắt là: Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; âm mưu và hành động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Như vậy, nguy cơ thứ 3 mà hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII Đảng ta đã chỉ ra là “nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội”. Cũng với nguy cơ này, nhưng đến Đại hội lần thứ XII, Đảng đã khái quát rộng hơn và chỉ rõ đó là nguy cơ “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”. Đại hội XII, Đảng nhận định nguy cơ này chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà có mặt, có bộ phận nghiêm trọng hơn.

Vì thế, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng để ngăn chặn nguy cơ này đã và đang là nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng và toàn dân. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh hạn chế, khuyết điểm, tại Hội nghị lần thứ 4 (khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức - lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong mỗi nhóm này, Đảng chỉ rõ 9 biểu hiện, đồng thời đề ra các giải pháp khắc phục. Một trong 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên đã được Đảng ta chỉ ra tại Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, đó là: Mắc bệnh “thành tích”, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu”.

Không phải đến bây giờ, mà từ lâu Đảng ta đã nhiều lần cảnh báo về các loại “chạy”, nào là “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tội”, “chạy dự án”, “chạy tuổi”, “chạy luân chuyển”... Những loại “chạy” này đều gắn với mục đích quyền lực, lợi lộc, dễ mang lại cho những kẻ “chạy” được nhiều “món lời” về vật chất nếu việc “chạy” diễn ra... “thông đồng bén giọt”! Còn một thứ “chạy” khác rất tinh vi không kém phần nguy hại, đó là “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu”. Có thể khẳng định rằng, tất cả những cá nhân, tập thể “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu” không chỉ thỏa mãn mục đích là thích được đề cao, ca ngợi, “đánh bóng” tên tuổi, “tô hồng” cá nhân, hay là muốn “nổi đình nổi đám” trong xã hội, mà còn nhằm che đậy, nói đúng hơn là để “bịt chặt” những sai trái, khuyết điểm của mình hòng “qua mặt cấp trên” và “che mắt thiên hạ”!

Từ thượng cổ đến nay, dù là già trẻ hay gái trai, khi làm bất cứ việc gì ai ai cũng muốn mình đạt thành tích để được khen thưởng. Nhưng danh thường gắn liền với lợi, nên có những cá nhân quyết chạy bằng được thành tích này, danh hiệu nọ nhằm dễ bề thăng quan tiến chức. Do đó, việc “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu” cũng là một biểu hiện của trục lợi chính trị. Vì khi những kẻ “chạy” đã sở hữu được phần thưởng, danh hiệu cao quý, thì họ sẽ có nhiều cơ hội được cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm hay luân chuyển lên vị trí cao hơn. Trịnh Xuân Thanh là một minh chứng, vì có thành tích “xuất sắc” - bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động hạng Ba, nên mới được bổ nhiệm, luân chuyển vị trí công tác nhanh như vậy! Với vai trò là người đứng đầu Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), nhưng Trịnh Xuân Thanh để xảy ra nhiều sai phạm rất nghiêm trọng khiến doanh nghiệp này thua lỗ tới gần 3.300 tỷ đồng. Thế nhưng, Trịnh Xuân Thanh vẫn tìm mọi cách “chạy thành tích” để được ưu ái tặng thưởng bằng khen của các Bộ Công thương, Xây dựng và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, rồi Huân chương Lao động hạng Ba. Một trường hợp nữa không thể không nhắc đến là ông Hồ Xuân Mãn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế cũng bị thu hồi danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì đã cố tình khai man thành tích trong kháng chiến, tranh công đồng đội khiến cấp trên đã trao nhầm danh hiệu cao quý của Nhà nước cho ông này!

Còn ở Bình Phước lại xuất hiện một kiểu “chạy” theo cách riêng, đó là qua mặt tập thể cơ quan, đơn vị và cả cấp ủy bằng việc khai man thành tích để được nhận huân, huy chương. Cụ thể, ngày 4-5-2017, tại UBND phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài, Sở Nội vụ phối hợp với UBND thị xã, Phòng Nội vụ thị xã và UBND phường Tân Bình tổ chức công bố Quyết định số 256/QĐ-CTN ngày 14-2-2017 của Chủ tịch nước về việc thu hồi Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất của ông Trần Văn Long, quê quán xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, trú khu phố Thanh Bình, phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài, do đã khai man thành tích để được khen thưởng. Mới đây, có một lãnh đạo sở đã khai man thành tích để được nhận bằng khen của Chính phủ, rồi Huân chương Lao động hạng Ba và sự việc đang được cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền.

Để xảy ra 2 vụ việc “chạy danh hiệu” điển hình nêu trên, ngoài trách nhiệm chính thuộc về những cá nhân sai phạm, phần nào cũng cho thấy sự nể nang, dễ dãi, thậm chí có biểu hiện tiêu cực của cơ quan, đơn vị quản lý các cá nhân này và của các bộ phận, cá nhân làm tham mưu, thẩm định, kiến nghị hồ sơ khen thưởng các cấp. Một trong những lý do căn bản dẫn đến thực trạng này là trong cơ chế, chính sách còn nhiều khe hở, lỗ hổng khiến “bệnh thành tích” như một thứ “dịch bệnh” nảy sinh, lây lan gây tác động tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh của xã hội. Mặt khác, do tâm lý háo danh, chuộng hình thức, thích phô trương và nhất là tư tưởng kèn cựa danh hiệu, đố kỵ thứ hạng... còn tồn tại trong suy nghĩ, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, tổ chức khiến “bệnh thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu” càng có nguy cơ cao phát sinh và phát triển.

Để ngăn chặn sự suy thoái nêu trên, việc cần kíp đối với cơ quan, tổ chức, tập thể và đặc biệt là đối với cấp ủy các cấp là phải kiên trì, kiên quyết loại bỏ căn bệnh này trong mỗi cá nhân, tổ chức để góp phần lành mạnh hóa đời sống chính trị - xã hội. Muốn vậy, cần phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên. Đặc biệt người đứng đầu trong mỗi cơ quan, tổ chức phải kiên quyết nói “không” với việc che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích; đồng thời xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên cố tình “mua” thành tích, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu” để làm gương.

Diệp Viên

  • Từ khóa
1183

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu