Thứ 5, 25/04/2024 20:47:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 15:25, 16/05/2013 GMT+7

Châu Âu điều tra nghi án câu kết nâng giá dầu

Thứ 5, 16/05/2013 | 15:25:00 128 lượt xem

 

Theo báo Anh Telegraph, hôm 14-5, Ủy ban châu Âu (EC) đã bất ngờ ra lệnh khám xét trụ sở của Hãng dầu khí BP tại London (Anh), văn phòng Hãng Royal Dutch Shell ở London và Rotterdam (Hà Lan), trụ sở Hãng Statoil ở Stavanger (Na Uy) và văn phòng hãng công bố giá dầu Platts ở London. EU nghi ngờ các công ty này “đã câu kết để nâng giá các sản phẩm dầu và nhiên liệu sinh học”.

“Bất kỳ sự thao túng nào về giá, dù là nhỏ, cũng có thể tác động lớn đến giá dầu thô, các sản phẩm dầu và nhiên liệu sinh học, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng” - EC khẳng định.

Thao túng từ “giá tiêu chuẩn”

EC nghi ngờ BP, Shell và Statoil câu kết với Platts để thông báo giá dầu thô cao hơn giao dịch thực tế. Chuyên gia năng lượng Andrew Whittock thuộc Hãng Liberum Capital ở London cho biết giá mà người tiêu dùng thế giới trả để mua dầu, xăng và các sản phẩm từ dầu thô được xác định bởi một số “giá tiêu chuẩn”, trong đó có giá dầu Brent trên thị trường Anh và giá dầu ngọt nhẹ Texas trên thị trường New York. Các hãng thông báo giá dầu (PRA) tính toán “giá tiêu chuẩn” dựa trên dữ liệu giao dịch dầu thô hằng ngày từ các hãng dầu khí, ngân hàng, quỹ đầu tư...


Người tiêu dùng trả tiền cao vì các đại gia thao túng giá xăng dầu?

“Giá tiêu chuẩn có ảnh hưởng cực lớn và được sử dụng để định đoạt mọi loại giao dịch. Nó quyết định số tiền mà bạn phải bỏ ra để đổ xăng vào xe của bạn” - chuyên gia Whittock nêu rõ.

EC nghi ngờ các công ty dầu khí giả vờ bán dầu và các sản phẩm từ dầu cao hơn mức giá thực tế và cung cấp cho các PRA số liệu đã bị nâng khống. PRA sử dụng số liệu nâng khống này để tính “giá tiêu chuẩn” cao hơn mức thực tế. Bằng cách này, giá dầu và các sản phẩm từ dầu trên toàn thế giới đã bị đẩy lên cao. EC cho rằng BP, Shell và Statoil đã câu kết với Platts để thực hiện hành vi lừa đảo này. Chuyên gia Whittock nhận định đây thật ra là một thủ thuật nâng giá đơn giản mà rất hiệu quả.

EC cũng nghi ngờ một số công ty dầu khí lớn đã thao túng giá dầu bằng cách ngăn chặn các công ty khác tham gia quá trình định giá. Hiện ở phương Tây, chỉ có một nhóm nhỏ PRA thống trị hoạt động định giá dầu thô và Platts là đại gia hàng đầu. Báo Guardian dẫn lời nghị sĩ Anh Matthew Oakeshott nhận định vụ xìcăngđan này có thể còn có quy mô lớn hơn vụ bê bối thao túng lãi suất ngân hàng liên London (Libor).

Ông Oakeshott đặt câu hỏi: tại sao chính quyền Anh lại không điều tra sớm hơn mà phải đợi đến khi EU ra tay? “Tại sao chúng ta lại phải chờ đến khi Brussels điều tra nghi vấn các đại gia dầu khí Anh đang móc túi người tiêu dùng nước mình? - ông Oakeshott bức xúc - Giá xăng dầu đang phá hủy nền kinh tế Anh và tạo ra gánh nặng lớn đối với từng doanh nghiệp và gia đình”.

“Thế giới giá dầu đầy u tối”!

Theo báo New York Times, thật ra từ lâu nhà chức trách châu Âu và Mỹ đã nghi ngờ hệ thống định giá dầu thô và khí đốt trên thị trường New York và London là có vấn đề. Bởi vì, những diễn biến ở hai thành phố này đều ảnh hưởng tới không chỉ người tiêu dùng khắp thế giới mà cả các hãng hàng không, các công ty vận tải, taxi... trên toàn cầu. Nghi vấn đã leo thang thành lo ngại nghiêm trọng vào năm 2008 khi giá dầu có lúc vọt lên tới 140 USD/thùng trước khi giảm lại. Vào thời điểm đó, các nghị sĩ Mỹ đã đặt câu hỏi: phải chăng giá dầu đang bị thao túng? Thế nhưng, cho đến trước khi EC hành động thì Mỹ và châu Âu lại chưa thật sự có một cuộc điều tra nghiêm túc nào. Năm 2010, các nước trong G-20 đã yêu cầu Tổ chức Các ủy ban chứng khoán quốc tế giám sát nguy cơ giá dầu và các loại hàng hóa bị thao túng. Đến năm 2012, một số PRA đã chấp nhận áp dụng hàng loạt nguyên tắc giám sát chặt chẽ hơn.

Theo Telegraph, Chính phủ Anh mới đây cũng đã yêu cầu Cơ quan Dịch vụ tài chính điều tra khả năng giá dầu bị thao túng và gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Nghị sĩ Anh Robert Halfon khẳng định đã đến lúc các tập đoàn dầu khí quốc tế phải công khai minh bạch. “Người tiêu dùng đang phải trả mức giá quá đắt chỉ để đi lại trên đường phố. Các công ty dầu khí phải chịu trách nhiệm” - nghị sĩ Halfon tuyên bố. Ông đề nghị Chính phủ Anh áp mức thuế trừng phạt nặng đối với bất kỳ công ty nào bị phát hiện có hành vi thao túng giá. Người phát ngôn Hiệp hội Xe hơi Anh Luke Bosdet nhấn mạnh người tiêu dùng Anh và thế giới cần nhà chức trách “vén màn bí mật về thế giới giá dầu đầy u tối”.

Giới quan sát dự báo cuộc điều tra của EC có thể sẽ phải kéo dài hàng năm.

(Theo TTO)

  • Từ khóa
36480

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu