Thứ 5, 25/04/2024 15:05:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 10:50, 17/06/2017 GMT+7

Chất vấn và giám sát sau chất vấn

Thứ 7, 17/06/2017 | 10:50:00 96 lượt xem

BP - Những ngày vừa qua, nhân dân cả nước luôn quan tâm theo dõi kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra tại Hà Nội. Kỳ họp lần này có nhiều nội dung quan trọng với nhiều điểm mới. Thời gian dành cho chất vấn và trả lời chất vấn 3 ngày (13, 14 và 15-6) dài hơn so với kỳ họp trước nửa ngày. Đặc biệt, nội dung chất vấn các thành viên Chính phủ gồm 4 nhóm, đều là những vấn đề “nóng”. Đó là: nhóm vấn đề về nông nghiệp, nông thôn; nhóm vấn đề về văn hóa; nhóm vấn đề về y tế và nhóm vấn đề về đầu tư. Việc chọn “nhóm vấn đề” để đại biểu chất vấn và không chỉ “tư lệnh” ngành đó trả lời mà khi liên quan đến bộ, ngành khác thì trưởng bộ, ngành đó cũng phải trả lời. Không chỉ có thế mà các Phó thủ tướng phụ trách ngành cũng tham gia trả lời đại biểu để làm rõ thêm vấn đề, nhất là các định hướng trong thời gian tới. Đây là điểm mới thu hút sự theo dõi của cử tri và nhân dân cả nước. 

Chất vấn là quyền và cũng là hình thức giám sát quan trọng nhất của đại biểu Quốc hội. Thông qua chất vấn, trả lời chất vấn, nhiều vấn đề được làm sáng tỏ, nhất là trách nhiệm của các cơ quan, người đứng đầu các cơ quan. Tác dụng tích cực của chất vấn chính là làm cho người chất vấn cũng như người được chất vấn thấy rõ vai trò, vị trí của mình. Chất vấn không phải chỉ để hỏi cho biết, cũng không phải để giải đáp thắc mắc. Mục đích cuối cùng của chất vấn là để nhận diện rõ thực trạng, tìm ra giải pháp, làm rõ trách nhiệm cá nhân để khắc phục và thúc đẩy sự phát triển. Không những các thành viên Chính phủ mà ngay cả các vị đại biểu Quốc hội là những người có thẩm quyền chất vấn cũng phải xác định trách nhiệm đại biểu của nhân dân, được cử tri tin cậy, trao gửi nguyện vọng thì phải làm sao chất vấn cho đúng và trúng vấn đề. Việc tăng thêm hình thức đối thoại, tranh luận trực tiếp tại diễn đàn Quốc hội đã tạo không khí dân chủ, sôi nổi, cởi mở giữa người chất vấn và người trả lời chất vấn. Đồng thời tranh luận bao giờ cũng làm cho mọi vấn đề trở nên minh bạch và chế độ trách nhiệm cũng được làm rõ hơn.

Tuy nhiên, một vấn đề mà cử tri quan tâm nữa đó là hoạt động giám sát hậu chất vấn. Giám sát sau phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội phải được xem là thước đo chỉ số tín nhiệm của các đại biểu Quốc hội, của cử tri với các thành viên Chính phủ. Nếu như quá trình chất vấn là để xác định trách nhiệm cá nhân, để nhận thấy, nhận biết và nhận thức được các vấn đề đặt ra của bộ, ngành đó thì điều quan trọng và có ý nghĩa hơn sau chất vấn là phải hành động và chuyển động. Sau chất vấn mà không có những hành động và chuyển động tích cực của “tư lệnh” ngành thì vấn đề chất vấn không còn ý nghĩa gì. Vì vậy, sau mỗi cuộc chất vấn đòi hỏi các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội phải tiếp tục giám sát hậu chất vấn xem những vấn đề được đặt ra, những giải pháp được đề cập, những lời hứa có chuyển biến thật sự không. Nếu bộ trưởng, trưởng ngành nhận trách nhiệm mà không chuyển biến, hứa mà không làm thì Quốc hội phải tiếp tục xem xét trách nhiệm pháp lý. Thời gian vừa qua rất mừng là đã có nhiều bộ trưởng, trưởng ngành sau khi trả lời chất vấn Quốc hội đã hành động quyết liệt và tạo ra những chuyển biến rất nhanh. Và cử tri cũng hy vọng 4 nhóm vấn đề vừa được chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV sẽ được thực thi tốt hơn, chuyển biến tích cực và mạnh mẽ hơn.

Thanh Hà

  • Từ khóa
108659

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu