Thứ 6, 29/03/2024 01:40:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:47, 22/02/2017 GMT+7

Chất lượng là vấn đề sống còn

Thứ 4, 22/02/2017 | 07:47:00 146 lượt xem
BP - Trong những ngày qua, nông dân trồng tiêu đón nhận một thông tin rất đáng quan tâm. Đó là việc châu Âu sẽ siết chặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa cho phép trong hạt tiêu Việt Nam nhập khẩu vào khu vực này. Ngoài ra, thị trường Mỹ vốn có tới trên 40.000 tấn hạt tiêu được nhập từ Việt Nam vài năm trở lại đây, cũng đang chuẩn bị ban hành hàng loạt quy định mới về yêu cầu chất lượng nông sản nhập khẩu, trong đó có hạt tiêu.

Thực tế cho thấy, ngay từ đầu năm 2017, tại khu vực Đông Nam bộ, giá thu mua hạt tiêu đen tiếp tục giảm sâu so với thời điểm cuối năm 2016. Theo đó, giá hồ tiêu tại tỉnh Bình Phước cuối năm 2016 là 122.000 đồng/kg; trong khi giữa năm đạt 180.000 đồng/kg. Đây được xem là thông tin đáng buồn khi các hộ trồng tiêu đang vào mùa thu hoạch chính vụ năm 2017. Hằng năm, hồ tiêu luôn trong top những mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch đạt hàng tỷ đô la. Nhưng năm 2017, ngành hồ tiêu đang phải đối mặt với tình trạng giá thấp và nguy cơ mất thị trường khi rào cản về yêu cầu chất lượng ngày càng khắt khe. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, giá tiêu tiếp tục giảm vì chất lượng hồ tiêu Việt Nam hiện nay không bảo đảm yêu cầu của một số nước, vì nông dân chạy theo năng suất mà đang bỏ qua chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm.

Tiêu là cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhưng những năm gần đây, dịch bệnh diễn biến phức tạp, diện tích cây tiêu trên địa bàn Bình Phước tăng mạnh, khó kiểm soát. Tình trạng nông dân lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu để tăng năng suất tiêu diễn ra nhiều nơi. Vì vậy, chất lượng hạt tiêu của tỉnh cũng có nhiều vấn đề cần quan tâm. Từ thực tế đó đã có nhiều cuộc hội thảo, những sự khuyến cáo đến người trồng tiêu phải kiên quyết bảo đảm các yếu tố về kỹ thuật, nếu không muốn sản phẩm không tiêu thụ được. Vừa qua, tại hội thảo “Sản xuất, tiêu thụ và quản lý sâu bệnh hại cây hồ tiêu” do Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) phối hợp với Trung tâm Sinh học nông nghiệp quốc tế (CABI) tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng, việc thành lập những “bệnh viện cây trồng” cho hồ tiêu là rất cần thiết. Trạm khuyến nông ở các huyện, thị xã, những khuyến nông viên cần tích cực tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp nói chung và cây tiêu nói riêng. Việc lạm dụng các sản phẩm hóa học trong trồng trọt không chỉ ảnh hưởng đến cây trồng mà còn tác động nguy hiểm đến sức khỏe con người. Nếu không thay đổi theo hướng sản xuất sạch bằng phương pháp hữu cơ bền vững thì nông sản của Việt Nam sẽ rất khó xâm nhập vào các thị trường thế giới.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam xác định, chất lượng hồ tiêu là vấn đề sống còn của ngành, nhưng ở nhiều nơi, không ít người sử dụng phân bón quá mức, đẩy loại cây này vào tình trạnh sinh trưởng mất cân đối, dễ nhiễm sâu bệnh, sau đó lại sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật để “cứu” tài sản. Vì vậy, chỉ khi nào nông dân trồng tiêu nhận ra được tính nghiêm trọng của vấn đề này và thay đổi hành vi, canh tác theo phương pháp hữu cơ thì chất lượng hạt tiêu mới có thể cải thiện, xuất khẩu theo đó mới bền vững. Đồng thời, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hồ tiêu cũng phải thay đổi quy trình khép kín từ thu hoạch đến chế biến để thỏa mãn mọi tiêu chuẩn của thị trường thế giới.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu