Thứ 7, 20/04/2024 15:36:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 15:27, 03/04/2013 GMT+7

Chào mừng 10 năm thành lập chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Bình Phước

Thứ 4, 03/04/2013 | 15:27:00 194 lượt xem

ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HÓA HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC
TRONG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG

(Trả lời phỏng vấn của ông Trương Thanh Dũng, Giám đốc Chi nhánh
Ngân hàng Chính sách xã hội Bình Phước)

P.V: Thưa ông, những kết quả nổi bật mà Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Bình Phước đạt được trong thời gian qua là gì. Và đâu là nhân tố tạo nên sự thành công đó?

Ông Trương Thanh Dũng: Qua 10 năm hình thành và phát triển, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Bình Phước đã đóng góp tích cực trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực xóa đói giảm nghèo (XĐGN), đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Từ chỗ chỉ thực hiện 3 chương trình cho vay từ Ngân hàng phục vụ người nghèo, Ngân hàng Công thương và Kho bạc Nhà nước, đến nay ngân hàng đang thực hiện 9 chương trình cho vay phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, với tổng dư nợ tăng gấp 9 lần so với lúc mới thành lập. Hiện có hơn 93 ngàn khách hàng đang có quan hệ tín dụng với ngân hàng. Nguồn vốn chủ yếu được ưu tiên cho vay sản xuất đối với hộ nghèo (chiếm 34% tổng dư nợ), cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn (chiếm 23% tổng dư nợ) và cho vay hộ sản xuất - kinh doanh tại vùng khó khăn (chiếm 19% tổng dư nợ). Với những kết quả trên, hoạt động tín dụng chính sách của chi nhánh Ngân hàng CSXH Bình Phước đã góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 5,6% vào cuối năm 2012. Bình quân hàng năm có 2.500 hộ thoát nghèo nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách.


Nhờ nguồn vốn Ngân hàng CSXH, nhiều hộ nông dân
đầu tư sản xuất có hiệu quả.
Trong ảnh: Thu hoạch ca cao của một hộ ở Bù Đăng - Ảnh: Tuyết Ly

Đạt được những kết quả trên, trước hết có sự quan tâm chỉ đạo, giải quyết hiệu quả các vấn đề an sinh xã hội của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh. Bên cạnh đó, chi nhánh đã tranh thủ được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về nguồn vốn, nhân lực, cơ sở vật chất từ Ngân hàng CSXH Việt Nam. Đội ngũ cán bộ có đủ tâm, đủ tầm, tâm huyết với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Điều không thể không nhắc tới là mạng lưới hoạt động của chi nhánh đã rộng khắp các thôn, ấp, xã với các hình thức như: tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), điểm giao dịch lưu động tại xã đã tạo thành cầu nối, kênh dẫn vốn hiệu quả giữa nhu cầu của hộ nghèo với chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Và đây là mô hình riêng có của Ngân hàng CSXH.

P.V: Ông đã nhắc đến mạng lưới rộng khắp của chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, vậy việc đầu tư xây dựng hệ thống giao dịch để đưa các chính sách tín dụng, dịch vụ tín dụng đến với các đối tượng được hưởng được ngân hàng quan tâm đầu tư như thế nào và mang lại hiệu quả gì?

Ông Trương Thanh Dũng: Khi mới thành lập, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị rất khó khăn nên mạng lưới giao dịch chỉ đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ tối thiểu. Qua 10 năm xây dựng và phát triển, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Bình Phước đã xây dựng được hệ thống giao dịch đảm bảo phục vụ tốt nhiệm vụ, gồm: Hội sở chi nhánh tỉnh, 8 phòng giao dịch cấp huyện, thị xã (riêng 2 địa bàn huyện Hớn Quản và Bù Gia Mập hiện do 2 phòng giao dịch thị xã Bình Long và thị xã Phước Long đảm nhiệm), 111 điểm giao dịch lưu động tại xã (100% xã, phường đều có điểm giao dịch vào ngày cố định trong tháng) và hơn 1.900 tổ TK&VV hoạt động trên khắp các thôn, ấp trong toàn tỉnh. Dự kiến quý 2/2013 sẽ đưa vào hoạt động chính thức 2 phòng giao dịch huyện Hớn Quản và Bù Gia Mập để tiếp tục hoàn thiện mạng lưới giao dịch, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.

Qua các điểm giao dịch tại xã, phòng giao dịch cấp huyện, thị xã, các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, quy trình thủ tục, đối tượng hưởng, danh sách hộ được vay vốn Ngân hàng CSXH được niêm yết công khai, rõ ràng, đầy đủ, rất thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách của hộ nghèo, cũng như việc kiểm tra, giám sát của nhân dân và chính quyền địa phương. Từ đó hạn chế tối đa các tiêu cực trong hoạt động tín dụng chính sách, tạo được lòng tin đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đặc biệt, phương thức cho vay ủy thác bán phần qua các tổ chức chính trị xã hội, mà nòng cốt là hoạt động của tổ TK&VV do các tổ chức đoàn thể chỉ đạo thành lập đã trở thành phương tiện truyền dẫn chính sách tín dụng, kênh dẫn vốn trực tiếp, nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo đến đúng đối tượng hưởng, tiết giảm tối đa chi phí giao dịch của hộ nghèo với Ngân hàng CSXH.

P.V: Với đặc thù của ngân hàng thực hiện chính sách tín dụng của Nhà nước thì có cần quan tâm nhiều đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, thưa ông?

Ông Trương Thanh Dũng: Trong hoạt động của ngân hàng, khách hàng thường xuyên tiếp xúc, giao dịch với nhân viên. Dù ở loại hình ngân hàng nào thì thái độ, phong cách làm việc của nhân viên đều có ảnh hưởng lớn đến hình ảnh và uy tín của ngân hàng. Trong giai đoạn hiện nay, cùng với sự phát triển và hội nhập sâu rộng của nền kinh tế nói chung, ngành tài chính ngân hàng nói riêng càng đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ cao. Vấn đề nhân sự đã trở thành một trong những nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển của ngân hàng. Vì thế, việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, tin học và ngoại ngữ; có kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong cộng đồng, kỹ năng phân tích tổng hợp, kỹ năng làm việc theo nhóm... được ban lãnh đạo chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển của mình.

Đến nay, đội ngũ cán bộ của chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh có 119 người, trong đó 75 người có trình độ đại học, chiếm 76%. Những năm tới, chi nhánh tiếp tục xây dựng chiến lược quản trị nguồn nhân lực; tiếp tục quy hoạch, tuyển chọn cán bộ quản lý vào vị trí xứng đáng; luân chuyển cán bộ; tăng cường đào tạo và đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng hoạt động của đơn vị, tạo được hình ảnh thân thiện trong khách hàng.

P.V: Điều tâm đắc nhất cũng như trăn trở nhất của ông là gì trong quá trình thực hiện chính sách tín dụng?

Ông Trương Thanh Dũng: Tâm đắc nhất của tôi là sau 10 năm thành lập, Ngân hàng CSXH đã triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Chính sách tín dụng ưu đãi đã đến với người nghèo, vùng nghèo trong cả nước. Chỉ một thời gian ngắn, Nhà nước đã tập trung được nguồn lực tài chính khá lớn, tạo được sự đột phá trong công tác XĐGN, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đạt mục tiêu thiên niên kỷ về XĐGN. Tính ưu việt và hiệu quả của Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã được khẳng định và phát huy hiệu quả trong cuộc sống, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, được nhân dân đồng tình.

Có hai điều tôi trăn trở và muốn chia sẻ. Thứ nhất, kết quả XĐGN của cả nước cũng như Bình Phước chưa bền vững, tỷ lệ hộ tái nghèo còn cao. Chỉ cần sau một trận thiên tai, dịch bệnh xảy ra, nông dân lại trắng tay, tỷ lệ hộ tái nghèo lại tăng lên. Thứ hai, lạm phát tăng, thu nhập thực tế giảm, không đuổi kịp tốc độ tăng giá, làm cho mục tiêu giảm nghèo 2%/năm có thể bị phá vỡ. Lạm phát đã để lại hệ lụy xấu tới an ninh xã hội, nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã nghèo lại càng nghèo hơn.

Theo tôi, Nhà nước cần mở rộng và tăng mức cho vay vốn tín dụng chính sách để đảm bảo XĐGN, an sinh, công bằng xã hội. Muốn vậy, trong lúc Nhà nước còn khó khăn về nguồn vốn thì cần đẩy mạnh xã hội hóa trong việc huy động các nguồn lực; tổ chức sắp xếp lại các chương trình tín dụng chính sách đang thực hiện, tránh chồng chéo, trùng lắp để đạt hiệu quả cao hơn. Đồng thời tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách tín dụng, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, khắc phục đầu tư dàn trải, kém hiệu quả để tăng nguồn lực cho tín dụng chính sách.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

  • Từ khóa
36428

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu