Thứ 6, 19/04/2024 03:31:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 15:50, 11/01/2017 GMT+7

Chạnh lòng

Thứ 4, 11/01/2017 | 15:50:00 122 lượt xem
BP - Những ngày cuối tháng 9-2016, báo chí ồn ào đưa tin tỉnh Sóc Trăng cử đoàn cán bộ sang Campuchia học tập kinh nghiệm trồng lúa để tìm lối thoát cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Đi cùng đoàn còn có giáo sư, tiến sĩ Võ Tòng Xuân, nhà nông học hàng đầu Việt Nam.

Đọc tin này, ngay trong cơ quan tôi cũng chia làm hai phe. Một phe hoan nghênh ủng hộ tỉnh Sóc Trăng đã tâm huyết, năng nổ, không ngại, không “sĩ” đi học tập kinh nghiệm ở một đất nước mà lâu nay mặc nhiên được xem là “dưới cơ” của Việt Nam về mặt sản xuất, xuất khẩu lúa, gạo. Một phe trề môi, cho đó là việc làm nghe thì có vẻ khiêm tốn nhưng chắc chắn không mang lại hiệu quả, bởi theo phân tích thì điều kiện của Campuchia và Việt Nam hoàn toàn khác nhau.Vì vậy dù có sang học tập thì khi về nước, các nhà khoa học và nông dân cũng khó mà áp dụng vào thực tế của Việt Nam.

Tôi vốn chẳng có nhiều kiến thức về nông nghiệp cũng như về lúa gạo, tuy nhiên khi đọc những thông tin bình luận về việc tỉnh Sóc Trăng “đi học” làm lúa nước bên Campuchia thì không khỏi chạnh lòng. Qua báo chí được biết, tại hội chợ lương thực quốc tế Thái Lan những năm gần đây, chỉ có gạo Thái Lan, gạo Campuchia và gạo Italy góp mặt. Gạo Việt Nam không dám xuất đầu lộ diện vì chất lượng không so được với gạo các nước này. Không những thế, một số lô hàng gạo xuất đi các nước phải trả về vì nhiễm hóa chất. Tại sao trước giải phóng, “gạo Sài Gòn” đã trở thành thương hiệu nổi tiếng thế giới, nhưng sau khi đất nước hòa bình thống nhất thì gạo Việt Nam lại bị tụt hạng như thế? Gạo thơm ngon của Việt Nam đâu mất rồi? Ruộng đất vẫn thế, vẫn do nông dân sản xuất; các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu khoa học thì ngày càng nhiều lên. Vậy mà gạo Việt Nam lại “xuống cấp” đến như thế? Những câu hỏi này không chỉ vang lên trên các diễn đàn khoa học, diễn đàn Quốc hội mà là câu hỏi chung của những người vẫn hằng ngày thổi cơm bằng gạo của Thái, của Nhật, của Italy!

Lâu nay chúng ta tự hào vì Việt Nam từng đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo mà ít ai nhìn thẳng vào sự thật là thương hiệu gạo Việt Nam chỉ là gạo giá rẻ, chỉ có thể bán cho các nước nghèo và hiện chưa ai cạnh tranh ngôi vị “đứng đầu” này. Nhưng rồi các nước nghèo cũng đến lúc tự túc được lương thực, giống như ta từng phải nhập khẩu gạo rồi lại “đứng đầu” thế giới về xuất khẩu gạo. Mặt khác, các nước có tiềm năng lớn về trồng lúa nước như Thái Lan, Campuchia, Myanmar đã cạnh tranh gay gắt với ta. Như vậy, người ăn gạo giá rẻ có xu hướng giảm và diện tích canh tác lương thực có xu hướng tăng. Vậy mà ta vẫn cứ giữ diện tích, giữ sản lượng gạo như trước, chưa nói đến những chính sách không có lợi cho nông dân, cho doanh nghiệp kinh doanh lương thực như Nghị định số 109 mà một số tờ báo đang “mổ xẻ” khi yêu cầu “doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có kho 5.000 tấn và máy xát 10 tấn/giờ”!?

Trở lại câu chuyện tỉnh Sóc Trăng sang Campuchia học cách làm lúa nước. Tôi không dám khẳng định việc làm này có lợi hay không. Chỉ chợt nghĩ, dù ở rất gần nhưng điều kiện của Campuchia khác ta. Người Campuchia làm lúa 1 vụ/năm và họ chủ yếu cấy trồng bằng phân bón hữu cơ, rất ít dùng phân bón hóa học. Chưa nói tới rất nhiều chính sách như hạn điền, giống; các loại phí và lệ phí nông nghiệp; hay như Nghị định số 109 mà báo chí đang mổ xẻ, chỉ nói tới việc trồng lúa theo phương pháp hữu cơ thì đã thấy dù có đi học, ta cũng không thể áp dụng được rồi!

Thảo Linh

  • Từ khóa
108557

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu