Thứ 5, 28/03/2024 18:09:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:06, 12/02/2016 GMT+7

Niềm hạnh phúc của những cặp đôi khiếm khuyết

Thứ 6, 12/02/2016 | 14:06:00 333 lượt xem
BP - Bằng nghị lực phi thường, nhiều người khuyết tật đã nỗ lực vươn lên trở thành tấm gương sáng trong xã hội. Ngoài làm ra những sản phẩm giúp ích cho đời, họ còn tìm được bến đỗ bình an và hạnh phúc bên người yêu. Vun đắp cho tổ ấm cùng những đứa con khỏe mạnh là niềm hạnh phúc bất tận của các cặp đôi không may bị khiếm khuyết một phần cơ thể.

CHUYỆN TÌNH ĐẸP NHƯ CỔ TÍCH

Tay phải của chồng bị biến dạng từ nhỏ, vợ bị liệt đôi chân khi bắt đầu bi bô học nói. Anh Phạm Thanh Giang và chị Trần Thị Út Em (phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài) đã gặp, yêu nhau và cùng vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Giang, chị Em vào một buổi chiều cuối năm. Chị Em phải dùng tay để di chuyển. Mặc dù không thể đi lại nhưng chị có thể làm rất nhiều việc như nấu cơm, giặt giũ, phụ chồng sắp xếp lại cửa hàng quà lưu niệm cho đẹp mắt. Khi 18 tuổi, Em rời gia đình, đến mái ấm Thành Đạt (huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) với mong muốn tìm việc kiếm sống. Làm búp bê bằng thổ cẩm 2 năm, chị dành dụm được 3 triệu đồng học may. Sau khi học thuần thục, trở thành thợ chị tiết kiệm tiền mua máy may, máy vắt sổ... để mở tiệm riêng. Chị phải cố gắng gấp nhiều lần người khỏe mạnh để sống tự lập nhưng điều chị khó vượt qua, nhất là sự mặc cảm về cơ thể không lành lặn. Việc giao tiếp với khách đến đặt may cũng là khó khăn với chị. Lúc nào chị cũng có cảm giác khách hàng nghi ngại khả năng làm việc của mình, từ đó tránh hẳn việc giao tiếp, tiếp xúc. Chị gặp anh Giang trong một lần tham gia câu lạc bộ dành cho người khuyết tật, khi đó anh đang học trung cấp công nghệ thông tin và phụ việc thiết kế đồ họa, làm biển hiệu, quảng cáo. Anh đã học và làm mọi việc chỉ với bàn tay trái. Sự động viên của anh, dần dần đưa chị ra khỏi suy nghĩ mặc cảm, tự tin hơn trong giao tiếp. Sau đó, chị về thị xã Đồng Xoài thuê ki-ốt và tự làm chủ tiệm may.

Vợ chồng anh Giang đang sắp xếp lại cửa hàng quà lưu niệm cho đẹp mắt

Biết rằng không thể sống thiếu nhau, cả hai cùng về ra mắt gia đình. Nhìn anh chị, gia đình hai bên đều không đồng ý với cùng một lý do: Nếu sống chung sẽ càng khổ hơn, có khi lại sinh con bị khuyết tật. Nghe ba mẹ nói thế, chị khóc, anh Giang an ủi chị “Khổ thì khổ rồi, khổ thêm tí nữa có sao đâu”. Rồi anh âm thầm chứng minh, thuyết phục hai bên gia đình rằng mình có thể lo cho vợ, con.

Tiệm may Thiên Di của chị Út Em và cửa hàng quà tặng, in hình quà lưu niệm của anh Giang được mở gần nhau trên đường 20, phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài. Hạnh phúc khi biết tin được làm mẹ nhưng chị cũng thấp thỏm lo lắng từng ngày mong con bình an. Năm 2012, bé Thiên Vy sinh ra lành lặn, khỏe mạnh, hạnh phúc trọn vẹn đã mỉm cười cùng gia đình bé nhỏ của anh chị.

TÌNH YÊU THƯƠNG, CHIA SẺ CỦA ANH GIÚP TÔI VƯỢT QUA TẤT CẢ

Khuôn mặt phúc hậu luôn nở nụ cười tươi, tinh thần lạc quan, yêu đời đó là ấn tượng đầu tiên chúng tôi gặp chị Ngô Thị Bích Huyền (phường Tân Thiện, TX. Đồng Xoài). Dù phải gắn liền với chiếc xe lăn nhưng chị vẫn chăm sóc con chu đáo, làm việc nhà và may đồ kiếm sống.

Khi sinh ra chị Huyền cũng lành lặn như bao đứa trẻ khác. Tròn 1 tuổi, tai họa bất ngờ ập đến, cơn sốt bại liệt mấy ngày liền khiến đôi chân chị teo lại, không thể di chuyển. Thương con, cha mẹ cõng chị đi khắp nơi chữa bệnh, căn nhà duy nhất của gia đình cũng bán đi nhưng đôi chân của chị cứ ngày một co quắp. Ở cái tuổi ngây thơ, hiếu động ấy, chị Huyền chưa hiểu nỗi đau phải gắng chịu. Đôi chân cứ nhào ra phía trước như muốn chạy nhảy với đám bạn cùng trang lứa, vậy là sẹo lớn, sẹo nhỏ cứ chồng lên nhau.

Nhìn con khỏe mạnh, xinh xắn, mọi phiền lo trong cuộc sống của chị Huyền đều tan biến

Mỗi bước đi là cả sự khó nhọc nhưng cô gái có đôi chân tật nguyền ấy lại khao khát được cùng bạn đến trường. Hết lớp 8, Huyền phải nghỉ học vì đường đến trường quá xa, cha mẹ vất vả mưu sinh, không có thời gian đưa đón. Khoảng thời gian đó là chuỗi ngày dài đầm đìa nước mắt, cô bé Huyền hiếu động, hồn nhiên ngày nào bỗng sống thu mình, nhất là khi chị bắt đầu cảm nhận và hiểu được khiếm khuyết của bản thân. Quanh quẩn ở nhà, nhìn cha mẹ chật vật làm thuê nhiều nghề kiếm sống và nuôi 3 người con, chị không khóc nữa. Huyền tự động viên mình phải sống lạc quan, vươn lên thành người có ích để không là gánh nặng cho gia đình và xã hội. 15 tuổi, Huyền đến TP. Hồ Chí Minh học thêu, may và đã vượt qua khó khăn để trở thành học viên chăm chỉ, tay nghề giỏi trong thời gian ngắn.

Khát khao có một mái ấm gia đình cùng tiếng cười trẻ thơ nhưng khi nhìn đôi chân yếu ớt, mềm nhũn của mình, chị càng buồn hơn. Trong lần thi công đường điện 500kV qua tỉnh Bình Phước, anh Nguyễn Văn Cung (quê Thái Nguyên) đã bắt gặp ánh mắt trìu mến, nụ cười thân thương và cả nghị lực vượt khó của chị ngay lần gặp đầu tiên. Anh yêu chị và nguyện gắn bó cuộc đời với chị. Công việc thường xuyên phải đi xa, anh nộp đơn xin nghỉ việc và làm chở nước đá thuê ở thị xã Đồng Xoài để được gần gũi, chăm sóc vợ. Không có đôi chân khỏe mạnh nhưng chị có đôi tay khéo léo và sự cần cù, chị quán xuyến việc nhà chu đáo, may đồ kiếm thêm thu nhập. Dù nhiều lần chuyển nhà trọ nhưng khách vẫn tìm đến nhà may Bích Huyền vì tin tưởng sự khéo léo, tận tâm của chị trong từng đường kim, mũi chỉ.

Thành viên bé nhỏ Nguyễn Thị Kim Ngân mang đến tiếng cười tràn ngập cùng đón tết bên anh chị. Nhìn con khỏe mạnh, xinh xắn, mọi phiền lo trong cuộc sống của chị đều tan biến. Hơn hết, chị có anh - người đàn ông có trái tim nhân hậu đã giúp chị vượt qua mọi trở ngại, khó khăn trong cuộc sống.

Hằng ngày, người khuyết tật luôn phải vật lộn tập luyện để tự phục vụ bản thân. Nhiều người còn tỏ ra vui vẻ, cố giấu nỗi đau để gia đình không bị dằn vặt. Nếu không có sự chia sẻ của gia đình, xã hội, họ rất dễ mắc bệnh trầm cảm. Tình yêu thương giúp họ xua tan mọi suy nghĩ tiêu cực để thay vào đó là những cố gắng thực hiện mơ ước chiến thắng số phận. Dù còn nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng vợ chồng anh Giang - chị Út Em, gia đình anh Cung - chị Huyền và nhiều cặp đôi khiếm khuyết khác đã dệt nên những chuyện tình đẹp như cổ tích, góp thêm hương sắc ngày xuân.

Thuyên Ly

  • Từ khóa
53503

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu