Thứ 6, 19/04/2024 18:02:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 14:17, 14/10/2017 GMT+7

Chăm sóc trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước

Thứ 7, 14/10/2017 | 14:17:00 346 lượt xem
BPO - Qua 5 năm quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 5-11-2012 của Bộ Chính trị khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”, đến nay sự nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà đã được nâng lên rõ rệt, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương, phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

Hiệu ứng tích cực

Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 5-11-2012 của Bộ Chính trị khóa XI, ngày 27-12-2012, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 94-KH/TU “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”. ngay sau đó, công tác tuyên truyền được Ban Tuyên giáo tỉnh, huyện, thị xã và cơ quan Báo Bình Phước, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh chú trọng giới thiệu tại các hội thảo chuyên đề, mở thêm chuyên trang, chuyên mục để phổ biến sâu rộng đến toàn dân và đã tạo được sự chuyển biến tích cực.

Cần nhiều biện pháp quan tâm chăm sóc bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em vùng sâu, dân tộc thiểu số - Ảnh: Thái Hà

Cụ thể, năm 2012 chỉ có 68/111 xã, phường đạt chỉ tiêu xã, phường được công nhận phù hợp với trẻ em thì đến năm 2016 có 106/111 xã, phường đạt, tăng 34,2%. Kế hoạch đề ra chỉ tiêu 40% xã, phường có điểm vui chơi cho trẻ em thì đến năm 2017, dự kiến đạt 61%. Nhờ đó, môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em được nâng lên; đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi, giải trí, phúc lợi xã hội và các quyền của trẻ em được đảm bảo. Chỉ tiêu đăng ký khai sinh cho trẻ em năm 2015 đạt 96,51%, vượt 1,51% so với Kế hoạch 94 đề ra và đến tháng 6-2017 đã có 96% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT. Số trường học đạt chuẩn quốc gia và tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi ngày càng tăng, tỉnh đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở và phổ cập bậc mầm non cho em dưới 5 tuổi.

Toàn tỉnh hiện nay có hơn 306.100 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó 3.500 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Từ năm 2012 đến nay, đã khám, phân loại được hơn 16.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Qua khám phân loại, tỉnh phối hợp với các bệnh viện chuyên môn của thành phố Hồ Chí Minh phẫu thuật thành công trên 180 em bị bệnh tim bẩm sinh, mang lại sự sống cho các em. Việc xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em (BVCSTE) cũng được các tổ chức từ thiện - xã hội trong và ngoài tỉnh đã đóng góp tích cực để tổ chức các đợt khám, sàng lọc phẫu thuật cho trẻ em bị bệnh tim, sứt môi, hở hàm ếch, dị tật vận động với số tiền hơn 12 tỷ đồng. Hiện nay toàn bộ trẻ em mắc bệnh tim đều được tỉnh giúp đỡ phẫu thuật miễn phí. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc mỗi năm đều tăng, đến nay chỉ tiêu này đã đạt 87%, góp phần tích cực vào việc chăm sóc sức khỏe, bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ em.

Vì nguồn nhân lực của tương lai

Các năm 2015, 2016 ngân sách cho công tác CSGD & BVTE của Trung ương, của tỉnh đều có để phân bổ cho ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã và chủ yếu tập trung cho công tác phát triển giáo dục tại trường học và công tác khám, chữa bệnh tại các bệnh viện. Đến năm 2017, ngân sách tỉnh không bố trí được kinh phí nhưng các huyện, thị xã vẫn sắp xếp bố trí kinh phí để thực hiện các hoạt động chi trợ cấp hằng tháng, hỗ trợ khó khăn đột xuất, quà vào các ngày lễ, tết và các hoạt động khác để thực hiện các chỉ tiêu về CSGD & BVTE. Nhờ đó, các chỉ tiêu kế hoạch đề ra đã đạt và vượt.

Trong những năm tới, tỉnh đề ra nhiều giải pháp thực hiện mục tiêu về BVCSTE gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm. Tuy nhiên, tình hình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn 5 năm qua tăng nhanh (tăng 39,72%) hơn nhiều so với việc tăng số trẻ em dưới 16 tuổi (tăng 6,4%). Đây sẽ là vấn đề khó khăn trong công tác BVCSTE. Vì vậy, rất cần chính sách hỗ trợ của Trung ương theo định mức cho trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vì nguồn kinh phí của tỉnh dành cho công tác CSGD & BVTE quá thấp, không thể đáp ứng nhu cầu. Đồng thời, các ngành chức năng cùng với toàn xã hội cần chung tay thực hiện đầy đủ các nhóm quyền của trẻ em; giải quyết những khó khăn, bức xúc trong đời sống của trẻ em như, bị ngược đãi, bạo lực, tai nạn thương tích, bị xâm hại tình dục… để góp phần xây dựng một thế hệ trẻ tương lai của đất nước có thể chất, sức khỏe, trí tuệ, phẩm chất đạo đức.

T.Thúy

  • Từ khóa
87207

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu