Thứ 7, 20/04/2024 15:34:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:11, 28/05/2013 GMT+7

Chăm sóc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn từ luật

Thứ 3, 28/05/2013 | 08:11:00 99 lượt xem

Trên địa bàn tỉnh hiện có 2.505 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Từ khi có Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (tháng 11-2004), các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và cộng đồng xã hội đã dành nhiều sự quan tâm đối với trẻ em nói chung, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng. Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc nhóm trẻ này vẫn còn nhiều khó khăn và có nguyên nhân từ sự thiếu cụ thể của luật.

TĂNG SỐ LƯỢNG VÀ MỨC ĐỘ CHĂM SÓC TRẺ CÓ HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT

Trong 8 năm (2005-2012), toàn tỉnh đã có hơn 8.000 lượt trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được khám phân loại bệnh để can thiệp miễn phí. Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước chi cho công tác trẻ em, các địa phương, cơ quan, ngành có chức năng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã phối hợp với các tổ chức xã hội, từ thiện vận động tài trợ để phẫu thuật, phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật tay, chân, sứt môi, hở hàm ếch, mắt và cấp xe lăn, xe lắc cho những trẻ có nhu cầu. Theo thống kê của ngành lao động - thương binh và xã hội, đến cuối năm 2012, đã có 80% số trẻ có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ, chăm sóc; 95% số trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch được phẫu thuật miễn phí, tăng đáng kể so với thời điểm trước khi có Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đặc biệt là việc vận động tài trợ để phẫu thuật thành công cho 294 trẻ bị bệnh tim bẩm sinh. Đây là việc mà trước khi có luật chưa thực hiện được. Hiện tất cả trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh trên địa bàn tỉnh đều đã và sẽ được giúp đỡ phẫu thuật.

tặng xe đạp
Hội Bảo trợ Người tàn tật - Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo tỉnh tặng xe đạp cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt

VẪN RẤT NHIỀU KHÓ KHĂN

Dù số trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc đã tăng nhiều cả về số lượng và mức độ so với những năm trước, nhưng công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ ở nhóm này còn rất nhiều khó khăn. Nguồn ngân sách hạn chế, 2 năm gần đây bình quân mỗi năm ngân sách tỉnh chỉ chi 650 triệu đồng cho công tác trẻ em ở cấp tỉnh. Thiếu mạng lưới cán bộ xã hội làm việc tại cộng đồng để hỗ trợ trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khi cần trợ giúp khẩn cấp. Việc trợ giúp trẻ nhóm trẻ này thường chỉ dựa vào nguồn vận động là chính và mới chỉ tập trung vào hoạt động nuôi dưỡng, giúp đỡ vật chất. Các dịch vụ trợ giúp trẻ còn mang tính riêng lẻ theo từng nhóm đối tượng, chưa đồng bộ và thiếu các điều kiện ngăn chặn nguy cơ dẫn đến tình trạng trẻ bị rơi vào hoàn cảnh đặc biệt như bị xâm hại, bị lạm dụng, bị bỏ rơi...

Những năm gần đây, cùng với sự tăng trưởng kinh tế là sự thay đổi về bối cảnh xã hội, sự phân hóa giàu nghèo, sự thay đổi về cơ cấu gia đình... đã làm nhóm trẻ phải sống trong môi trường không an toàn ngày càng tăng. Theo thống kê của ngành lao động - thương binh và xã hội, năm 2005 toàn tỉnh có 1.307 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đến năm 2010 có 2.213 em và năm 2012 có 2.505 em. Số trẻ bị xâm hại, bạo lực năm 2012 là 15 em. Số trẻ bị xâm hại tình dục tuy giảm so với những năm trước nhưng vẫn cao so với các tỉnh thành khác, năm 2012 là 15 em. Số trẻ bị bỏ rơi, mồ côi là 625 em. Trẻ bị tai nạn thương tích là 938 và tử vong do tai nạn thương tích là 15 em. Số trẻ vi phạm pháp luật còn nhiều, năm 2012 là 69 em. Riêng huyện Chơn Thành, năm 2012 xảy ra 5 vụ việc liên quan đến nhóm trẻ này với 5 trẻ em bị xâm hại tình dục và chỉ trong 4 tháng đầu năm 2013 đã xảy ra 3 vụ hiếp dâm trẻ em. Thời điểm cuối năm 2012, toàn tỉnh có 14.579 trẻ em sống trong các hộ nghèo. Dù chưa thống kê được con số cụ thể, nhưng tình trạng trẻ mồ côi, tàn tật, phải lao động sớm vẫn tăng.

CÓ NGUYÊN NHÂN TỪ SỰ THIẾU CỤ THỂ CỦA LUẬT

Theo thống kê của Tổng cục Dân số - gia đình và trẻ em, hàng năm, cả nước có khoảng 1.500-2.000 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, đưa ra xét xử và khoảng 50% trong số này là các vụ xâm hại tình dục trẻ em; khoảng 12.000-18.000 người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Số trẻ khuyết tật, tàn tật chiếm tỷ lệ lớn trong số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, dao động trong khoảng 1,25-1,3 triệu em. Cũng theo thống kê của cơ quan này, cứ 100 trẻ em tử vong thì có 22 em chết vì tai nạn thương tích. 

Trong đợt giám sát tình hình thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh tháng 4-2013, Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh đã rút ra một số nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng. Ngoài các nguyên nhân chủ quan như nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ hạn chế, hạ tầng phục vụ trẻ em chưa bảo đảm, nguồn nhân lực và ngân sách cho công tác này hạn hẹp, còn có nguyên nhân từ luật. Đó là, quyền tham gia của trẻ em đã được quy định trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhưng chưa rõ ràng, cụ thể và thiếu các biện pháp bảo đảm. Vì thế, khi xảy ra các vụ việc như bị cha mẹ ngược đãi, bạo hành, bóc lột thì không xử lý được đối tượng vì chưa có chế tài. Các nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành còn chung chung, gây khó cho cơ quan chức năng. Luật cũng còn thiếu các quy định về cơ chế trợ giúp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Nhiều trường hợp trẻ bị bạo hành, ngược đãi, bỏ rơi nhưng chưa có nhà tạm lánh trong thời gian cơ quan chức năng thực hiện các thủ tục cần thiết...

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP

Từ những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh đã kiến nghị đổi tên Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em thành Luật Trẻ em. Cần bổ sung vào luật các giải pháp cụ thể để bảo vệ quyền trẻ em. Cần mở rộng đối tượng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt vì hiện tại, Điều 40 của Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em vẫn thiếu một số đối tượng cần quan tâm như trẻ bị buôn bán, bắt cóc, trẻ bị tai nạn thương tích hoặc sống trong các hộ nghèo...

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền để huy động cả cộng đồng chung tay thực hiện luật, Nhà nước cần tăng cường đầu tư cả nhân lực, tài lực và có kế hoạch dài hơi cho công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em.                                          

L.T

  • Từ khóa
45210

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu