Thứ 6, 29/03/2024 15:17:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:10, 09/06/2017 GMT+7

Chăm sóc, giáo dục trẻ em phải thường xuyên, liên tục

Thứ 6, 09/06/2017 | 07:10:00 114 lượt xem

BP - Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 với chủ đề “Triển khai Luật Trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” đã được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Lộc Ninh vào ngày 24-5 và được lồng ghép “ba trong một”. Đó là khai mạc hè, phát động Tháng hành động vì trẻ em và chiến dịch “Những giọt máu hồng” năm 2017. Tại lễ khai mạc, 100 phần quà đã được trao cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; 30 suất học bổng Vừ A Dính tặng học sinh dân tộc thiểu số khó khăn trên toàn tỉnh.

Ở các huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn cũng đều tổ chức Tháng hành động vì trẻ em. Dịp này, thị xã Đồng Xoài đã tặng 483 phần quà cho các em với tổng trị giá gần 100 triệu đồng. Tại huyện Bù Đăng, Ban chỉ đạo hè đã tặng 50 phần quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, 5 phần quà cho 5 em đạt thành tích cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia. Tại huyện Hớn Quản, Ban chỉ đạo hè đã tặng 60 phần quà cho học sinh vượt khó học tốt... Như vậy, cũng như các địa phương trong cả nước, việc tổ chức Tháng hành động vì trẻ em ở Bình Phước là một việc “đến hẹn lại lên”. Nghĩa là Tỉnh đoàn hay huyện, thị đoàn - cơ quan thường trực ban chỉ đạo hè cấp tỉnh, huyện, thị, sẽ chủ công trong việc sàng lọc và dành một phần kinh phí khiêm tốn để tặng quà  những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hay đạt thành tích cao trong học tập. Ngoài ra, tổ chức đoàn thanh niên các cấp cũng sẽ tổ chức một số trò chơi hay liên hoan văn nghệ, thể thao. Và hết tháng 6 thì mọi việc lại trở về với quỹ đạo của nó.

Trong bối cảnh hiện nay, cùng với tăng trưởng kinh tế là sự thay đổi về bối cảnh xã hội, sự phân hóa giàu nghèo đã làm nhóm trẻ phải sống trong môi trường không an toàn ngày càng tăng, như trẻ sống trong gia đình nghèo hoặc cận nghèo; gia đình có cha mẹ ly hôn; trẻ vi phạm pháp luật... Nguồn ngân sách cho công tác trẻ em hiện rất hạn chế, thiếu mạng lưới cán bộ xã hội làm việc tại cộng đồng để hỗ trợ khi các em cần trợ giúp khẩn cấp. Việc trợ giúp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt thường dựa vào nguồn vận động và thường mới chỉ tập trung vào hoạt động giúp đỡ vật chất. Các dịch vụ trợ giúp trẻ còn mang tính riêng lẻ theo từng nhóm đối tượng, chưa đồng bộ và thiếu điều kiện ngăn chặn nguy cơ dẫn đến tình trạng trẻ bị rơi vào hoàn cảnh đặc biệt như bị xâm hại, bị lạm dụng, bị bỏ rơi... Theo báo cáo của Bộ Công an và Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), chỉ trong năm 2016 cả nước đã xảy ra 1.248 vụ xâm hại tình dục trẻ em và có 1.211 trẻ bị xâm hại. Tính chất các vụ xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng ngày càng phức tạp, nghiêm trọng. Đáng chú ý là nhiều vụ việc gia đình không cung cấp thông tin, thông báo, tố giác với cơ quan chức năng vì sợ ảnh hưởng tới trẻ và gia đình; thủ phạm đe dọa hoặc dùng tiền mua chuộc, hòa giải với gia đình nạn nhân... Đây là những thông tin đáng lo ngại, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Từ lâu, Đảng, Nhà nước ta cũng đã coi việc chăm sóc, giáo dục trẻ em không chỉ là tình cảm, trách nhiệm mà còn là pháp luật. Vì thế, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em phải là việc làm thường xuyên, liên tục chứ không chỉ trong Tháng hành động vì trẻ em rồi bỏ đó.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu