Thứ 6, 19/04/2024 11:37:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:25, 25/09/2016 GMT+7

Chậm giải ngân vốn đầu tư phát triển: Cần thuốc “đặc trị”

Thanh Mảng
Chủ nhật, 25/09/2016 | 08:25:00 261 lượt xem
BP - Tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh những tháng qua diễn ra rất chậm. Đến gần cuối quý 3/2016, toàn tỉnh mới giải ngân được gần 37% kế hoạch. Liệu năm nay, Bình Phước có “tiêu” hết vốn xây dựng cơ bản theo kế hoạch đề ra?

TIỀN CÓ, KHÓ “TIÊU”

Báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, tổng kế hoạch vốn xây dựng cơ bản tập trung đã giao năm 2016 là 1.616,584 tỷ đồng, chưa tính ghi thu, ghi chi. Đến hết tháng 7, khối lượng thực hiện chỉ đạt 588,909 tỷ đồng và hệ thống kho bạc trong tỉnh đã giải ngân được hơn 605,7 tỷ đồng vốn đầu tư cho các công trình xây dựng cơ bản, đạt 37% kế hoạch vốn năm 2016. Hiện nhiều dự án, công trình có tỷ lệ giải ngân dưới 50%. Đáng lưu ý là vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, kế hoạch giao hơn 372,6 tỷ đồng, khối lượng thực hiện chỉ đạt gần 88 tỷ đồng, Kho bạc Nhà nước đã giải ngân trên 97 tỷ đồng (tính cả nguồn năm 2015 chuyển sang), bằng 26% kế hoạch.

Đường số 30, thị xã Đồng Xoài phải tạm ngưng thi công do vướng giải phóng mặt bằngĐường số 30, thị xã Đồng Xoài phải tạm ngưng thi công do vướng giải phóng mặt bằng

Điều đáng quan tâm là vốn từ trái phiếu chính phủ bố trí cho chương trình nông thôn mới chỉ giải ngân đạt 5,6% kế hoạch. Trong đó vốn giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư từ năm 2015 và được giải ngân kéo dài sang năm 2016 là 51,584 tỷ đồng, nhưng chỉ giải ngân được 2,391 tỷ đồng, đạt 4,6%. Nhìn chung tiến độ giải ngân của các đơn vị cấp tỉnh làm chủ đầu tư “ì ạch” nhiều. Cụ thể, Sở Công thương, kế hoạch giao 24,203 tỷ đồng (Trung ương hỗ trợ 15 tỷ đồng) hiện chưa có khối lượng và giải ngân; Ban Dân tộc tỉnh có 7 tỷ đồng từ vốn Trung ương cũng chưa giải ngân đồng nào(?) Hai ngành văn hóa và y tế chỉ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản được từ 6-17% kế hoạch giao...

Vốn cấp cho các huyện, thị xã cả năm trên 457 tỷ đồng, đến nay khối lượng thực hiện mới được gần 165 tỷ đồng. Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư, các huyện, thị xã có tỷ lệ giải ngân được đánh giá cao là Bình Long (84%), Bù Đốp (70%), Đồng Phú (69%), Bù Gia Mập (59%), còn lại đều giải ngân đạt thấp. Ông Võ Sá, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, là năm đầu thực hiện Luật Đầu tư công nên các chủ đầu tư tập trung hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, điều chỉnh dự toán công trình và bị lúng túng trước sự thay đổi này. Ngoài ra, việc chuẩn bị hồ sơ, thủ tục cho công trình của các chủ đầu tư đến ngày 31-3-2016 thay vì trước đây là ngày 31-10 năm trước phải xong nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn các dự án. Mặt khác, một số chủ đầu tư thiếu quan tâm, đôn đốc các đơn vị thi công triển khai thực hiện dự án, nhất là đền bù, giải phóng mặt bằng quá chậm đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công và giải ngân.

Ông Võ Sá cho biết, năng lực quản lý và điều hành của một số chủ đầu tư và ban quản lý còn hạn chế, chưa nắm hết các quy định về quy chế quản lý đầu tư xây dựng. Việc đôn đốc, quản lý từ các ngành chức năng của tỉnh kịp thời nhưng chưa chặt chẽ... là những nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân chậm. Ngoài ra, hiện vẫn còn tình trạng cơ quan chuyên môn về xây dựng của tỉnh sau khi thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt một số dự án không thông qua Sở Kế hoạch - Đầu tư. Theo Điều 31, Nghị định số 136/NĐ-CP, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công thì Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định các nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án... để cân đối vốn, tổng hợp trình UBND tỉnh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân, vì nơi có tiền không biết “tiêu”, còn nơi cần tiền lại không có.

LÀM SAO “TIÊU” HẾT TIỀN?

Hiện hệ thống Kho bạc Nhà nước tỉnh đã tạo môi trường giao dịch thông thoáng, giúp chủ đầu tư tiếp nhận vốn kịp thời và làm việc với các chủ đầu tư để tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân. Kho bạc Nhà nước Bình Phước sẽ rà soát lại các dự án đầu tư không có quy hoạch được duyệt, không thực hiện giải phóng mặt bằng và các dự án đã bố trí kế hoạch năm 2016 nhưng chưa khởi công để báo cáo cấp thẩm quyền bố trí, sắp xếp lại. Tuy nhiên, để giải ngân đạt kế hoạch đã đề ra, các chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện hồ sơ pháp lý, tổ chức đấu thầu, điều chỉnh giá, lập thủ tục tạm ứng và nghiệm thu thanh toán; khẩn trương điều chỉnh giá theo quy định, ký hợp đồng bổ sung gửi kho bạc để thực hiện giải ngân...

Công trình chợ Bù Đốp ngưng thi công do vướng giải tỏa mặt bằng (căn nhà gỗ, bên trái)Công trình chợ Bù Đốp ngưng thi công do vướng giải tỏa mặt bằng (căn nhà gỗ, bên trái)

Ông Võ Sá cho rằng, chủ đầu tư đóng vai trò rất quan trọng trong triển khai các dự án. Do vậy, ngay từ bây giờ, các chủ đầu tư phải đôn đốc các nhà thầu khẩn trương thực hiện thủ tục thanh, quyết toán các công trình hoàn thành để giải ngân đúng tiến độ; tập trung nguồn lực đẩy mạnh thi công các công trình dở dang. Từ nay đến ngày 30-9, các công trình không có khả năng giải ngân hoặc giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn, sở sẽ đề nghị UBND tỉnh không bố trí vốn năm 2017. Đối với các dự án đến nay chưa có phê duyệt kế hoạch đấu thầu thi công, chưa có báo cáo thẩm tra quyết toán của Sở Tài chính nên cắt chuyển vốn cho các công trình khác.

CÓ CHỮA ĐƯỢC “BỆNH” CHẬM GIẢI NGÂN?

Tại hội nghị giao ban chuyên đề về lĩnh vực xây dựng cơ bản cuối tháng 8 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh phải than phiền về những con số mà Sở Kế hoạch - Đầu tư báo cáo và cho rằng thật sự đáng báo động. Phó chủ tịch đặt câu hỏi vì sao dự án đã được giao, vướng mắc ở đâu mà chủ đầu tư không chịu trách nhiệm về tỷ lệ giải ngân quá thấp? Không lẽ các chủ đầu tư cứ mãi điệp khúc dự án không triển khai được là do vướng thủ tục pháp lý hoặc giải phóng mặt bằng mà không có cách gì thay đổi? Nhiều công văn của UBND tỉnh đã được phát đi yêu cầu các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư tăng cường tiến độ giải ngân, trong đó nêu rõ: Các bên liên quan thường xuyên theo dõi, báo cáo tiến độ dự án, tiến độ thanh toán vốn các dự án để xác định rõ nguyên nhân, vướng mắc trong quản lý vốn, kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, xử lý các vướng mắc phát sinh, tổ chức kiểm tra, giám sát các dự án chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp, đề xuất xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan... Thế nhưng, đó cũng chỉ là lý thuyết. Thực tế, ở đâu cũng muốn có dự án đầu tư để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Vậy tại sao có dự án phê duyệt, vốn được phân bổ vốn mà lại không “tiêu” được tiền? Do cơ chế hay năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu kém?

Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh cho rằng: Giải ngân là khâu quan trọng trong công tác đầu tư. Để giải ngân đạt kế hoạch năm 2016, các chủ đầu tư cần phối hợp với các ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư. Các cơ quan chức năng của tỉnh và các huyện, thị xã tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là thẩm định dự án; đồng thời tăng cường thanh tra vốn đầu tư xây dựng, tập trung vào những công trình không giải ngân và không quyết toán được. Nếu chủ đầu tư không thực hiện quyết toán sẽ không được bố trí vốn tiếp cho năm sau.

  • Từ khóa
93087

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu