Thứ 6, 19/04/2024 19:36:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:17, 22/11/2018 GMT+7

Chấm dứt cảnh “lộn xộn” trong chăn nuôi

Thứ 5, 22/11/2018 | 08:17:00 163 lượt xem
BP - Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã bế mạc vào hôm qua (20-11). Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét cho ý kiến, ra quyết định về các vấn đề quốc kế dân sinh, đặc biệt là việc sửa đổi và thông qua nhiều bộ luật quan trọng, trong đó có Luật Chăn nuôi. Việc Luật Chăn nuôi được thông qua sẽ chấm dứt cảnh lộn xộn, mạnh ai nấy làm như thời gian qua.

Những năm qua, ngành chăn nuôi ở nước ta đã trở thành bộ phận quan trọng trong cấu thành của nông nghiệp Việt Nam. Ước tính, cả nước hiện có gần 20 triệu hộ chăn nuôi gà, vịt, trâu, bò, heo. Năm 2017, giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi ở nước ta đạt hơn 230.000 tỷ đồng, tăng 3,05% so năm 2016. Dự báo năm 2018, giá trị sản xuất ở lĩnh vực này sẽ tăng từ 3,8-4% so với năm 2017, trong đó sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 5,4 triệu tấn. Tuy đã có những bước phát triển nhưng sản xuất của ngành chăn nuôi ở nước ta vẫn manh mún, theo kiểu tự cung, tự cấp là chính. Hầu hết các hộ chăn nuôi heo quy mô gia đình đều chưa áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nên vệ sinh an toàn thực phẩm đạt thấp; thường xuyên bị dịch bệnh và gây ô nhiễm môi trường. Người chăn nuôi cũng chưa chú trọng việc liên kết để hình thành vùng hàng hóa tập trung, chưa xây dựng quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị để giảm giá thành và nâng cao lợi nhuận. Vẫn tồn tại tình trạng các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đáp ứng quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, hội nhập kinh tế thế giới đang diễn ra ngày càng sâu, rộng, sẽ tạo những tác động bất lợi đến ngành chăn nuôi ở nước ta.

Từ những yếu tố nêu trên, Luật Chăn nuôi ra đời là cơ sở pháp lý cho việc tổ chức lại ngành chăn nuôi theo chuỗi liên kết hiện đại, chuyên nghiệp gắn với thị trường, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Luật Chăn nuôi còn là căn cứ để xử lý các trường hợp sai phạm như chăn nuôi gần khu dân cư, xả thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, không tuân thủ các quy định về phòng ngừa dịch bệnh, sử dụng chất cấm, sản xuất con giống kém chất lượng... gây bức xúc dư luận như thời gian qua.

Tại thị xã Đồng Xoài, hiện nhiều hộ dân vẫn chăn nuôi heo, gà, vịt... trong khu dân cư, khu vực nội thị. Tình trạng chăn nuôi tự phát đang gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, dẫn đến việc khiếu kiện, gây mất đoàn kết ở khu dân cư. Đặc biệt thời gian gần đây, phong trào nuôi chim yến đang bùng phát mạnh ở các huyện, thị trong tỉnh. Để dẫn dụ chim yến, người nuôi đã trang bị hệ thống máy phát tiếng chim kêu, gây ô nhiễm âm thanh. Ngoài ra, ô nhiễm từ chất thải và nguy cơ dịch bệnh như cúm gia cầm do lây lan từ nuôi chim yến là điều khó tránh khỏi. Bởi yến là chim trời, không thể kiểm soát và rất khó phát hiện khi bị bệnh dịch như những vật nuôi khác để cách ly điều trị như gà, vịt...

Vì vậy, Luật Chăn nuôi được thông qua không chỉ chấm dứt tình trạng lộn xộn, bừa bãi, tự phát trong chăn nuôi của người dân mà còn tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước xử lý các hành vi sai phạm liên quan đến hoạt động chăn nuôi. Đồng thời, luật còn góp phần làm cho môi trường sống của người dân được trong lành và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để ngành chăn nuôi thực sự trở thành mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta.

Tấn Phong

  • Từ khóa
108998

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu