Thứ 6, 19/04/2024 11:57:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:14, 17/05/2018 GMT+7

Cha vợ bị xử tử

Thứ 5, 17/05/2018 | 14:14:00 177 lượt xem

BP - Minh Mạng là vị vua thứ hai của triều Nguyễn, ông là con thứ tư của vua Gia Long, sinh năm Tân Hợi tại Gia Định. Sau khi vua Gia Long qua đời, Minh Mạng được chọn lên kế vị vào năm 1820. Theo sách “Chín đời chúa, mười ba đời vua triều Nguyễn”, Minh Mạng là ông vua thông minh, năng động, quyết đoán, chăm lo việc nước, mang trong mình tham vọng xây dựng một triều đại bền vững, hùng mạnh trên mọi lĩnh vực. Sau 20 năm trị vì, vua Minh Mạng đã tiến hành nhiều cải cách nhằm củng cố quyền lực của chế độ phong kiến và đưa nước Đại Nam (tên nước thời vua Minh Mạng trị vì) phát triển. Có thể nói triều Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng là giai đoạn rực rỡ, hùng mạnh và quy củ nhất.

Vua Minh Mạng (1791-1841, tên húy Nguyễn Phúc Đảm) có công xây dựng Đại Nam trở thành quốc gia rộng lớn, hùng mạnh bậc nhất trong khu vực. Các nước lân bang đều phải kính nể. Là ông vua nghiêm khắc bậc nhất của triều Nguyễn, Minh Mạng luôn đề cao sự tối thượng của pháp luật, có công sẽ thưởng, có tội phải phạt. Đối với Minh Mạng, mọi người, kể từ hoàng tử, hoàng thân đến thứ dân, binh lính đều bình đẳng trước pháp luật. Để trị tội tham quan, vua từng xử tử, chặt ngón tay của những kẻ có hành vi tham nhũng. Trong số các vụ án trị quan tham của Minh Mạng, nổi tiếng nhất là vụ tử hình cha vợ nhà vua là Huỳnh Công Lý, khi ông này tham nhũng 30.000 quan tiền. Đây là vụ án đã gây rúng động dư luận lúc bấy giờ và nhiều năm sau này.

Minh họa: S.H

Huỳnh Công Lý là một trong những võ tướng nổi tiếng thời Gia Long, có công giúp Nguyễn Ánh dựng nên cơ đồ nhà Nguyễn, sau được phong làm Lý Chính Hầu. Khi con gái được vua Minh Mạng phong làm Huệ phi, Huỳnh Công Lý càng được tin dùng. Ông được phong làm Phó tổng trấn Gia Định, quyền hành chỉ sau mỗi Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Quyền lực là thế, lại mang danh cha vợ nhà vua, nhưng cuối cùng, người này không thoát án tử vì tội tham nhũng.

Theo sách “Đại Nam thực lục”, trong thời gian Lê Văn Duyệt ra Huế (1816-1820), Huỳnh Công Lý được giao giữ chức Phó tổng trấn. Lợi dụng chức vụ và bề trên đi vắng, Huỳnh Công Lý thừa cơ vơ vét của cải từ nhân dân và binh lính. Sau khi Lê Văn Duyệt quay về Gia Định, nhận được tin tố cáo Huỳnh Công Lý tham ô, ông báo về triều đình. Vua Minh Mạng ra lệnh tống giam cha vợ và cử quan Nguyễn Đình Thinh vào Gia Định điều tra.

Theo hồ sơ được trình lên vua, số tiền tham nhũng lên đến hơn 30.000 quan tiền. Biết chuyện này, vua Minh Mạng buồn rầu mà nói rằng: Trẫm nuôi dân như con, thực không kể phí tổn. Nhưng bọn quan lại tham lam giảo quyệt, ngấm ngầm chứa đầy túi riêng, mà kẻ quan quả cô độc lại không được thấm nhuần ơn thực. Gần đây, Huỳnh Công Lý làm Phó tổng trấn Gia Định không bao lâu mà bóc lột của dân trên 3 vạn. Nếu các viên mục thú đều như y cả, thì dân ta còn nhờ cậy vào đâu. Trẫm dẫu có lòng săn sóc thương xót cũng không làm thế nào được.

Khi Nguyễn Đình Thinh đang thu thập lời khai của các nhân chứng ở Gia Định, triều đình phát hiện thêm bằng chứng tham nhũng nữa tại Huế cũng liên quan Huỳnh Công Lý. Trong thời gian làm quan ở Huế, ông đã bắt lính xây dựng nhà riêng ở bên bờ sông Hương. Khi biết tin, vua ra lệnh tịch thu nhà, bán lấy tiền giúp cho cấm binh.

Sau khi cuộc điều tra kết thúc, nắm rõ tội của Huỳnh Công Lý, sau một thời gian cân nhắc, vua Minh Mạng đã ra lệnh cho Lê Văn Duyệt đòi lại số tiền Công Lý tham ô cho dân. Khi thành án, vua ra lệnh trao hết hồ sơ cho triều đình bàn xét. Triều đình kết luận đáng tội chết. Năm 1821, Huỳnh Công Lý bị Tổng trấn Lê Văn Duyệt xử tử tại Gia Định, tài sản bị tịch thu để trả lại cho quân lính và dân chúng.

Lời bàn:

Theo các tài liệu lịch sử còn lưu truyền đến ngày nay, giữa vua Lê Thánh Tông triều Lê và vua Minh Mạng triều Nguyễn có nhiều nét tương đồng, là 2 vị vua nổi tiếng anh minh trong lịch sử Việt Nam. Cả 2 vị vua này đều đề cao vai trò của pháp luật, chú trọng xây dựng và thực thi pháp luật. Cả 2 vị đều cho rằng: Trị nước phải có pháp luật, không có pháp luật thì sẽ loạn. Đặt ra pháp luật là trên để răn dạy quan lại, dưới là để dân chúng trăm họ biết mà thực hiện. Và cả 2 ông vua này có cùng quan điểm cho rằng: Mọi rối loạn đều bắt đầu từ sự rối loạn kỷ cương. Vì thế, tệ nạn tham nhũng của công được vua Lê Thánh Tông và vua Minh Mạng trừng trị rất nghiêm khắc, cho dù trị giá tài sản không lớn. Và mục đích của việc này là vì kỷ cương, phép nước.

Xét trên bình diện của pháp luật, cả vua Lê Thánh Tông và vua Minh Mạng đều dựa vào hệ thống pháp luật để đưa ra những biện pháp trừng phạt, đặc biệt đối với những người phạm tội thuộc hàng quan lại thì lại càng bị trừng trị nghiêm khắc, có khi nghiêm khắc hơn cả mức phạt pháp luật đặt ra. Điều đó không ngoài mục đích gìn giữ kỷ cương, làm gương cho dân chúng. Đây cũng là một trong những cách làm trong sạch bộ máy, yên lòng dân. Tư tưởng về việc xử phạt quan tham, nhận hối lộ là bài học kinh nghiệm sâu sắc đối với nước ta giai đoạn hiện nay, nhất là trong việc xây dựng luật pháp về phòng chống tham nhũng, về việc bổ nhiệm cán bộ, về vai trò làm gương của những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

N.D

  • Từ khóa
110042

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu