Thứ 7, 20/04/2024 19:59:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:19, 12/07/2018 GMT+7

Cha nào con nấy

Thứ 5, 12/07/2018 | 13:19:00 915 lượt xem

BP - Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. 6 năm sau, năm Quý Tị - 1533, con của vua Lê Chiêu Tông là Lê Ninh, được Nguyễn Kim tôn lên ngôi vua ở Thanh Hoa, đó là vua Lê Trang Tông, người đứng đầu Nam triều. Như vậy, Nam triều là triều đình nhà Lê, nhưng quyền binh đều nằm trong tay Nguyễn Kim. Năm 1545, Nguyễn Kim mất, con rể của Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm thu hết quyền hành về mình. Chính quyền vua Lê - chúa Trịnh xuất hiện kể từ đó, nhưng dẫu sao thì địa vị của vua Lê cũng không đến nỗi quá kém cỏi. Các vua nối tiếp như Lê Trung Tông, Lê Anh Tông và Lê Thế Tông, tuy bị chúa Trịnh ra sức lấn át, thậm chí là bị giết nhưng tiếng nói của hoàng đế vẫn còn có người nghe, đứng đầu chính quyền là vua Lê.

Minh họa: S.H

Sau khi đã đè bẹp được những lực lượng chủ yếu nhất của Nam triều (1592), uy danh Trịnh Tùng trở nên lừng lẫy, vua Lê Thế Tông bị coi thường, thi thoảng Trịnh Tùng chỉ hỏi qua đôi việc cho có lệ. Năm 1599, vua Lê Thế Tông lâm bệnh nặng và mất vào ngày 24-8, thọ 32 tuổi. 4 tháng trước khi vua Lê Thế Tông mất, Trịnh Tùng tìm đủ mọi cách để thúc ép nhà vua phong tước vương cho mình và ngay sau khi được phong, Trịnh Tùng đã tự ý lập phủ đệ riêng. Thực trạng cung vua - phủ chúa bắt đầu có kể từ đó. Trịnh Tùng, có thụy hiệu Thành tổ Triết Vương, là vị chúa Trịnh đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Xét theo thế thứ, ông là đời thứ hai của họ Trịnh kế tục lãnh binh quyền “phù Lê”. Tuy nhiên, cha của Trịnh Tùng là Trịnh Kiểm chỉ mới được phong tước công. Thụy hiệu Thái vương của Trịnh Kiểm là do đời sau đặt. Phải từ thời Trịnh Tùng trở đi, họ Trịnh mới nhận tước vương khi còn tại vị, được gọi là chúa và lập thế tử.

Sau khi Trịnh Kiểm qua đời, Trịnh Tùng nổi dậy đánh đuổi anh là Trịnh Cối, đoạt lấy binh quyền Nam triều. Năm 1573, ông lật đổ vua Lê Anh Tông và đưa vua nhỏ Lê Thế Tông lên làm vua bù nhìn, bản thân nắm hết quân quốc đại sự. Năm 1592, Trịnh Tùng xuất quân Bắc phạt, giành lại kinh thành Đông Kinh từ tay nhà Mạc, hoàn thành sự nghiệp trung hưng triều Lê. Sau đó, ông buộc nhà vua phải phong cho mình tước vương và lập con làm thế tử, thiết lập phủ chúa tại thành Đông Kinh, chính thức mở ra cơ đồ của họ Trịnh. Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” đã ghi chép sự kiện này, đồng thời viết thêm lời cẩn án, lời phê như sau:

Bởi có quyền uy ngày một cao cả, Tùng muốn được phong danh vị tước vương, bèn sai người vào xin với nhà vua. Vua bất đắc dĩ mà phải y cho, sai quan Thái tể là Hoàng Đình Ái đem sách thư đến, phong Tùng làm Bình An Vương, lại ban thêm cả Ngọc Toản (tức cái chén của vua dùng để rót rượu tế), Mao Tiết (lá cờ nhà vua dùng khi có việc phải xuất hành, ở đầu cán có ngù, tết bằng lông) và Hoàng Việt (là cái búa vàng, vật nhà vua dùng khi đi đánh dẹp). Tùng được mở phủ chúa và lập bộ máy quan lại riêng. Từ đấy, chính sự trong nước do Tùng quyết định, của cải, thuế khóa và quân lính... hết thảy đều dồn vào phủ chúa. Phần vua Lê chỉ có 1.000 xã làm bổng lộc, gọi là thượng tiến, quân lính túc trực và hộ vệ trong nội điện chỉ có 5.000 người, 7 thớt voi và 20 chiếc thuyền rồng. Nhà vua chỉ còn mặc áo long bào, cầm hốt ngọc để nhận lễ triều yết mà thôi. Tùng nhận sách phong xong thì vào triều lạy tạ vua Lê. Khi về phủ chúa, trăm quan đều lạy mừng, Tùng mở đại yến và ban thưởng tiền, lụa cho quan lại. Họ Trịnh đời đời được phong tước vương bắt đầu từ Tùng là vậy. 

Lời phê rằng: Nhà Lê lúc bấy giờ cũng chẳng khác gì nhà Chu (ở Trung Quốc), chỉ ngồi giữ ngôi. Khi ấy, bề tôi đầy cả một triều đình, vậy mà không hiểu tại sao lại để sự tệ hại chất chứa đến như thế. Và lời cẩn án: Từ khi Tùng làm việc bạo ngược là giết vua, sách này chỉ chép là Trịnh Tùng không mà thôi, tất cả quan tước của hắn đều bị tước bỏ. Đến đây, hắn còn cả gan xưng vương, thì không còn lời chê trách nào nặng nề hơn được nữa, bèn tước bỏ họ của hắn mà chỉ chép tên là Tùng thôi.

Lời bàn:

Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” có đoạn nhận xét về việc lập Lê Thế Tông năm 1573 của Trịnh Tùng như sau: Là vì Trịnh Tùng chỉ cốt lợi rằng vua còn thơ ấu đó thôi. Trịnh Kiểm tuy chuyên quyền nhưng tội ác chưa có gì tỏ rõ cho lắm; đến Trịnh Tùng mới thật là gian thần như đồ Vương Mãng và Tào Tháo. Về công trung hưng nhà Lê của chúa Trịnh, cũng sách trên đã viết: Dựa vào công lao trước của cha, Trịnh Tùng có công rất to, mà mang tội cũng nặng lắm. Không làm như vậy thì không đủ để diệt nhà Mạc mà phù Lê được. Mạc tuy bị diệt rồi, nhưng Trịnh lại lù lù ở đó thì cũng lại là một Mạc nữa thôi! Sách này còn bình luận về việc Trịnh Tùng bị con là Trịnh Xuân mưu phản như sau: Người bầy tôi ngỗ ngược, tất nhiên có người con ngỗ ngược; đạo trời hay trả miếng, bao giờ cũng thế.

Các sử gia xưa nặng lời phê phán các chúa Trịnh nói chung và Trịnh Tùng nói riêng. Lời phê ấy quả là không sai. Bởi vì Nguyễn Kim tôn lập Lê Ninh lên ngôi, việc ấy chẳng qua cũng chỉ vì Lê Ninh đích thị là dòng dõi nhà Lê mà thôi. Hơn nữa, các vua Lê lúc bấy giờ đều trẻ người non dạ, lo cho riêng thân còn chưa được, huống chi chuyện lo cho giang sơn xã tắc? Hoặc nếu vua Lê dẫu có muốn thực sự làm vua cũng chẳng được, vì biết trông cậy vào ai? Trong khi đó, các quan trong triều thì tất thảy đều là mọt dân sâu nước cả. Vì thế, nếu Trịnh Tùng không lộng quyền thì chưa dễ đã còn vua Lê, cho dẫu chỉ là ngôi suông.

N.D

  • Từ khóa
110063

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu