Thứ 7, 20/04/2024 18:18:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 14:59, 27/06/2013 GMT+7

Cây "thần dược nhập ngoại": Coi chừng tiền mất, mạng chẳng còn

Thứ 5, 27/06/2013 | 14:59:00 243 lượt xem

Có bệnh thì vái tứ phương. Hiện nay, rất nhiều bệnh nhân bị bệnh nan y đang đặt hy vọng vào cây xáo tam phân nên xem ra, các ngành chức năng - đặc biệt là tỉnh Bình Phước - nơi xuất xứ cây "thần dược" Campuchia nên có những nghiên cứu và biện pháp cụ thể để tránh xảy ra trường hợp tiền mất mà tính mạng cũng chẳng còn.

Ninh Hòa, điểm phân phối cây “thần dược” Campuchia

Sau khi mua 1kg cây "thần dược" đã xắt lát, phơi khô của một hộ ở xã Ninh Vân mà người bán cam đoan là "chính hiệu", lúc so sánh với nhúm "thần dược" Campuchia mua ở Lộc Ninh thì nó giống hệt nhau từ màu sắc đến hình dáng, mùi vị, chúng tôi quay ra thị trấn Ninh Hòa. Trước đó, một cô gái trẻ tốt bụng lúc thấy chúng tôi xách gói "thần dược" ra xe, đã nói nhỏ: "Cây này họ mua của ông Cường, ông Hùng ở ngoài Ninh Hòa rồi đem về đây bán lại đó chú".

Nếu như trước kia, xã Ninh Vân được coi là thủ phủ của cây "thần dược" thì bây giờ, danh hiệu này đã thuộc về thị trấn Ninh Hòa. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện không dưới 10 hộ ở Ninh Hòa chuyên kinh doanh cây "thần dược", có người trong nhà tích trữ hàng tấn. Nếu đó là cây đã phơi khô từ lâu thì còn có thể lý giải về nguồn gốc nhưng hầu hết đều là cây tươi nên suy ra, xuất xứ của nó chỉ ở một nơi duy nhất: Campuchia!

Để kiểm chứng lời nói của cô gái trẻ ở Ninh Vân, chúng tôi hỏi thăm đường vào nhà Cường. Mẹ Cường cho biết anh ta đi Sài Gòn. Hỏi nhà còn cây "thần dược" không, bà nói có mấy trăm ký nhưng đã bán hết. Hỏi thêm là nếu muốn mua thì tìm ở đâu? Mẹ Cường nói: "Mấy chú qua nhà thằng Hùng "đen" thử coi, nó còn nhiều lắm. Hoặc mấy chú đến nhà ông Lương Sinh, có điều ông này phải khám bệnh thì ổng mới bán thuốc. Còn không mấy chú chịu khó vào Ninh Vân. "Hàng" của con tui cũng bán cho mấy người trong đó".

Rồi bà chỉ lối cho chúng tôi. Đường đến nhà Hùng - biệt danh Hùng "đen" là một con đường đất nhỏ, thoai thoải xuống dốc. Vừa bước vào sân, chúng tôi đã thấy hàng chục khúc cây "thần dược" nằm ngang dọc, cây nào cây nấy to cỡ cườm tay. Hùng "đen" năm nay trên dưới 30 tuổi, ở trần, xăm trổ trên người, bước ra hỏi "mấy anh là ai". Chừng biết chúng tôi là người đi tìm mua cây "thần dược", anh ta mời chúng tôi vào nhà.

Theo lời Hùng, cây "thần dược" của anh ta đào tại Đá Bàn, chất lượng không thua gì "thần dược" Ninh Vân vì nó mọc trên cùng một loại đất. Hỏi giá, Hùng nói 650 nghìn/kg còn nếu muốn mua rễ khô thì đắt hơn.

Để tiếp thị, Hùng "đen" vào buồng trong, xách ra một bịch rễ đã phơi khô nhưng tất cả đều nhỏ hơn đầu đũa ăn cơm. Thấy chúng tôi nhặt một khúc "thần dược" đang phơi ngoài sân, bóc vỏ ngửi và thấy chúng tôi ngần ngừ, Hùng nói: "Nếu mấy anh lấy nhiều tôi bớt còn 600 nghìn/kg". Cây "thần dược" mà Hùng bảo là "đào tại Đá Bàn" có mùi hắc y như "thần dược" Campuchia. Bóc vỏ ra, thân cây cũng là những sợi bện vào nhau, màu trắng đục. Khi bật lửa đốt, khói bốc mùi khét lẹt chứ không thoang thoảng mùi sâm như "thần dược" thật.

Tôi lật bài ngửa: "Anh ra giá đắt quá. Cây này anh mua của anh Lộc đem từ Campuchia về, đúng không?"... Hùng không xác nhận nhưng anh ta nói: "Vậy tôi tính anh mỗi ký 450 nghìn". Từ 650 nghìn/kg nhưng chỉ trong vài phút xuống còn 450 nghìn/kg thì cũng dễ hiểu chất lượng của nó là như thế nào. Tôi nói: "Để tụi tôi đi coi thêm một vài chỗ khác. Nếu anh đồng ý 250 nghìn/kg thì lát nữa tụi tôi quay lại". Hùng gật đầu: "Bảo đảm với anh không chỗ nào bán dưới 250 nghìn đâu".

Lúc ngồi uống nước ở một quán cà phê ven Quốc lộ 1, thị trấn Ninh Hòa, chúng tôi được bà chủ quán cho biết: "Nhiều bữa 4, 5 giờ sáng, xe tải chạy vô con đường phía trong kia rồi đổ xuống hàng đống, không biết họ đào ở đâu mà nhiều dữ vậy!". Không chỉ riêng bà chủ quán này, mà hầu như hỏi thăm bất kỳ người dân nào ở khu vực thị trấn Ninh Hòa, họ cũng đều nói vanh vách cho chúng tôi biết nhà ai có bán cây "thần dược", thậm chí có người còn cho biết Hùng "đen" đang ôm cả tấn, bây giờ cuống lên vì thông tin cây "thần dược" xuất xứ từ Campuchia đã bắt đầu hé lộ nên nếu bán huề vốn, anh ta cũng "đẩy" ngay!

Như thế, có thể tạm kết luận rằng đại đa số cây "thần dược" hiện đang bán ở thị trấn Ninh Hòa và xã Ninh Vân với giá từ 450 nghìn đến 1,2 triệu đồng/kg đều là "thần dược" gốc Campuchia, còn nó có khả năng chữa bệnh được hay không thì chỉ trời biết!

 

Cây "thần dược" Campuchia (bên phải) và cây "thần dược" cùng gói thuốc ông Lương Sinh bán cho phóng viên.

 

Và “thầy ” Lương Sinh

Ra khỏi nhà Hùng "đen", chúng tôi tìm đến nhà ông Lương Sinh, người được coi là đã phát hiện ra cây "thần dược" ở Ninh Vân và đã cứu sống ông Lê Hăng bị xơ gan cổ trướng giai đoạn cuối. Trái ngược với lời mô tả trên một tờ báo, rằng đó là một căn nhà cấp 4, rách nát, lụp xụp thì bây giờ, nó nhìn rất khang trang, bề thế. Một người hàng xóm của ông Sinh cho chúng tôi biết căn nhà này mới được xây xong khoảng hơn 1 tháng nay, chi phí xây cất nghe đâu 7-8 trăm triệu đồng.

Khác hẳn với Lương Sinh cách đây nửa năm, ông Lương Sinh hiện nay nhìn rất béo tốt và thái độ khi tiếp xúc cũng bệ vệ hơn. Khi chúng tôi vào nhà thì ở phòng bên cạnh, người nhà ông Sinh đang đóng gói cây "thần dược" vào một chiếc thùng các tông, trọng lượng khoảng 30 kg, nghe nói là để gửi ra cho người bệnh ở ngoài Bắc.

Chuyện trò thăm hỏi mấy câu, chúng tôi ngỏ ý muốn mua thuốc về chữa cho người thân ở TP HCM thì ông Sinh phán: "Có mang bệnh án ra không? Phải có bệnh án để biết là bệnh gì tôi mới chữa được". Chúng tôi nói vì đi gấp quá nên không kịp mang trong lúc ông Sinh với tay xuống gầm bàn, lấy lên một tờ giấy: "Mấy anh coi đây nè. Phải có giấy tờ cụ thể như vầy chứ". 

Tờ giấy mà ông Lương Sinh đưa ra là một phiếu ghi kết quả xét nghiệm của một bệnh viện. Chúng tôi tự hỏi không biết ông Sinh có hiểu những ký hiệu Y học ghi trong tờ phiếu xét nghiệm, như HST,  WBC, Hb, MCV, MCH, MCHC…, là gì không? Hay ông chỉ nhìn vào dòng chữ kết luận cuối cùng - chẳng hạn như "ung thư gan tiến triển" rồi bốc thuốc chữa bệnh bởi lẽ ông Sinh chỉ là công nhân lái máy xúc. Nhiều người quen ông khẳng định, trước khi ông Lê Hăng lành bệnh nhờ cây xáo tam phân do ông đưa thì ông chẳng biết gì về thuốc. Chỉ sau khi tên tuổi ông gắn liền với cây "thần dược", ông mới "tiết lộ" rằng gia đình ông có bài thuốc bí truyền, và ông nhất định không chịu công bố với cơ quan chức năng để xin giấy phép hành nghề Y học cổ truyền vì theo ông: "Sẽ lộ bí mật".

Ông Đạt, chủ một quán cơm ở Ninh Hòa - nơi chúng tôi ghé ăn cơm trưa - và cũng là một trong những người đã nhiệt tình chỉ cho chúng tôi biết ai đang kinh doanh cây "thần dược" trong thị trấn, nói: "Nếu quả thật ông Lương Sinh có "bài thuốc bí truyền" thì tại sao khi chữa cho ông Hăng, ông Sinh không đem bài thuốc đó ra áp dụng mà chỉ đưa duy nhất loại cây xáo tam phân.

Theo tôi, khi thấy Lê Hăng lành bệnh rồi làm giàu nhờ cây "thần dược", ông Sinh mới tiếc. Để cạnh tranh với Lê Hăng, ông Sinh vẽ ra là phải có thêm 4 - 5 vị thuốc phối hợp với xáo tam phân thì mới có kết quả, nhằm kéo bệnh nhân về với mình".

Nhận định của ông Đạt xem ra cũng có lý bởi lẽ trước đó, khi tiến hành chữa bệnh cho những người mắc bệnh nan y, ông Lương Sinh đã kết hợp với ông Trịnh Xuân Th., cán bộ UBND phường Ninh Giang, thị trấn Ninh Hòa: Tất cả bệnh nhân muốn được ông Sinh chữa bệnh đều phải nộp hồ sơ bệnh án cho ông Th. để ông "xét duyệt", ai được chữa trước, ai được chữa sau.

Giải thích về chuyện này, ông Th. biện bạch: "Nếu tôi không đứng ra nhận hồ sơ và sắp xếp lịch thì hàng trăm lượt người đến chữa bệnh tại nhà ông Lương Sinh sẽ rất hỗn loạn. Tôi làm việc này hoàn toàn vô tư chứ không ăn đồng xu cắc bạc nào", trong lúc ông Th. hoàn toàn không có nghiệp vụ nghề y. Và cũng như ông Sinh, ông Th chỉ căn cứ vào kết quả chẩn đoán để… xếp lịch khám chữa!

Tuy nhiên, liên minh này sau đó buộc phải chấm dứt vì qua kiểm tra, Sở Y tế Khánh Hòa xác định cơ sở khám chữa bệnh của ông Lương Sinh chưa có giấy phép hành nghề, bản thân ông Sinh không có bằng cấp về y học. Ông Lâm Quang Chứng, Phó giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, nói: "Nếu gia đình ông Sinh có nguyện vọng đăng ký chữa bệnh bằng bài thuốc này, chúng tôi sẽ hướng dẫn các thủ tục để gia đình đăng ký theo quy định. Còn đối với các bệnh nhân, chúng tôi khuyến cáo trước khi có cơ sở khoa học về hiệu quả chữa bệnh trên người của cây xáo tam phân, gia đình ông Sinh được cấp phép thì người bệnh nên điều trị theo phác đồ của bác sĩ".

Tuy nhiên đến nay, ông Lương Sinh vẫn chưa đăng ký vì như chúng tôi đã nói ở trên: Ông sợ lộ bí mật bài thuốc "gia truyền"(?!).

Chữa bệnh làm phúc nhưng... chém đẹp!

Trở lại câu chuyện giữa chúng tôi và ông Lương Sinh, sau khi trình bày với ông là do đi gấp quá, không kịp mang theo hồ sơ bệnh án, ông Sinh, hỏi: "Người nhà anh bệnh gì?". Tôi đáp: "Dạ, ung thư gan. Bây giờ từ thắt lưng trở xuống đến chân rất đau nhức, không ngồi dậy được, không đi được". Lập tức, ông Sinh phán: "Vậy là ung thư tủy rồi (?!)". Tôi cố giữ vẻ mặt đau khổ và cố cắn răng để khỏi bật cười trong lúc ông Sinh đưa cho tôi một tờ giấy và một cuốn sổ dầy cộp: "Bây giờ anh viết vào sổ theo mẫu này đi".

Tờ giấy mà ông Sinh đưa cho chúng tôi có tiêu đề: "Đơn xin tự nguyện chữa bệnh", nội dung: (chúng tôi ghi lại nguyên văn) "Kính gửi thầy Lương Sinh (ông tự xưng là "thầy"). Tôi tên là…, sinh ngày tháng năm…, hiện ở tại…, chứng minh nhân dân số…, cấp ngày… Tôi bị bệnh…, đã điều trị tại bệnh viện… nhưng bác sĩ bó tay trả về. Nay tôi làm đơn này xin tự nguyện nhờ thầy Lương Sinh chữa trị cho tôi bằng thuốc Nam…". Trong cuốn sổ ấy, chúng tôi đọc thấy không dưới 100 đơn "tự nguyện xin chữa bệnh", hầu hết bệnh nhân ở các tỉnh miền Bắc. Buồn cười nhất là có một phụ nữ, bị viêm khớp nhưng vẫn viết "bác sĩ bó tay trả về".

 

Một bệnh nhân đang viết đơn “tình nguyện xin chữa bệnh” tại nhà “thầy” Lương Sinh.

Đợi chúng tôi viết xong, ông Sinh vào nhà lấy ra một gói giấy báo, trong có một nắm cây "thần dược" đã sao vàng, trộn lẫn lộn với vài loại cành, lá - không rõ là thứ gì cùng một túi đựng thân cây "thần dược" vẫn còn tươi. Ông Sinh nói: "May cho anh, tôi vừa mua được mấy trăm ký chứ bữa trước, anh tới thì ra về tay không thôi. Gói thuốc này, anh chia làm 4 lần, sắc cho người nhà uống còn cây xáo tam phân, anh chặt nhỏ ra, cũng sắc lấy nước. Uống hết thì ra lấy tiếp".

Trước đây, khi trả lời một số tờ báo, ông Sinh luôn khẳng định: "Tôi dùng cây xáo tam phân, kết hợp với các cây thuốc khác chữa bệnh cho rất nhiều người sắp chết nhưng chưa hề lấy của ai một đồng nào", và: "Tôi gần như chết điếng khi thấy người ta đối xử quá tàn nhẫn với cây xáo tam phân. Lòng tham con người thật vô độ…".

Thậm chí ông còn cho biết mình đã từng nhiều lần nhịn đói đi đào thuốc cứu người nhưng gói thuốc hổ lốn 200gr ấy, ông tính chúng tôi 600 nghìn đồng, còn 2kg cây "thần dược", ông tính 2,4 triệu. Đến tối, vẫn bằng phương pháp ngâm rượu, gói thuốc đã bào chế sẵn của ông Lương Sinh chỉ ra thứ nước vàng lờ lợ mà nguyên nhân là do nhiều mảnh thuốc sao vàng, bị cháy cạnh, còn 2kg cây "thần dược" thì chẳng khác gì so với cây "thần dược" Campuchia! Phải chăng, do chưa được cấp phép hành nghề nên ông Sinh đã sáng tác ra "đơn xin tự nguyện chữa bệnh" để nếu cơ quan chức năng có tiến hành kiểm tra, thì ông cũng dễ bào chữa, rằng "họ tự nguyện đến xin tôi chữa chứ tôi có muốn làm đâu".

Có bệnh thì vái tứ phương. Hiện nay, rất nhiều bệnh nhân bị bệnh nan y đang đặt hy vọng vào cây xáo tam phân nên xem ra, các ngành chức năng - đặc biệt là tỉnh Bình Phước - nơi xuất xứ cây "thần dược" Campuchia nên có những nghiên cứu và biện pháp cụ thể để tránh xảy ra trường hợp tiền mất mà tính mạng cũng chẳng còn.

(Theo CAND)

  • Từ khóa
92246

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu