Thứ 7, 20/04/2024 04:00:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 14:38, 27/02/2015 GMT+7

Cây nêu trong đời sống của đồng bào Xêtiêng

Thứ 6, 27/02/2015 | 14:38:00 886 lượt xem

BP - Hiện nay có rất nhiều tài liệu dân tộc học ghi chép về sự tích cây nêu. Theo đó, mỗi dân tộc có một cách lý giải, cũng như nhu cầu, mục đích sử dụng khác nhau. Người ta được biết cộng đồng người Gia Rai ở Tây Nguyên thường dựng cây nêu trong lễ bỏ mả, trong khi đồng bào Hơmông ở vùng Tây Bắc dựng cây nêu trong lễ hội Gầu Tào (cầu phúc hoặc cầu mệnh). Nếu dân tộc Sán Dìu dựng trong lễ cầu mùa thì người Cor lại dựng cây nêu trong các dịp như lễ ăn mừng lúa mới (Xa-pa-nưu), lễ ăn mừng nhà mới (Xa-như-ra-vát), lễ ăn trâu huê (Xa-ô-piêu) và vào dịp tết mùa (Xa-aní)... để cầu cho thần linh, ông bà, tổ tiên... phù hộ dân làng. Người Kinh có phong tục dựng cây nêu vào dịp mừng tết Nguyên đán. Cây nêu được dựng bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp với dụng ý không để cho tà ma quỷ quái xâm phạm đến cuộc sống bình yên của loài người, rồi đến ngày mồng 7 tháng Giêng năm sau thì hạ, nhưng người Mường thì chỉ dựng cây nêu từ ngày 28 tháng Chạp. 


Lễ cầu mưa của người Xêtiêng - Ảnh: Internet

Người Xêtiêng ở Bình Phước thuộc cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, một bộ phận của các dân tộc cộng cư trên đất nước Việt Nam. Tuy văn hóa của họ có những nét riêng nhưng văn hóa Xêtiêng cũng chia sẻ nhiều sắc thái chung với các cộng đồng bộ tộc vùng Nam Tây Nguyên. Trong quá trình tiếp biến văn hóa với các tộc người cộng cư, họ cũng có phong tục dựng nêu; và việc dựng nêu của người Xêtiêng ở Bình Phước gắn với nhiều hoạt động lễ hội, như vào dịp lễ hội cầu mưa (Xên Đắk Mi), lễ hội lên nhà lúa (Hao Trol Va Xin Va), đặc biệt là lễ hội đâm trâu (Xrec’ Bur)...

 Sống trong môi trường hòa quyện với thiên nhiên, đồng bào Xêtiêng ở Bình Phước quan niệm dựng cây nêu càng cao vút thì càng có ý nghĩa thiêng liêng, càng được Yang Liêng, vị thần khai sáng đất đai của người Xêtiêng, nhanh chóng giúp đỡ, phù hộ cho các thành viên trong gia đình, dòng họ bình an, khỏe mạnh, con cháu đầy đàn, mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa. Do đó mà cây nêu trở thành sợi dây kết nối vô hình giữa con người với thế lực siêu nhiên, là sứ giả kết nối các cộng đồng lại với nhau thông qua các lễ hội truyền thống được diễn ra hàng năm.

Trong sinh hoạt cộng đồng của các dân tộc Việt Nam, cây nêu là một trong những loại biểu tượng gắn liền với đời sống nông nghiệp, thể hiện khát vọng giữ đất của con người. Theo truyền thuyết, ban đầu việc dựng cây nêu có mục đích ngăn ngừa không cho lũ quỷ từ biển Đông vào đất liền, nhất là không để chúng bén mảng đến nơi có con người cư ngụ.

Trong lễ hội đâm trâu, ngọn cây nêu được trang trí hình phễu tượng trưng cho tổ chim chèo bẻo (chim chơ ring), cùng với đó là các chùm tua rua tượng trưng cho các loại hoa và bông lúa biểu trưng cho sự sinh sôi và phát triển. Ngoài ra, bên dưới cây nêu bao giờ cũng có đặt một cái sập để bày biện các lễ vật cúng như gà, thịt heo, xôi, trầu cau, hoa quả, bánh kẹo... Đây cũng là vị trí dành riêng cho già làng đứng để đọc lời cầu cúng, mời giàng (trời) về dự lễ với dân làng. Đó cũng là nơi để các nghệ nhân diễn tấu các loại nhạc cụ linh thiêng như cồng chiêng.

Việc cộng đồng người Xêtiêng dựng cây nêu cao lớn giữa thôn ấp mỗi dịp lễ hội còn thể hiện vị thế của thôn ấp mình đối với các thôn ấp khác trong địa vực cùng cư trú. Với bản tính đôn hậu trầm lắng và rất yêu múa hát, người Xêtiêng có vốn âm nhạc cổ truyền đặc sắc với dàn nhạc cồng chiêng độc đáo và những động tác múa mang tính đội hình, họ luôn tận dụng mọi cơ hội để thể hiện niềm đam mê âm nhạc của mình. Mỗi khi cây nêu được dựng lên nghĩa là có lễ hội, tất cả mọi hoạt động lao động khác đều dừng lại, cũng là lúc cả cộng đồng sinh hoạt vui vẻ, mọi thành viên sẽ hòa nhập vào lễ tế linh thiêng, cùng đánh chiêng, nhảy múa theo vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ xung quanh cây nêu - đó là chiều vận động bất tận của mặt trời, phản ánh triết lý về sự vận hành âm dương của người Xêtiêng ở Bình Phước. Trong các dịp lễ hội của người Xêtiêng cũng không thể thiếu những nghệ nhân sử dụng các loại nhạc cụ đặc trưng của họ như kèn M’buốt, sáo Tơ-lết, sáo U-Kooc-le, sáo Pia, sáo N’hôm, kèn Nung biên, đàn Đình - put và một số loại trống, mô phỏng tiếng suối, tiếng gió, tiếng con chim, con sóc, những hiện tượng tự nhiên gần gũi với cuộc sống của đồng bào. Các lễ hội thường có thể kéo dài đến mấy ngày để đồng bào có dịp vui chơi sau những tháng ngày lao động vất vả.

 Như vậy có thể thấy rằng đối với đồng bào Xêtiêng ở Bình Phước, cây nêu được nhận biết như một cây “nhiên thần” thể hiện sự sinh sôi, nảy nở được xem là cây vũ trụ, trục nối liền đất với trời; là một biểu tượng không thể phai mờ trong đời sống tâm linh của cộng đồng thông qua các lễ hội truyền thống. Điều đó cũng thể hiện sự gắn kết cộng đồng, cách ứng xử của con người với thiên nhiên, thông qua yếu tố tâm linh để hướng tới một cuộc sống tươi sáng hơn, điều mà mỗi tộc người trong cộng đồng dân tộc Việt Nam đều hướng tới.   

Là một tộc người từng nổi tiếng với các nghề thợ rèn, dệt vải và nhuộm vải bằng vỏ cây rừng, người Xêtiêng đã ứng dụng những kỹ thuật ấy trong việc dựng cây nêu. Thông thường cây nêu dựng trong các lễ hội của đồng bào Xêtiêng được làm bằng cây lồ ô cao khoảng 15m, được trang trí khá độc đáo; thân cây nêu được trang trí khắc vạch vòng tròn với bên cạnh những biểu hiện chủ đề lập thể với các hình thoi, hình vuông, hình tam giác, hình răng cưa; màu trang trí thường là bốn màu đỏ, đen, trắng, vàng, là màu sắc chủ đạo trong nghệ thuật điêu khắc của người Xêtiêng thường thấy trong các nghi lễ, các trang phục truyền thống.

Đình Tâm

 

 

 

  • Từ khóa
91086

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu