Thứ 6, 29/03/2024 13:44:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 09:19, 24/05/2018 GMT+7

Cầu nối đưa vốn chính sách đến hộ nghèo

Thứ 5, 24/05/2018 | 09:19:00 118 lượt xem
BP - Với lợi thế có hệ thống tổ chức hội cơ sở và số lượng hội viên phát triển mạnh, các tổ chức hội, đoàn thể huyện Lộc Ninh không những phát huy tốt vai trò là cầu nối đưa nguồn vốn chính sách đến người nghèo mà còn giúp Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Lộc Ninh quản lý tốt vốn vay, hạn chế rủi ro trong thu hồi nợ, lãi.

Nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lộc Ninh làm thủ tục giải ngân vốn vay cho hộ nghèo

Nếu không có vốn vay ưu đãi từ NHCSXH thì có lẽ gia đình anh Ngô Anh Thắng, ngụ ấp Lộc Bình 2, xã Lộc Thành khó thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương. Những ngày không có vốn làm ăn, gia đình anh phải bươn chải nhiều nghề và chắt chiu từng đồng để trang trải cuộc sống. “Trước đây, gia đình nghèo lắm, tôi sức khỏe yếu, lại không nghề nghiệp ổn định. Được Hội Nông dân xã giới thiệu cho vay vốn làm ăn, lúc đầu vay 10 triệu đồng tôi đầu tư nuôi bò, 1-2 năm sinh được con bê, tôi nuôi thêm ít gà. Sau vài năm tích góp trả được nợ ngân hàng, gia đình tôi vay tiếp 20 triệu đồng vốn sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn để trồng và chăm sóc vườn tiêu. Đến nay tuy kinh tế gia đình chưa khá giả nhưng tôi rất vui vì không còn phải chạy ăn từng bữa như trước” - anh Thắng nói.

 Các tổ tiết kiệm và vay vốn do các hội đoàn thể quản lý đã giúp nguồn vốn tín dụng đến đúng địa chỉ, qua đó thúc đẩy tinh thần tương thân tương ái, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trong cộng đồng. Chị Phạm Thị Thúy Phượng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lộc Ninh cho biết: Ngoài tuyên truyền, tạo điều kiện giúp  hội viên vay vốn tín dụng, hội phụ nữ các cấp trong huyện còn thường xuyên bám sát để hướng dẫn hội viên áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần phát huy hiệu quả vốn vay. Tính đến đầu tháng 3-2018, tổng dư nợ ủy thác của NHCSXH huyện Lộc Ninh thông qua các hội, đoàn thể là trên 295 tỷ 778 triệu đồng, chiếm 99,8% dư nợ toàn huyện. Trong đó, Hội phụ nữ dư nợ cao nhất với 99 tỷ 366 triệu đồng cho 4.403 hộ vay; Hội nông dân quản lý 92 tỷ 660 triệu đồng với 4.276 hộ hội viên vay... Dư nợ quá hạn do các hội đoàn thể nhận ủy thác tính đến cuối tháng 3-2018 là trên 298 triệu đồng, chiếm 0,1% tổng dư nợ nhận ủy thác.

Bà Phan Thị Tầm, Giám đốc NHCSXH huyện Lộc Ninh cho biết: “Với đặc thù của NHCSXH là tạo nguồn vốn vay ưu đãi cho người nghèo, các đối tượng chính sách nên ngoài tạo điều kiện thuận lợi cho người dân về nguồn vốn, thủ tục vay, chúng tôi còn thực hiện điểm giao dịch tại các xã, thị trấn thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn của các tổ chức hội đoàn thể”.

Ngoài là cầu nối đưa vốn chính sách đến người dân, thời gian qua các tổ chức hội đoàn thể các cấp huyện Lộc Ninh còn tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho đoàn viên, hội viên và người dân trong huyện; tổ chức tham quan nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả; vận động hộ hội viên kinh tế khá, giàu giúp hộ khó khăn... Nhờ đó đã giúp các hộ nghèo, khó khăn mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế hiệu quả.

V.Hùng 

  • Từ khóa
42733

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu