Thứ 7, 20/04/2024 08:16:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giải trí 14:57, 02/01/2017 GMT+7

Câu hỏi từ những cánh chim trời

Thứ 2, 02/01/2017 | 14:57:00 270 lượt xem
BP - Những ngày cuối năm, trời trở lạnh. Đã lâu lắm tôi mới có dịp khoác tấm áo ấm đi làm. Tấm áo này, khi chuyển vào Nam công tác, tôi đã bỏ lại miền Bắc, nhưng mẹ bắt mang theo với một lý do tôi không thể nào thuyết phục nổi. Đó là đất nước mình dù ở nơi nào mà chả có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông!

Ngoài phố, trong dòng người tấp nập, tôi chợt nhận ra nhiều người cùng mặc áo ấm như mình. Trong cái se lạnh hiếm hoi của miền Đông những ngày cuối năm, gương mặt những cô cậu học trò bỗng hồng lên như thoa phấn. Một cơn gió lạnh lướt qua, những lá cờ đuôi nheo cắm dọc dãy phố chính khu vực trước quảng trường tỉnh chào mừng sự kiện 20 năm ngày tái lập tỉnh reo vui trong gió. Đường phố Đồng Xoài hôm nay đẹp hơn rất nhiều không chỉ bởi 4km khu vực nội ô vừa được nâng cấp với gói kinh phí 200 tỷ đồng cùng khu trung tâm hành chính tỉnh như được khoác áo mới, mà còn quyến rũ hơn bởi dòng người cùng mang áo ấm, khăn ấm đủ màu đang ngược xuôi trên phố.

Đã nhiều năm tháng sống và làm việc trên mảnh đất miền Đông Nam bộ, tôi vẫn nhớ đến cồn cào cái không khí hối hả những ngày cuối năm trên đất Bắc. Chừng hai mươi tháng chạp, các trung tâm mua sắm đã tấp nập cảnh bán mua. Cùng trên dải đất hình chữ S, nhưng thiên nhiên đã ban tặng cho xứ Bắc sự tươi non của mùa xuân, rực rỡ của mùa hạ, dịu dàng của mùa thu và da diết của mùa đông một cách rõ ràng. Sự sum họp trong mỗi mái ấm gia đình trong tiết trời giá lạnh như càng ấm áp, thiêng liêng hơn. Trong cái rét ngọt của mùa đông, trong mùi hương tinh khiết chỉ có vào những dịp tết đến xuân về, lòng người như càng hướng về nguồn cội nhiều hơn. Đó là lý do vì sao cứ vào dịp cuối năm thì dù đang lưu lạc nơi đâu trên dải đất này, mỗi con người đều chộn rộn, cố thu xếp để trở về với quê hương, xứ sở.

Nhớ khi còn bé, tôi thường cùng lũ bạn lăn lóc nơi đồng quê. Giữa mùa đông, khi những cánh đồng đã trơ gốc rạ cũng là khi trên bầu trời xuất hiện những đàn chim bay về phương Nam tránh rét. Nhìn những đàn chim mải miết bay, dù luôn khát khao khám phá nhưng tôi chưa một lần dám nghĩ sau này mình sẽ lập nghiệp nơi những đàn chim kia dừng cánh! Nhớ những buổi chiều đông bàng bạc trên cánh đồng quê, nằm nhấm nháp vị ngọt của những cọng rơm mới trên bãi cỏ non và dõi mắt theo những đàn chim, tôi luôn tự hỏi vì sao chúng lại bay theo hình mũi tên? Và chẳng ai giải đáp cho tôi câu hỏi đó. Cho đến sau này, qua sách báo, tôi mới biết được rằng, khi bay theo hình mũi tên, đàn chim sẽ tiết kiệm được tối đa sức lực so với khi chúng bay lẻ đàn. Những con bay nơi đầu mũi tên thường là những con mạnh nhất. Chúng ưỡn lồng ngực, mạnh mẽ đón phong ba và dìu đàn bay đi. Chính tiếng kêu của bầy đàn phía sau là nguồn động lực giúp con chim đầu đàn giữ vững vị trí. Và khi mỏi cánh, nó sẽ lùi dần về phía sau để một con khác bay lên. Cứ thế, với đội hình mang hình mũi tên, những đàn chim với những đôi cánh mỏng manh đã vượt trùng dương bay về tới đích. Không gì khác, chính sức mạnh của tinh thần đoàn kết, tinh thần tập thể đã giúp những đàn chim tới đích an toàn. để rồi khi mùa đông rét mướt qua đi, chúng lại sinh sôi nảy nở và lại bay đi khắp bốn phương trời, dâng tặng loài người những tiếng hót mê ly cùng bài học quý giá về tinh thần cộng đồng bất diệt.

Nhìn những hình mũi tên tuyệt đẹp do những cánh chim trời tạo lập, tôi luôn tự hỏi vì sao con người lại không học thuộc bài học ấy để sát cánh cùng nhau xây dựng cuộc đời ngày càng tốt đẹp hơn?!

Linh Tâm

  • Từ khóa
107800

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu