Thứ 3, 23/04/2024 23:14:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 19:45, 02/06/2018 GMT+7

Câu đối để đời

Thứ 7, 02/06/2018 | 19:45:00 1,899 lượt xem

BP - Cuối thời Lê, triều chính đổ nát, quyền thần lộng hành, vua Lê Chiêu Thống bạc nhược, phải cầu viện quân Mãn Thanh để duy trì ngai vàng. Việc làm này khiến lòng dân bấy giờ chán ghét nhà Lê hơn trước và sụp đổ là lẽ tất yếu của lịch sử.  Vì vậy dù sau này nhiều thế lực khác nổi dậy đòi khôi phục nhà Lê cũng đều thất bại. Thêm vào đó, các cựu trung thần lại bị ruồng bỏ, số bị hãm hại cho đến chết, số về sống ẩn dật. Trong bối cảnh đó, Nhữ Trọng Thai và một số cựu thần nhà Lê như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích... đã dũng cảm gạt bỏ quan niệm trung quân mù quáng để hướng theo lực lượng chính nghĩa, tiến bộ, tham gia phục vụ vương triều Tây Sơn.

Đầu năm Kỷ Dậu - 1789, sau khi đánh đuổi 29 vạn giặc Mãn Thanh xâm lược, thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo, để đỡ “mất mặt thiên triều”, vua Quang Trung đã chủ động sai sứ triều cống, xin đặt quan hệ; vua Thanh là Càn Long (1735-1796) cũng nghe danh vị vua dũng mãnh, tài cao của nước Việt nên đành phải chấp thuận, lại còn có lời mời Quang Trung sang thăm nhân dịp lễ mừng thọ 80 tuổi của mình.

Minh họa: S.H

Đầu năm Canh Tuất - 1790, nhà Tây Sơn chọn võ tướng Nguyễn Quang Thực (một số sách ghi là Phạm Công Trị) có dung mạo giống vua Quang Trung để đóng giả làm quốc vương nước Nam dẫn đầu phái bộ gồm 150 người sang nhà Thanh, trong số đó có Nhữ Trọng Thai. Đoàn phái bộ nước Nam sang nhà Thanh đúng vào dịp Càn Long tổ chức lễ mừng thọ 80 tuổi và 55 năm ở ngôi hoàng đế, khắp nơi cờ hoa, đèn nến trang trí rực rỡ, lung linh đủ sắc màu; tại cửa Thiên An Môn còn treo một vế đối mừng viết trên tấm lụa hồng lớn mang đầy ý nghĩa chúc tụng: Long phi cửu ngũ, ngũ thập ngũ niên, ngũ số hợp thiên, ngũ số hợp địa, ngũ đức tu, ngũ hành dụng, ngũ phúc lung linh hàm phượng liễu. Vế đối này có nghĩa là: Trên ngôi cửu ngũ, trị vì 55 năm, số năm hợp với trời, số năm hợp với đất, sửa mình theo năm đức, trị nước theo ngũ hành, năm phúc chầu vào liễu phượng (năm đức là: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín; ngũ hành là: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ; năm phúc là: Phú, quý, thọ, khang, ninh).

Sau ngày làm việc và hành lễ, quan bộ Lễ nhà Thanh dẫn một số đại thần trong đoàn sứ của nước Việt đi ngoạn cảnh và đến trước Thiên An Môn, một người chỉ lên vế đối có ý nói mời bên ta đối lại. Nhữ Trọng Thai hỏi ngày tháng sinh của vua Càn Long rồi mượn giấy bút viết ngay vế đối: Thánh thọ bát tuần, bát phùng bát nguyệt, bát thiên vi xuân, bát thiên vi thu, bát nguyên tiến, bát khải đăng, bát tiên cổ vũ hạ nghê thường. Vế đối lại có nghĩa là: Thánh thọ 80 tuổi, sinh ngày 8 tháng 8, tám nghìn mùa xuân, tám nghìn mùa thu, tám bậc hiền tới, tám bậc tài về, tám tiên múa nghê thường mừng thọ.

Điều thú vị là ở câu đối này Nhữ Trọng Thai đã vận dụng nhiều điển cố, tích cũ, theo đó câu “tám nghìn mùa xuân, tám nghìn mùa thu” vốn bắt nguồn từ tích Thiên Tiêu diêu du ở sách Nam Hoa Kinh của Trang Tử nói rằng: “Thời xa xưa có cái xuân lớn, tám ngàn năm là mùa xuân, tám ngàn năm là mùa thu”, ở đây có ý ca ngợi sự sống lâu của vua Càn Long. Còn câu “tám bậc hiền triết, tám bậc tài năng” bắt nguồn từ sách “Tả truyện” có chép: Thời vua Chu Văn Vương năm thứ 18, họ Cao Tân có tám người tài giỏi, thiên hạ đều gọi đó là “bát nguyên”; “tám khải” cũng là chỉ kẻ sĩ tài đức, “khải” có nghĩa là hòa nhã, hành động hòa nhã với mọi sự vật. Sách “Tả truyện” chép: Cũng thời vua Văn Vương năm thứ 18, họ Cao Dương có 8 người tài giỏi, thiên hạ gọi đó là “bát khải”. Câu đối có ý ca tụng một vị vua có tuổi thọ sống lâu, có nhiều nhân tài quy tụ phù tá thì ắt làm cho thiên hạ no ấm, cuộc sống yên ổn thái bình khiến cho thần tiên trên trời cũng phải múa hát mừng vui.

Vế đối của Nhữ Trọng Thai không chỉ quá hay mà còn thể hiện một trí tuệ sâu sắc, học vấn uyên thâm và kiến thức rộng mở khiến vua quan nhà Thanh ai cũng khen ngợi, sau đó có lệnh truyền viết câu đối này vào một tấm lụa hồng treo một bên cửa Thiên An Môn, cùng với vế đối được treo trước đó đã tạo thành câu đối hoàn chỉnh mừng ngày đại lễ chúc thọ Càn Long 80 tuổi...

Lời bàn:

Theo nội dung của giai thoại nêu trên, chuyến đi sứ sang Yên Kinh - kinh đô của nhà Thanh vào năm 1790 là một hành trình táo bạo của các sứ thần triều vua Quang Trung. Cuộc hành trình “có một không hai” trong lịch sử ngoại giao dưới thời phong kiến của đoàn sứ bộ nước ta tháp tùng vua Quang Trung giả nhằm “qua mặt” triều đình Mãn Thanh để đặt nền móng cho quan hệ ngoại giao Tây Sơn - nhà Thanh bước sang thời kỳ mới. Kết quả, đoàn sứ bộ, vua Quang Trung giả được vua Càn Long tiếp đón nồng hậu, thậm chí còn biếu nhiều vật phẩm quý báu.

Vế đối của Nhữ Trọng Thai không chỉ quá hay mà còn thể hiện một trí tuệ sâu sắc, học vấn uyên thâm và kiến thức rộng mở khiến vua quan nhà Thanh ai cũng khen ngợi. Dưới thời phong kiến, đi sứ phương Bắc là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn và nguy hiểm, người được giao trọng trách phải hết sức thông minh và có đủ bản lĩnh mới không bị người khác xem thường. Nhữ Trọng Thai đã thể hiện rõ trí tuệ và tài năng hơn người của mình vào đúng lúc, đúng nơi, thật đáng để người đời học tập, trân trọng.

N.D

  • Từ khóa
110048

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu