Thứ 6, 29/03/2024 05:15:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:45, 22/08/2013 GMT+7

Để cây ăn trái Bình Phước phát triển bền vững

Thứ 5, 22/08/2013 | 08:45:00 1,250 lượt xem

Năm 1999, cây ăn trái được nhiều nhà nông trong tỉnh trồng thử nghiệm như nhãn, xoài và đã mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, do giá không ổn định, kỹ thuật canh tác chưa đúng nên dịch bệnh tấn công cây trồng khiến nhiều nông dân nản lòng và chuyển đổi sang loại cây trồng khác. Nhưng cũng có không ít hộ nắm rõ quy luật cung cầu, đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật hợp lý nên đã giàu lên nhanh chóng nhờ trồng cây ăn trái.


ĐƯA KHOA HỌC - KỸ THUẬT VÀO SẢN XUẤT

Anh Nguyễn Quang Vinh, ngụ ấp 6, xã Phước Sơn (Bù Đăng) có vườn chôm chôm hơn 15 năm tuổi. Anh cho biết, chôm chôm Thái không khó trồng, sau 3 năm chăm sóc cây bắt đầu cho trái nhưng đến năm thứ 6 năng suất mới ổn định và tăng dần những năm tiếp theo. Nhờ biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng, chăm sóc nên vườn chôm chôm của gia đình anh phát triển tốt, năng suất trung bình đạt 200kg/gốc. Theo anh Vinh, giá chôm chôm Thái trong những năm gần đây luôn ổn định, từ 12 đến 20 ngàn đồng/kg, đặc biệt có những năm lên tới 30 ngàn đồng/kg bán tại vườn.


Sầu riêng - trái cây đặc sản của Bình Phước - Ảnh: C.TR

Anh Lê Đình Phụng, ngụ ấp 8, xã Tân Thành (TX. Đồng Xoài) trồng 1,5 ha quýt đường. Năm 2009, anh chuyển đổi 1,5 ha điều sang trồng cây quýt đường. Nhờ biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên vườn quýt của gia đình anh ít bị sâu bệnh và đạt năng suất cao. Vụ trái bói đầu tiên đã cho thu hoạch hơn 30 tấn, với giá bán 15 ngàn đồng/kg, gia đình anh thu về gần 500 triệu đồng. Anh Phụng chia sẻ: “Trồng và chăm sóc cây quýt đường không khó, người trồng phải thường xuyên tham quan học hỏi và áp dụng khoa học - kỹ thuật vườn cây”.


PHÁT TRIỂN CÂY ĂN TRÁI THEO HƯỚNG BỀN VỮNG

Ông Phan Văn Đon, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, để phát triển cây ăn trái theo hướng bền vững thì nông dân cần có kỹ thuật chăm sóc cao. Điều quan trọng nhất với cây ăn trái là chế độ nước tưới, bón dinh dưỡng, kịp thời khắc phục sâu bệnh...

Theo ông Đon, trong thời điểm hiện nay, trái cây sản xuất trong nước được người tiêu dùng ưa chuộng nên giá cả cũng ổn định hơn. Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các nông hộ trồng cây ăn trái cần tính đến việc phát triển lâu dài hướng đến sản xuất sản phẩm sạch, chất lượng an toàn.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có hơn 12 ngàn ha vườn cây ăn trái các loại, chủ yếu ở các huyện Chơn Thành, Hớn Quản, Lộc Ninh và thị xã Phước Long...

Trái cây Bình Phước chỉ mới phát triển mạnh hơn 10 năm trở lại đây, nhưng được người tiêu dùng ưa thích và tạo ra những thương hiệu như: quýt đường Tân Thành, mít nghệ Lộc Ninh, sầu riêng Ba Đảo... Đây là cơ hội giúp nông dân trong tỉnh đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập, giữ vững lòng tin của người tiêu dùng cũng như phát triển bền vững vùng trái cây.                 

Tân Xuân

  • Từ khóa
36649

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu