Thứ 7, 20/04/2024 20:21:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:32, 06/04/2019 GMT+7

“Cát tặc” sẽ không còn đất sống

Thứ 7, 06/04/2019 | 08:32:00 145 lượt xem
BP - Tại buổi làm việc về tình hình khai thác cát, sỏi trái phép vào ngày 3-4 vừa qua, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương chủ động đấu tranh có hiệu quả nạn cát tặc. Đặc biệt, ngoài bổ sung chế tài xử phạt hành vi khai thác, vận chuyển tiêu thụ cát, sỏi trái phép, Phó thủ tướng nhấn mạnh việc xử lý người đứng đầu ở địa phương khi để xảy ra nạn cát tặc.

Những năm qua, tình trạng khai thác cát lậu ở nước ta diễn ra rất phức tạp. Nạn cát tặc đã gây nhiều hệ lụy như thất thoát tài nguyên, thất thu thuế, mất an ninh trật tự. Đặc biệt làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở, tác động xấu đến môi sinh, tạo lũ lụt cục bộ... ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và tính mạng người dân. Để ngăn chặn tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30-3-2015 về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cát tặc đang có dấu hiệu gia tăng khó kiểm soát. Trong 2 tháng đầu năm 2019, cát tặc xuất hiện tại 14 tỉnh, thành; cơ quan chức năng đã xử lý 659 vụ/426 đối tượng khai thác, kinh doanh cát trái phép; tịch thu gần 4.700m3 cát, 73 ghe thuyền... xử phạt hơn 12 tỷ đồng.

Trên địa bàn Bình Phước có 23 sông, suối cùng hàng loạt hồ thủy điện, thủy lợi, trong đó sông Đồng Nai và hồ thủy lợi Dầu Tiếng là nơi có trữ lượng cát rất lớn. Tại hồ Dầu Tiếng, cơ quan chức năng đã cấp 18 giấy phép khai thác cát cho 15 doanh nghiệp trên tổng diện tích 732 ha, với 41 bến tập kết, trong đó Bình Phước có 2 bến. Do nạn cát tặc diễn ra phức tạp nên cuối năm 2018, công an 3 tỉnh Bình Phước, Bình Dương và Tây Ninh đã ban hành quy chế phối hợp xử lý. Còn trên sông Đồng Nai, giáp ranh giữa 2 tỉnh Bình Phước và Lâm Đồng dài 19km có 5 doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác cát. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát lậu ở đây diễn ra hết sức phức tạp và gây nhiều hậu quả trong đời sống, sản xuất của người dân. Trong năm 2018, lực lượng chức năng của Bình Phước đã phát hiện và xử lý 15 vụ/15 đối tượng có hành vi khai thác cát xây dựng trái phép, 10 vụ kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc, tạm giữ 11 phương tiện tàu khai thác cát trái phép; tịch thu gần 16.000m3 cát không rõ nguồn gốc và xử phạt hành chính gần 550 triệu đồng...

Thực tế cho thấy, những biện pháp nêu trên chưa thể ngăn chặn nạn cát tặc, bởi lực lượng chức năng ở cơ sở mỏng và thiếu phương tiện. Trong khi đó, cát tặc thường lợi dụng ban đêm, ngày nghỉ lễ hoặc lúc lực lượng chức năng lơ là để hút cát trộm. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương còn thiếu đồng bộ; đối tượng vi phạm manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện. Đặc biệt, nhiều nơi chính quyền cơ sở còn thờ ơ, thiếu quyết liệt trong đấu tranh với nạn cát tặc.

Vì vậy, việc xử lý người đứng đầu vì buông lỏng quản lý là một thông điệp mới và quyết liệt của Chính phủ về nạn cát tặc rất cần được thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, phải xem mọi hành vi trộm cắp tài nguyên, khoáng sản là xâm hại tài sản quốc gia, gây hậu quả nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, đe dọa tính mạng của người dân... nên phải hình sự hóa để răn đe, ngăn chặn kẻ khác.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu