Thứ 5, 28/03/2024 15:53:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:10, 24/04/2015 GMT+7

Cấp xã có được ban hành văn bản quy phạm pháp luật?

Thứ 6, 24/04/2015 | 10:10:00 484 lượt xem
BP - Dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo và đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo kế hoạch, dự thảo luật này sẽ được trình tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 9 sắp tới. Tuy nhiên, vấn đề hiện vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều, đó là cho và không cho cấp xã có quyền ban hành văn bản QPPL.

Ý kiến không đồng tình thì cho rằng, xã là cấp hành chính thấp nhất trong hệ thống chính quyền hiện nay, là cấp cơ sở có trách nhiệm triển khai thực hiện pháp luật. Và thực tế cho thấy, ở cấp xã chỉ chủ yếu sao chép lại văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, thậm chí còn có hiện tượng sao chép không đúng, không đầy đủ dẫn đến mỗi nơi hiểu một khác, thực hiện một khác vì thế không nên cho cấp xã được ban hành văn bản QPPL.

Theo suy nghĩ của tôi thì quan điểm trên là chưa thấu đáo, chưa phản ánh hết thực tiễn ở cơ sở. Vì nếu văn bản QPPL của cấp xã ban hành chất lượng không bảo đảm, tính chủ động sáng tạo kém, sao chép văn bản của cấp trên... thì phải khắc phục chứ không vì vậy mà cấm. Do đó, việc cho phép HĐND cấp xã được ban hành nghị quyết, UBND được ban hành quyết định là phù hợp. Ví dụ như trong việc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đây là chủ trương được thực hiện trên cả nước, nhưng khi xuống đến từng xã, mỗi xã có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau, trình độ dân cư khác nhau, thu nhập bình quân đầu người khác nhau... nên muốn xây dựng nông thôn mới phù hợp với thực tế địa phương thì chính quyền cơ sở phải có văn bản yêu cầu cộng đồng người dân trên địa bàn thực hiện. Song nếu không cho cấp xã ban hành văn bản QPPL thì xử lý vấn đề này thế nào?

Và xét về góc độ quản lý xã hội thì luật, pháp lệnh, nghị quyết... của cấp trên cũng được xem giống như là “phép vua”. Mà đã là “phép vua” thì thường chỉ quy định những nội dung áp dụng chung trên cả nước. Về đến địa phương, muốn “phép vua” được thực hiện thì cũng cần phải điều chỉnh cho phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa, thói quen, lối sống của người dân và những điều này được quy định bằng “lệ làng”. Vì thế, không nên triệt tiêu “lệ làng”, vì trong chừng mực nào đó “lệ làng” phát huy tích cực trong cộng đồng dân cư. Hơn nữa, ở cấp xã, phường hiện nay có nơi quản lý hàng vạn con người, nếu không cho phép ban hành văn bản QPPL thì chẳng những chính quyền xã không quản lý được tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn mà còn không thể thực hiện được quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ với cấp trên và cả với người dân.

Do đó, tôi đề xuất kiến nghị là nên cho phép cấp xã được ban hành văn bản QPPL. Tuy nhiên, vấn đề cần bàn ở đây là quy định rõ văn bản QPPL của cấp xã phải tuân thủ Hiến pháp, luật, pháp lệnh và không được trái với quy định của cơ quan cấp trên. Vì nếu không quy định rõ cấp xã được ban hành văn bản QPPL trong lĩnh vực nào thì cấp xã cũng sẽ ban hành văn bản hướng dẫn luật và dẫn tới tình trạng mỗi nơi hiểu một cách, ban hành một cách. Như vậy chắc chắn hệ thống pháp luật chẳng những không bảo đảm tính tuân thủ đồng bộ trong cả nước mà còn dẫn đến tình trạng “loạn văn bản” và người dân không biết thực thi văn bản nào.  

K.A

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu