Thứ 5, 28/03/2024 17:13:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:42, 06/12/2017 GMT+7

Cao su thời giá mủ “xuống đáy”, giá gỗ “kịch trần” (Bài cuối)

Thứ 4, 06/12/2017 | 06:42:00 216 lượt xem

>> Bài 1: Khi gỗ cao su thanh lý “sốt giá”

KHÓ KHĂN “BỦA VÂY” DOANH NGHIỆP

BP - Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 7,3 tỷ USD; năm 2017 ước đạt 8 tỷ USD, công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam xếp thứ 5 thế giới. Thế nhưng, năm 2017 khó khăn bủa vây doanh nghiệp (DN) gỗ khi giá nguyên liệu tăng vọt và khan hiếm. Đặc biệt, xuất hiện tình trạng cạnh tranh khốc liệt giữa DN trong nước và thương lái Trung Quốc về nguồn nguyên liệu hợp pháp (rừng trồng) để đáp ứng thị trường khắt khe Âu, Mỹ…

doanh nghiệp “CẦM HƠI”

Giữa tháng 11, chúng tôi đến Công ty Quốc Anh ở xã Minh Hưng (Chơn Thành), bà Lê Thị Kiều Nga, tiếp nhận quản lý sản xuất - kinh doanh của công ty từ năm 2016 thở dài: “Hiện chúng tôi chỉ hoạt động khoảng 30-50% công suất so với trước kia, chủ yếu để “giữ chân” công nhân. Trước đây lương thợ cưa 10-11 triệu đồng/người/tháng nhưng nay chỉ 6-7 triệu đồng/tháng; công nhân phụ chỉ 3-4 triệu đồng/người/tháng”.

Sản xuất gỗ ở Công ty Ngọc Ánh - xưởng nhỏ cầm cự được nhưng phải có vốn để đặt cọc mua vườn

Thị sát một vòng khu vực cưa xẻ và kho của Công ty Quốc Anh, cỗ máy cưa gỗ trước đây rộn ràng tiếng máy nay nằm im lìm trong xưởng. Bà Nga lại thở dài: Đầu và giữa năm 2016, mỗi tháng chúng tôi xuất bán bình quân khoảng 1.200m3 nhưng nay chỉ 300-400m3. Trước đây, mỗi ngày xuất khoảng 1 công hàng, nay 2-3 ngày mới đủ 1 công. Giá nguyên liệu tăng 2-3 lần nhưng giá bán chỉ tăng 40%. Ngày trước, mỗi công hàng DN lời bình quân khoảng 20 triệu đồng nhưng nay chịu lỗ 4-5 triệu đồng. Thường cuối năm công nhân có thưởng nhưng năm nay DN “bó tay” không tìm ra nguồn. Làm nhiều lỗ nhiều, nên đã có nhiều công ty lớn ở Chơn Thành “treo máy” và để bảng bán xưởng.

Giám đốc Công ty Ngọc Ánh Nguyễn Văn Du, cũng cho biết: Giá gỗ cao su thanh lý tăng “chóng mặt” nhưng nhờ xưởng nhỏ nên nguyên liệu chủ yếu mua được trực tiếp từ nhà vườn, diện tích vài sào đến vài hécta mà không phải qua đấu giá. Công ty nhỏ nên chủ yếu làm gia công, giá tùy thời điểm “mua cao, bán cao” nên những xưởng cưa như của gia đình tôi vẫn cầm cự được.

Anh Dụ than thở, khó khăn của xưởng nhỏ là thường mua vườn cây nhỏ lẻ ở khu vực sâu, thưa dân. Khi giá gỗ cao su tăng cao thì luôn phải đối mặt với nạn trộm cây, chủ yếu xảy ra vào ban đêm có mưa. Trộm gỗ đi theo nhóm, vườn cây ở xa, DN không giữ nổi. Khu vực xảy ra nạn trộm gỗ cao su nhiều nhất là ở xã Minh Thắng (Chơn Thành). Hai bên quốc lộ 14 đi qua địa bàn xã Minh Thắng đều chất gỗ cao su để bán cho DN trong và ngoài tỉnh.

ĐI TÌM NGUYÊN NHÂN 

Cuối năm 2016 đến nay, diện tích cao su thanh lý của các DN và nhà vườn ít nên nguồn cung cấp gỗ trong nước sẽ càng khó khăn hơn. Trữ lượng gỗ cao su giảm nhưng xưởng gỗ mọc lên nhiều ở các tỉnh Đông Nam bộ. Chỉ riêng Bình Phước năm 2014 đã có khoảng 500 cơ sở, DN chế biến gỗ, chủ yếu là gia công cho các DN lớn ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh.

Nguyên nhân chính gây ra tình trạng khan hiếm gỗ cao su nguyên liệu là do Trung Quốc đóng cửa rừng từ đầu năm 2017, khiến ngành công nghiệp gỗ Trung Quốc bị thiếu hụt khoảng 50 triệu mét khối gỗ/năm. Để bù đắp lượng gỗ thiếu hụt, các DN gỗ Trung Quốc phải đẩy mạnh nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á. Malaysia là một trong những nước cung cấp gỗ cao su hàng đầu cho ngành gỗ Trung Quốc nhưng từ ngày 1-7-2017 nước này đã cấm xuất khẩu gỗ cao su xẻ.

Anh Dụ kiến nghị, tỉnh nên cho phép xe máy cày được lưu thông trên đường giao thông nông thôn như ở Đắk Nông và các tỉnh Tây Nguyên. Bởi xe máy cày là phương tiện duy nhất chở gỗ cao su từ vườn ra đường để giảm bớt phí vận chuyển. Do cấm lưu thông nên chủ phương tiện phải tăng giá cước để bù vào “phí đường”... Bà Nga cho rằng, phải có chiến lược trong cấp phép kinh doanh ngành hàng gỗ để tránh tình trạng “DN phát triển nóng nhưng nguyên liệu có hạn...”.

Thực tế cuối năm 2016, thương gia Trung Quốc đã vào các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ tranh giành mua gỗ cao su với DN Việt Nam. Anh Dụ cho biết, cuối năm 2016 đến nay, cơ sở của anh chủ yếu bán gỗ bao bì cho thương lái Trung Quốc. Còn anh Phan Văn Tâm ở xã Thanh Hòa (Bù Đốp) kể, một tài xế xe tải đường dài đi các tỉnh biên giới phía Bắc đã gạ gẫm anh đổi nghề sang thu mua gỗ cao su. Tài xế này cho biết có rất nhiều thương gia Trung Quốc đặt hàng, họ còn đặt vấn đề mượn tên người Việt để mở xưởng cưa xẻ, chế biến gỗ bao bì tại Bình Phước. 

Theo các DN chế biến, xuất khẩu gỗ, những năm gần đây, gỗ cao su được sử dụng nhiều để sản xuất sản phẩm nội ngoại thất, phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Việt Nam có nền công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ lớn thứ 5 trên thế giới, với kim ngạch đạt 7,3 tỷ USD năm 2016. Ước kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ đạt khoảng 8 tỷ USD trong năm nay nhưng cũng chỉ mới chiếm phần rất nhỏ so với giá trị tiêu thụ đồ gỗ trên toàn thế giới, đạt khoảng 467,7 tỷ USD/năm. Vì vậy, DN Việt Nam phải không ngừng thay đổi sản phẩm và tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới.

xuất khẩu GỖ PHẢI CÓ NGUỒN GỐC HỢP PHÁP

Tháng 11-2016, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản. Sau khi hiệp định này có hiệu lực, tất cả sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu vào EU đều phải có nguồn gốc hợp pháp. Chính vì vậy, nguyên liệu gỗ là bài toán khó cho ngành khi phải tìm nguồn cung gỗ để đáp ứng tốc độ tăng trưởng ngành chế biến gỗ ở con số 10-15% mỗi năm và phải đảm bảo rằng gỗ đó có nguồn gốc hợp pháp.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ 10 tháng năm 2017 đạt 676 triệu USD, tăng 5,4% so với tháng trước, qua đó đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 10 tháng đạt 6,21 tỷ USD, tăng 11,2% so cùng kỳ năm trước. Các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam chủ yếu gồm: Hoa Kỳ với 2,66 tỷ USD, tăng 18%; Trung Quốc với 873 triệu USD, tăng 8,9%; Nhật Bản với 850 triệu USD, tăng 5,9% so cùng kỳ năm 2016. 

Nhiều DN gỗ kiến nghị Chính phủ cần sớm có giải pháp hạn chế xuất khẩu gỗ nguyên liệu; tăng cường kiểm tra, giám sát để hạn chế việc thương nhân nước ngoài thu gom, khống chế thị trường gỗ nguyên liệu rừng trồng trong nước... DN Việt Nam cần liên kết giữa người trồng và người chế biến gỗ cao su.

Bà Trần Thị Thúy Hoa, Trưởng ban Tư vấn phát triển ngành cao su thuộc Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho biết, gỗ cao su là tài sản thanh lý, các DN phải thực hiện thu mua theo cơ chế đấu giá của Nhà nước. Do đó, dù có muốn liên kết với DN chế biến gỗ thì các đơn vị cũng không thể chủ động được. VRA đang kiến nghị Bộ Tài chính xem sản phẩm gỗ cao su là sản phẩm chính như cao su thiên nhiên. Từ đó, các DN có thể chủ động quyền điều hành, kế hoạch rải vụ, thời gian thanh lý... gỗ nguyên liệu cao su khi cần thiết. Khi đó, nguồn gỗ cao su cung cấp ra thị trường sẽ ổn định hơn và sự liên kết giữa các DN cao su với DN chế biến gỗ mới chủ động và bền chặt hơn.

P. Hà - T. Công

  • Từ khóa
93450

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu