Thứ 5, 25/04/2024 14:48:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:55, 01/08/2014 GMT+7

Cao su rớt giá, nông dân vẫn quyết bám vườn

Thứ 6, 01/08/2014 | 08:55:00 117 lượt xem
BP - Thời gian gần đây do giá mủ cao su giảm mạnh khiến nhiều nông dân chặt bỏ cây trồng này để thay cây khác với hy vọng cho thu nhập cao hơn. Tuy vậy, cũng có những hộ vẫn quyết tâm đầu tư chăm sóc vườn cây cao su để chờ tăng giá.

Ông Đinh Văn Lực tự khai thác cao su nhằm giảm chi phí

 
Năm 1998, nhận thấy cây tiêu đem lại thu nhập cao nên ông Đinh Văn Lực (62 tuổi), ngụ ấp Tân Lập, xã Tân Thành (Bù Đốp) đã trồng 4.000 nọc tiêu trên 1,2 ha đất. Thế nhưng đến năm 2006, khi thu hoạch được 3 năm thì tiêu rớt giá cộng với bệnh chết nhanh nên gia đình ông chuyển qua trồng cao su. Đến nay, cao su mất giá, tiêu trở lại thời “hoàng kim” khiến nhiều nông dân chặt cao su để trồng tiêu, nhưng gia đình ông vẫn kiên trì giữ vườn cao su. Ông Lực cho rằng, giá nông sản biến động rất khó lường, nếu nông dân cứ chạy theo giá sẽ sạt nghiệp. Hiện vườn cao su của ông Lực mới chỉ cạo năm thứ 3, nhưng do được chăm sóc tốt lại không phải thuê mướn nhân công nên mỗi ngày cho thu nhập 300-400 ngàn đồng. Ngoài thu hoạch mủ cao su, vợ chồng ông Lực còn nuôi 5 con dê sinh sản, 100 con ngan thịt để có thêm thu nhập. “Tuy giá xuống nhưng nếu quyết tâm đầu tư chăm sóc, chủ động nhân lực thì trồng cao su vẫn sống được” - ông Lực nói.

Mặc dù xuống giá nhưng gia đình ông Lê Văn Nguyên (61 tuổi) cùng ngụ ấp Tân Lập, xã Tân Thành vẫn bám trụ 2 ha cao su. Trước đó, gia đình ông Nguyên đã từng trồng tiêu nhưng do không tham khảo về khí hậu, thổ nhưỡng nên vào mùa khô tiêu chết hàng loạt vì thiếu nước. Ông Nguyên cho rằng, so cây tiêu thì cao su thu lợi dài (25 đến 30 năm), ít đầu tư, chăm sóc, lại không cần nước tưới. Hiện giá mủ dao động 270-285 đồng/độ, tương đương 9-10 ngàn đồng/kg mủ nước. Sau khi trừ chi phí mỗi ngày gia đình ông Nguyên thu 400-600 ngàn đồng. Để tăng thêm thu nhập, gia đình ông nuôi 5 con trâu, 4 con bò, trồng rau, cây ăn trái... với tổng thu nhập 200-300 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Nhờ 1 ha cao su mà gia đình ông Trần Ngọc Cử (66 tuổi), ngụ ấp Thanh Trung, thị trấn Thanh Bình (Bù Đốp) đã nuôi 5 con ăn học thành tài. Ông Cử cho rằng, dù cao su xuống giá nhưng nếu chăm sóc tốt thì loại cây này vẫn cho thu nhập cao, ổn định cuộc sống. Hiện vợ chồng ông Cử đã lớn tuổi nên phải mướn công khai thác, song mỗi tháng vẫn thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Ông Hoàng Quang Tiến, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành (Bù Đốp) cho biết, vài năm trở lại đây do giá mủ cao su giảm khiến nhiều nông hộ quay lưng với cây trồng này để chuyển sang trồng tiêu, nhưng chủ yếu là những hộ có diện tích nhỏ (từ 5 sào đến 1 ha). Trước tình trạng này, hội nông dân xã đã lồng ghép vào các buổi họp dân, phát trên loa truyền thanh xã, lên kế hoạch cho các chi hội trực tiếp tuyên truyền đến người dân nhằm giảm tình trạng chặt bỏ cây cao su.

T.V

  • Từ khóa
37606

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu