Thứ 5, 28/03/2024 20:35:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:09, 06/05/2017 GMT+7

Cao su Phú Riềng ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất

Thứ 7, 06/05/2017 | 14:09:00 273 lượt xem

BP - Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng không chỉ là một trong những đơn vị đứng đầu về hoạt động sản xuất - kinh doanh trong Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam mà còn tiên phong tự nghiên cứu áp dụng các giải pháp, sáng kiến kỹ thuật vào hoạt động sản xuất. Điển hình là giải pháp “Cải tiến quy cách dán tem sản phẩm cao su khối và phương pháp quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm”. Đây là một trong 2 sản phẩm, giải pháp của Bình Phước vinh dự được vinh danh tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp quốc gia do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức năm 2015.

nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật

Từ thực tế khó khăn, tốn kém trong việc mua túi ni-lon polyme (PE) từ bên ngoài để đóng gói thành phẩm khối mủ cốm trong các nhà máy của công ty; đặt in các miếng tem rời để dán lên túi bọc sản phẩm gây nhiều trở ngại trong quá trình sản xuất và vận chuyển... lãnh đạo công ty cùng các phòng chức năng, kỹ sư đã nghiên cứu tìm ra giải pháp để khắc phục. Sau nhiều năm thử nghiệm, đến năm 2013, Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng đã đưa ra giải pháp “Cải tiến quy cách dán tem sản phẩm cao su khối và phương pháp quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm” vào sản xuất, đem lại hiệu quả thiết thực.

Công đoạn tự động in mã kiểm soát lên bao bì sản phẩm sau khi đóng gói tại Nhà máy chế biến Trung Tâm

Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Công nghiệp cho biết: Trước đây, các nhà máy chế biến mủ cốm của công ty phải đặt mua túi ni-lon để bọc mủ cốm nhưng không được như mong muốn. Do đó, lãnh đạo công ty đã khuyến khích đội ngũ cán bộ, kỹ sư tự nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật phục vụ sản xuất - kinh doanh. Đến nay, nhà máy đã đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại, đồng thời cải tiến một số chi tiết kỹ thuật phù hợp với đặc thù hoạt động sản xuất - kinh doanh. Việc ứng dụng các sáng kiến, giải pháp khoa học - kỹ thuật đã làm lợi cho công ty rất nhiều, đặc biệt góp phần xây dựng thương hiệu cao su Phú Riềng.

Với giải pháp này, quy trình được chia làm 3 công đoạn chính: sản xuất túi ni-lon, in tem lên bao bì và in mã kiểm soát. Thay vì mua túi ni-lon như trước, hiện nhà máy chỉ nhập trực tiếp nguyên liệu là hạt nhựa từ nơi sản xuất (Qatar), sau đó tự chế biến túi ni-lon với nhiều kích cỡ, độ dày khác nhau, tùy mục đích sử dụng. Túi ni-lon ra lò tiếp tục được đưa qua công đoạn in tem trực tiếp lên bao bì. Giải pháp này đã khắc phục nhiều điểm yếu trong dây chuyền sản xuất như: giảm thao tác sản xuất so với gắn nhãn rời bằng tay; khắc phục tình trạng độ tan chảy của tem rời không đồng nhất với túi ni-lon, ảnh hưởng đến sản phẩm; tránh được tình trạng bong tróc gây mất thẩm mỹ trong quá trình bốc xếp, vận chuyển.

Bảo vệ thương hiệu sản phẩm

Ông Vũ Duy Quý, Phó giám đốc Nhà máy chế biến Trung Tâm cho biết, ngoài túi ni-lon, xưởng còn sản xuất tấm che chén, máng chắn nước mưa, túi bầu ươm cây giống... phục vụ vườn cây, chủ động cung cấp vật tư phục vụ sản xuất, không phụ thuộc vào thị trường mỗi khi vật tư khan hiếm.

Đặc biệt, khi các khối mủ cốm được công nhân đóng gói bằng túi ni-lon thì tiếp tục chuyển qua công đoạn tự động in mã số kiểm soát lên bao bì sản phẩm. Hệ thống này kết nối với phần mềm quản lý, giúp việc nhập kho tự động ngay trong quá trình sản xuất. Điều này giúp giảm công ghi chép bằng tay trong quá trình giám sát, theo dõi sản xuất, đồng thời thuận lợi cho việc thống kê, báo cáo nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả hơn. Xác định chính xác nguồn gốc sản phẩm một cách chắc chắn, không lẫn lộn. Ngoài ra các thông tin được mã hóa trên dãy số kiểm soát được kết nối với hệ thống thông tin quản lý nên cán bộ quản lý có khả năng truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đã tiếp nhận để sản xuất sản phẩm đó.

Ông Vũ Duy Quý cho biết thêm, công đoạn tự động in mã kiểm soát thể hiện khá đầy đủ các thông số kỹ thuật như: số thứ tự của từng bánh cốm, ngày tháng sản xuất, loại mủ tư nhân hay mủ khai thác từ các nông trường của công ty... Nhờ đó có thể truy tìm nguyên nhân xảy ra vấn đề chất lượng ở khâu nào một cách dễ dàng để có biện pháp khắc phục kịp thời.

“Giải pháp đã tạo nên đặc điểm nhận diện độc đáo và duy nhất đối với sản phẩm của công ty. Tuy phát sinh chi phí đầu tư và vận hành mỗi năm ước tính khoảng 150 triệu đồng, nhưng mức chi phí này được bù đắp bởi khoản tiết kiệm trong khâu sản xuất túi. Đặc biệt, lợi ích mang lại từ việc chống, ngăn chặn hàng giả, bảo vệ thương hiệu, tạo sự tin tưởng của khách hàng đối với sản phẩm của công ty là không thể đo đếm được” - ông Nguyễn Văn Minh nói.

Bảo Anh

  • Từ khóa
41538

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu