Thứ 5, 25/04/2024 07:01:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 16:07, 23/07/2013 GMT+7

Cao su mùa xuống giống (tt)

Thứ 3, 23/07/2013 | 16:07:00 967 lượt xem

>> Bài 1: Nông dân đứng trước “ngã ba đường”
>> Bài 2: Trầm lắng thị trường cây giống

Bài cuối: Bát nháo chất lượng cây giống cao su

Giống là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả cây trồng. Thế nhưng, cũng như nhiều giống cây trồng khác, thị trường giống cao su vẫn còn thả nổi. Và chất lượng cây giống đều phụ thuộc vào đạo đức người làm giống. Trong hoàn cảnh đìu hiu, ế ẩm, nhiều cơ sở sản xuất giống trôi nổi đã treo bảng quảng cáo “lừa” để bán được hàng. Không đúng giống và giống không thuần chủng đang phổ biến trên thị trường cây giống cao su.

“MUỐN MUA GIỐNG NÀO CÓ GIỐNG ĐÓ!?”

“Bán giống cao su đủ loại”, là nội dung bảng quảng cáo treo nhan nhản ở trung tâm sản xuất giống cao su thuộc xã Thành Tâm (Chơn Thành) và huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.


Giống cao su thuần chủng chỉ có ở các vườn ươm công ty cao su hoặc các cơ sở uy tín

Ở Công ty TNHH MTV Sản xuất - thương mại - dịch vụ Trần Thuật, ấp 2, xã Thành Tâm, bảng quảng cáo ghi tên cụ thể 7 loại giống cao su và ba chấm (...), có nghĩa là ngoài 7 loại đã ghi, người mua cần giống gì công ty cũng đáp ứng, trong đó có các loại giống như GT1 (giống thời đồn điền cao su Pháp để lại), có tiếng cây chắc, khỏe, mủ trắng đẹp và các loại Rim600, Rim712 được Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam phân bổ trồng ở các tỉnh miền Trung, miền núi phía Bắc. Khi chúng tôi băn khoăn liệu công ty có đủ các loại giống, bà Hằng, chủ doanh nghiệp đã trấn an: “Doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh đàng hoàng nên yên tâm đúng giống, thuần chủng...”.

Trước mắt chúng tôi là bãi để cây giống của cơ sở sản xuất cây giống Trung Kiên ở ấp 2, thị trấn Chơn Thành. Cây vàng úa, xác xơ vì chủ vựa bỏ mặc không tưới nước. Trong số giống 3-4 tầng lá có lẫn ít nhất 2 loại giống khác nhau. Thế nhưng, ông chủ cơ sở này cũng khẳng định mình có 4 loại giống chủ lực, trong đó cơ sở Trung Kiên độc quyền loại giống Lai hoa 90-952 (đang được trồng phổ biến tại Chơn Thành theo khuyến cáo của Viện nghiên cứu cao su). Chỉ mùa xuống giống năm nay Trung Kiên đã bán được hơn 200 ngàn bầu giống Lai hoa 90-952.

Anh Võ Đức Nghĩa cho biết: Năm 2011-2012, khi Viện nghiên cứu cao su cấm sản xuất, buôn bán giống RRIV4 vì khả năng nhiễm bệnh corynepora cao thì thị trường chủ yếu là giống PB260. Năm nay có thêm giống Lai hoa 90-952 đang được Viện nghiên cứu cao su khuyến cáo trồng. Là nơi sản xuất cây giống lâu năm, có uy tín, cơ sở Sáu An hiện có thêm 2 loại giống là PB235 và Rim600 (giống cũ) nhưng sản xuất ít vì không có người mua, chủ yếu để giữ gen. Theo anh Nghĩa, với địa hình đất dốc, gió nhiều như Tây nguyên, miền Trung nên mua giống PB260 và đất đỏ, bằng phẳng ở Đông Nam bộ nên trồng giống Lai hoa 90-952. Riêng GT1 chỉ có Viện nghiên cứu cao su hay vườn ươm của các công ty cao su nhà nước mới có. Quảng cáo muốn giống gì có giống đó, nhu cầu bao nhiêu cũng có chỉ là đánh lừa người mua.

Các công ty cao su ở Đông Nam bộ mỗi năm tái canh, trồng mới 7-8 loại giống nhưng chủ lực là Lai hoa 90-952, các loại khác chỉ trồng theo phân bổ của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam trên diện tích nhỏ để thử nghiệm.

BẤT LỰC KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIỐNG

Anh Nghĩa cho biết, năm 2012, người nào làm nhiều lỗ nhiều nên ở hai xã Minh Long, Thành Tâm (Chơn Thành) chỉ còn khoảng 120 doanh nghiệp, cơ sở và hộ nhỏ lẻ sản xuất giống. Năm 2013, thị trường ế ẩm hơn nên nhiều người đã bỏ đăng ký kiểm định giống với Chi cục Bảo vệ thực vật, vì không cạnh tranh được giá cả. 

Theo số liệu của Chi cục Bảo vệ thực vật, toàn tỉnh có khoảng 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống cao su, trong đó có 4 công ty cao su trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và 3 công ty cao su trực thuộc tỉnh. Năm 2009-2010, có 34 doanh nghiệp, cơ sở đã đăng ký kiểm định giống; năm 2011 là 24 và năm 2012 là 25. Sáu tháng đầu năm 2013 mới có 6 doanh nghiệp, cơ sở đăng ký kiểm định giống.
 
Ông Trần Ngọc Kinh, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Hiện nay, việc quản lý giống cao su rất khó khăn vì người làm giống không hợp tác. Thực chất việc đăng ký kiểm định giống rất đơn giản nhưng do nhận thức của người mua còn hạn chế, ít ai mua giống đòi hỏi giấy kiểm định xuất xứ nguồn gốc nên người sản xuất cây giống “bất cần” đăng ký kiểm định với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trong thời gian tới ngành sẽ tham mưu UBND tỉnh có chỉ đạo thiết lập lại trật tự sản xuất giống cao su, bảo đảm lợi ích cho người sản xuất có uy tín và người trồng.

25 năm gắn bó với nghề sản xuất giống cao su, anh Võ Đức Nghĩa trải lòng: Với loại cây có chu kỳ 25 năm như cao su, trong đó thời gian kiến thiết cơ bản 6 năm, tiền trộn lẫn mồ hôi công sức của người trồng, nên người làm giống cao su cần phải có lương tâm, đạo đức. Người làm giống uy tín lâu năm phải có vườn nhân, chủ động được nguồn nước tưới, lao động có tay nghề. Các cơ sở sản xuất giống uy tín ở Bình Phước đều có 5-10 ha vườn nhân. Muốn có giống để bán phải chuẩn bị trước 1 năm. Các cơ sở đăng ký sản xuất cây giống phải đóng thuế môn bài tháng, năm; bán có hóa đơn chịu thuế VAT; phải bảo đảm vườn nhân để khẳng định nguồn gốc giống. Trong khi đó, các hộ sản xuất nhỏ lẻ đều “tay không bắt giặc”, cành ghép trôi nổi bất kể giống gì. Thực tế việc kiểm nghiệm giống chưa có cơ quan chức năng nào thực hiện được. Bởi giống cao su được sản xuất với số lượng quá lớn. Nếu trên một diện tích xen lẫn nhiều loại giống, chưa nói đến giống gì thích hợp với đất đai, khí hậu vùng, miền mà chăm sóc, phòng bệnh cho cao su đã là nan giải. Bởi mỗi loại giống mang một mầm bệnh khác nhau, cách phòng trị khác nhau. Trong lúc đó, cao su đang được trồng đại trà, khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, dễ nảy sinh các loại bệnh. 

Lý giải vì sao các cơ sở sản xuất cây giống chưa mặn mà đăng ký kiểm định vườn giống để có giấy xuất xứ nguồn gốc, tạo niềm tin cho người mua, nhiều cơ sở cho rằng, kiểm định vườn nhân 3 năm/lần là thuận lợi, nhưng với vườn ươm thì thủ tục còn nhiêu khê và để có giấy xác nhận xuất xứ cây giống giá thành cao hơn 500 đồng/cây. Trong hoàn cảnh cạnh tranh khốc liệt do dư thừa cây giống thì người làm thật (giống có kiểm định) sẽ “chết” vì thua lỗ. Còn người làm “liều” sẽ bán được hàng vì giá thành thấp.

Các cơ sở sản xuất giống lâu năm cho rằng: Nên phân cấp quản lý sản xuất cây giống về Phòng nông nghiệp huyện sẽ thuận lợi hơn cho cơ sở sản xuất và quản lý cũng chặt chẽ hơn vì ở cấp huyện nắm rõ địa chỉ, con người và uy tín, chất lượng của người làm giống.        

T.Phương - P.Hà

  • Từ khóa
92266

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu