Thứ 5, 25/04/2024 11:21:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:20, 23/11/2016 GMT+7

Cao su dọc suối Muồng chết cháy nghi do “ngậm” nước thải công nghiệp

Phương Hà - Nhật Lê
Thứ 4, 23/11/2016 | 06:20:00 571 lượt xem
BP - Sau 1 tháng mưa dầm kéo dài, hàng chục héc ta cao su 10-12 năm của người dân các ấp 7, 10, xã Minh Hưng (Chơn Thành) vàng lá, rụng lá, thối rễ rồi chết khô. Người dân cho rằng nước thải khu công nghiệp xả ra dòng suối vào ban đêm và những ngày mưa lớn là nguyên nhân cao su dần chết khô giữa thời điểm cuối mùa mưa…

CAO SU VÀNG, RỤNG LÁ BẤT THƯỜNG 

Trung tuần tháng 11, theo phản ánh của người dân, chúng tôi đến vùng chuyên canh cao su dọc suối Muồng giáp ranh giữa ấp 10 và ấp 7 của xã Minh Hưng. Tuần đầu tiên chuyển giao giữa mùa mưa và mùa khô của miền Đông nắng gắt, không mưa nhưng trên nền đất vườn cây nhiều nơi vẫn còn sình lầy do ngập nước của 1 tháng mưa dầm trước đó. Chị Nguyễn Thị Lệ thường trú khu phố 3, thị trấn Chơn Thành cho biết: Suốt 1 tháng nay, 2 giờ sáng là tôi phải lội nước ngập gần đến đầu gối để cạo mủ. 11 giờ hằng ngày cạo, trút mủ xong là hai chân ngứa đỏ. Xót xa hơn là chỉ sau 1 tuần dứt mưa thì toàn bộ diện tích cao su dọc suối Muồng của gia đình bắt đầu vàng, rụng lá, lá rụng đến đâu cành trơ khô cháy đến đó.

“Ban đêm nước suối Muồng chuyển qua màu đỏ sẫm chứ không phải như ban ngày”, chị Lệ  cho biết“Ban đêm nước suối Muồng chuyển qua màu đỏ sẫm chứ không phải như ban ngày”, chị Lệ  cho biết

Hai chị em chị Lệ có 2 ha cao su trồng năm 2004, trong đó 50% diện tích tính từ suối lên khoảng 100m lá ngả vàng, rụng trơ cành. Phần diện tích phía trên không ngập nước vẫn xanh tốt. “Những tháng cuối năm cũng là thời điểm cao su cho sản lượng nhiều nhất nhưng dường như cây cao su gần chết đã trút hết dòng nhựa trắng để trả ơn người trồng nên sản lượng tháng 11 của diện tích bị ngập cao hơn 40% so với diện tích không bị ảnh hưởng” - chị Lệ nói trong xót xa.

Chúng tôi ước tính có hàng chục héc ta cao su dọc hai bên suối Muồng dài khoảng 2km của bà con ấp 10, ấp 7 đều trong tình trạng như của gia đình chị Lệ. Điều đáng nói là cũng ở men con suối nhưng diện tích không bị nước suối ngập thì cao su và cỏ vẫn xanh tươi.

Về vùng chuyên canh cao su dọc suối Muồng, chị Lệ cho biết:  Khoảng năm 2003, khi cao su bắt đầu tăng giá thì các hộ dân (người có sẵn đất, người mua đất) đã chuyển đổi hàng chục héc ta đất ruộng qua trồng cao su. Những năm đầu thế kỷ XXI, Chơn Thành, Hớn Quản (Bình Long cũ) có diện tích cao su tiểu điền lớn nhất toàn tỉnh. Do đó, người dân có kinh nghiệm trong chọn giống (giống mới, trồng thuần giống, chọn đất để trồng). Nhờ đó, là đất ruộng nhưng cao su phát triển đồng đều. Những diện tích khai thác năm đầu cũng là thời hoàng kim của giá mủ (2009-2011), năng suất cao không thua gì vườn cây của các công ty cao su nhà nước. Là đất ruộng nên mùa mưa nào cũng bị ngập nhưng nhờ suối Muồng nước thoát nhanh nên vườn cây không bị ảnh hưởng. Chỉ những năm gần đây khi một khu công nghiệp trong khu vực đi vào hoạt động, suối Muồng phải “cõng” thêm nước thải do các công ty lợi dụng trời mưa, ban đêm xả vào dòng suối thì cao su dọc 2 bên suối bắt đầu bị ảnh hưởng.

DO NƯỚC THẢI CÔNG NGHIỆP CHƯA QUA XỬ LÝ?

Chị Lệ cho biết thêm, 2 mùa mưa trước cao su cũng có hiện tượng vàng lá, nhưng sau đó phục hồi xanh trở lại. Riêng năm nay thì “bó tay” vì khi trút hết lá trên cây thì cành cũng khô chết. Không riêng gì gia đình chị Lệ mà nhiều hộ khác khi moi thử gốc cao su thì thấy phần sẫm đen thối mục. Đồng nghĩa vườn cây đang dần chết, không thể cứu chữa.

Tại vườn cao su của gia đình chị Lệ, những nơi nước đọng có màu đỏ sẫm, nổi váng như váng dầuTại vườn cao su của gia đình chị Lệ, những nơi nước đọng có màu đỏ sẫm, nổi váng như váng dầu

Các hộ có vườn cao su đang chết dần dọc suối Muồng khẳng định nguyên nhân do cây “ngậm” phải nước thải công nghiệp chứa hóa chất độc hại chưa qua xử lý. Chị Lê Thị Đào ở tổ 9, ấp 10 có 5 sào cao su đang chết dần cho biết ban đêm cạo mủ nhìn xuống suối Muồng thấy nước chuyển qua màu đỏ sẫm. Quan sát cả khu vực, chúng tôi ghi nhận nhiều chỗ trên vườn cây nơi có dòng chảy nước đọng quện màu đỏ sẫm, nước có váng như váng dầu lai láng trên đất của vườn cây. Đặc biệt, phần diện tích cao su đang chết dần cỏ khô cháy, trong khi vườn cây không bị ảnh hưởng thì cỏ xanh rờn. Chị Đào cho biết, cỏ ở đây thuộc cỏ chỉ ruộng rất khó chết, kể cả xịt thuốc. Thế nhưng, sức sống mãnh liệt của loại cỏ chỉ ruộng cũng không chịu nổi khi bị ngập trong nước suối có lẫn nước thải công nghiệp.

Chị Đào chỉ cho chúng tôi chòi canh của hộ ông Tám Chung đã bỏ hoang vì gia đình ông đang cạo tận thu (cạo thanh lý) vườn cây trồng năm 2003, đang trong thời sung sức cho mủ cao nhất. Chị Đào nói: Cách đây 2 năm, khi phát hiện vườn cây bị vàng lá bất thường cuối mùa mưa, nghi bị ảnh hưởng nước thải công nghiệp lẫn trong nước suối, ông Tám Chung đã lấy mẫu nước đưa lên UBND xã Minh Hưng để nhờ chính quyền can thiệp qua phân tích mẫu nước. Tuy nhiên, kiến nghị của ông không có hồi âm. Năm nay, khi thấy vườn cao su của gia đình vàng lá nhưng không có dấu hiệu phục hồi nên ông Tám Chung đành cạo thanh lý. “Trước đây, nước suối Muồng ban ngày cũng có màu đỏ do có lẫn nước thải công nghiệp nhưng sau “kêu cứu” của ông Tám Chung và Báo Bình Phước phản ánh liên tục về nguy hại ô nhiễm môi trường ở khu công nghiệp thì các công ty này chuyển sang xả thải vào suối Muồng lúc ban đêm hoặc khi có mưa lớn” - chị Đào cho biết thêm. 

Thực hư nguyên nhân dẫn tới vườn cao su của các hộ dân bị chết có phải do bị “ngập” phải nước thải công nghiệp hay không phải chờ kết luận của cơ quan chức năng. Còn bây giờ, những hộ có vườn cao su ở đây đành “cắn răng” nuối tiếc cạo thanh lý nhằm tận thu mủ để phần nào bù đắp tiền đầu tư cho giai đoạn kiến thiết cơ bản 6 năm. 5km vòng vèo qua các con đường đất nhỏ gồ ghề từ suối Muồng ra quốc lộ 13, trong tâm thức của chúng tôi là tiếng thở dài của chị Đào “cao su còn chết thì biết trồng cây gì?!”.

  • Từ khóa
93162

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu