Thứ 6, 26/04/2024 04:16:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 10:42, 01/03/2019 GMT+7

Cảnh giác với sốt xuất huyết

Thứ 6, 01/03/2019 | 10:42:00 173 lượt xem
BP - Chưa đầy 2 tháng đầu năm 2019, cả nước ghi nhận gần 9.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH). Điều đáng lo ngại là SXH tăng cao bất thường ngay trong những tháng cao điểm mùa khô, vốn chưa phải là thời điểm bùng phát của bệnh này. Theo chu kỳ hằng năm, thời điểm sau tết Nguyên đán là vào cuối của đỉnh dịch và số ca bệnh SXH sẽ giảm, thế nhưng năm nay lại khác.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Quân dân y 16 (Binh đoàn 16), từ sau tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận gần 30 ca SXH, trong đó phân nửa là người lớn.

Anh Nguyễn Thành Luân, 31 tuổi, ngụ phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài cho biết, thấy trong người nóng sốt khó chịu, nghĩ sốt thông thường nên anh ra tiệm thuốc tây gần nhà mua thuốc về uống. Tuy nhiên, sau 2 ngày không thấy thuyên giảm nên anh đến bệnh viện khám thì phát hiện bị SXH.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Trịnh, Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: Đa phần bệnh nhân khi có biểu hiện sốt thì tự mua thuốc về điều trị, đến khi bệnh nặng mới vào bệnh viện. Thời điểm nguy hiểm và bệnh diễn tiến nặng nhất rơi vào ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 từ khi phát bệnh. Khi đó bệnh nhân thường giảm hoặc hết sốt nhưng lại xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm như giảm tiểu cầu gây chảy máu, tụt huyết áp, suy gan, suy thận. Vì vậy, khi có dấu hiệu bị sốt người bệnh phải tới cơ sở y tế khám và chẩn đoán để có phương án điều trị phù hợp.

Tại vùng nông thôn của tỉnh, tình trạng chủ quan, lơ là với SXH vẫn tồn tại, bất chấp những nỗ lực thông tin, tuyên truyền của ngành y tế. Thói quen của người dân ở các vùng sâu, xa là sử dụng dụng cụ chứa nước sinh hoạt không có nắp đậy kín, hoặc không được cọ rửa thường xuyên. Đây là môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH sinh sản và phát triển. Một nguyên nhân khác là rất nhiều rác thải sinh hoạt như vỏ lon nước, hộp đựng thức ăn, những vùng có ao tù, nước đọng... là môi trường thuận lợi cho muỗi đẻ trứng. Thêm vào đó, sự tham gia của người dân, cộng đồng dân cư trong phòng chống SXH chưa cao.

Theo các chuyên gia y tế, SXH thường xuất hiện vào tháng 7, đỉnh dịch rơi vào tháng 10, 11, nhưng năm nay bệnh này lại “nóng” ngay từ đầu năm ở TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương phía Nam là khá bất thường. Điều đó cho thấy, SXH vẫn còn nhiều trong cộng đồng và công tác phòng chống ở nhiều vùng, nhiều nơi chưa triệt để.

Phòng ngừa SXH rất đơn giản, chỉ cần mỗi người dân, gia đình và các cơ quan công sở quan tâm làm hạn chế tối đa nơi sinh sản và phát triển của muỗi bằng cách vệ sinh môi trường như thu gom, lật úp, dọn dẹp các dụng cụ chứa nước không cần thiết. Diệt lăng quăng 2 lần/tuần, với khẩu hiệu “Không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết”. Ở khu vực vùng sâu, xa, phải tích cực phòng chống muỗi chích bằng cách ngủ mùng kể cả ban ngày, mặc quần áo dài tay cho trẻ, có thể dùng nhang xua muỗi, kem chống muỗi, hoặc bình xịt muỗi cá nhân tại gia đình. Đồng thời, dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, rộng rãi, thoáng mát để hạn chế muỗi.

Lê Hưng

  • Từ khóa
58580

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu