Thứ 6, 29/03/2024 05:58:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:28, 20/03/2016 GMT+7

Cảnh giác với “phong trào” tự ứng cử

Chủ nhật, 20/03/2016 | 15:28:00 1,531 lượt xem

BP - Khác với những kỳ bầu cử trước đây, không khí của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã sôi động lên rất nhiều khi chế định “tự ứng cử” đi vào cuộc sống. Ngay sau khi con số trên 100 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV trong cả nước được công bố đã thu hút sự quan tâm không chỉ của dư luận trong nước. Chỉ tính riêng 4 thành phố lớn là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ, số người tự ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND đã lên tới 146 người. Ngay tại Bình Phước, một tỉnh chỉ trên dưới 1 triệu dân nhưng kỳ bầu cử này cũng đã có 1 hồ sơ tự ứng cử đại biểu Quốc hội và 2 hồ sơ tự ứng cử HĐND tỉnh. Cả 2 người (1 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh) đều là người DTTS.

Cử tri là sinh viên Trường cao đẳng sư phạm Bình Phước đọc tiểu sử tóm tắt của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND nhiệm kỳ 2011-2016 - Ảnh: S.HCử tri là sinh viên Trường cao đẳng sư phạm Bình Phước đọc tiểu sử tóm tắt của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND nhiệm kỳ 2011-2016 - Ảnh: S.H

Có lẽ trong lịch sử bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp ở nước ta, nhiệm kỳ 2016-2021 đã đạt đến con số kỷ lục về số người tự ứng cử. Những con số nói trên đã cho thấy một làn gió mới và mang đến cái nhìn lạc quan hơn về một cuộc bầu cử sôi động, khách quan, hứa hẹn có chất lượng. Điều này cũng khẳng định một bước tiến mới của chế độ dân chủ trong đời sống chính trị của đất nước. Quan trọng hơn là tạo nên sự kỳ vọng của công chúng vào cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước.

Trước đây cũng như bây giờ, Quốc hội, HĐND các cấp là cơ quan dân cử nên phải bảo đảm tính đại diện cho các tầng lớp, giai cấp. Việc mở rộng thành phần đại biểu trong các tầng lớp nhân dân sẽ phản ánh trung thực, khách quan và rõ ràng các mối tương quan cũng như chuyển biến của xã hội. Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, các ứng cử viên của cơ quan dân cử dù thuộc khối nào, nhà nước hay ngoài nhà nước, trẻ hay già đều phải bảo đảm các điều kiện được quy định. Tuy nhiên, cái khó lâu nay của các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp ở nước ta là việc giải quyết mối quan hệ giữa yêu cầu về chất lượng đại biểu với việc bảo đảm cơ cấu, thành phần hợp lý. Cử tri muốn tìm được người đại diện xứng đáng cho mình thì phải thông qua hoạt động tranh cử của các ứng cử viên. Và rõ ràng càng có nhiều người ứng cử, trong đó có những người tự ứng cử sẽ có nhiều cơ hội để cử tri lựa chọn. Cuộc bầu cử lần này, số người tự ứng cử tăng cao đang thể hiện tính dân chủ ngày càng cao trong cuộc đua vào cơ quan quyền lực nhà nước theo xu hướng chung của thời đại; đồng thời phát huy được quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm công dân trong việc cùng nhau góp sức xây dựng và hoàn thiện một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh luồng dư luận mang tính tích cực về “phong trào” tự ứng cử vào cơ quan dân cử các cấp trong cuộc bầu cử sắp tới, lại có những băn khoăn, lo lắng không phải là không có cơ sở. Thực tế từ các kỳ bầu cử trước đây, đã có không ít người lợi dụng yếu tố dân chủ trong bầu cử để thực hiện mưu đồ phá hoại. Họ cổ xúy cho “phong trào” tự ứng cử mà không căn cứ vào các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đối với người ứng cử, hòng làm khó Mặt trận Tổ quốc và hội đồng bầu cử các cấp. Và khi bị loại khỏi danh sách ứng cử vì không đáp ứng được các điều kiện, họ không đếm xỉa gì đến các quy định được nêu trong Luật Bầu cử mà cố tình xuyên tạc sự thật, lu loa lên rằng họ bị đối xử không công bằng; rằng Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương gây khó khăn để loại bỏ những người tự ứng cử; xuyên tạc việc tổ chức bầu cử dưới chế độ một đảng thông qua hội đồng bầu cử các cấp là không khách quan, thiếu dân chủ, tiêu cực...

Trong buổi giám sát của Hội đồng bầu cử Quốc gia ngày 15-3-2016 đối với Ủy ban bầu cử thành phố Hà Nội do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng đoàn, Tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Hội đồng bầu cử Quốc gia đã cho biết trong số 47 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội, một số người có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong và ngoài nước, thậm chí còn được cung cấp tài chính để vận động, tranh thủ số phiếu của cử tri. Chính vì thế, “làn sóng tự ứng cử” cũng sẽ khiến việc bảo đảm an ninh chính trị trong cuộc bầu cử lần này phức tạp hơn. 

Bên cạnh những kẻ lợi dụng dân chủ để tự ứng cử nhằm chủ đích phá hoại cuộc bầu cử, cũng có một số người do nhận thức chính trị còn hạn chế nên chưa thấy rõ tầm quan trọng và chưa thực sự nghiêm túc khi làm hồ sơ tự ứng cử. Họ chưa có đầy đủ ý thức và chưa sẵn sàng (chưa nói đến việc có đủ tiêu chuẩn và uy tín hay không) trong việc làm người đại diện cho nhân dân. Họ làm hồ sơ ứng cử chỉ giống như một phép thử xem yếu tố dân chủ ở đất nước này đến mức độ nào. Lại có người thích “chơi nổi”, dẫu biết mình không đủ điều kiện nhưng vẫn cứ ra ứng cử đại biểu Quốc hội để... được nổi tiếng. 

Nhìn lại các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND trước đây, đã có những người tự ứng cử trúng cử khi họ có đủ tiêu chuẩn, sự tín nhiệm và đã được cử tri tin tưởng lựa chọn. Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII năm 2011 cũng có tới 82 người tự ứng cử ở 22 tỉnh, thành phố và đã có 15 người được đưa vào danh sách bầu đại biểu Quốc hội. Điều đó cho thấy tự ứng cử là một trong các quyền tự do, dân chủ của công dân đã được hiến định và thực thi trên thực tế ở Việt Nam. Nhưng để trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, trước hết mỗi ứng cử viên, trong đó có người tự ứng cử phải tôn trọng các tiêu chuẩn của người đại biểu dân cử được quy định trong luật; đồng thời phải là những người thực sự tiêu biểu về năng lực, đạo đức thì mới xứng đáng đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của cử tri. Còn với những kẻ tự ứng cử để thực hiện mục đích chống phá chế độ, cử tri và người dân sẽ dễ dàng nhận rõ bản chất để tẩy chay, loại trừ.

Thực tiễn 70 năm xây dựng Quốc hội Việt Nam đã chỉ ra rằng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng, các cơ chế và cách thức tổ chức bầu cử không ngừng được đổi mới, ngày càng khoa học, dân chủ hơn. Thông qua bầu cử, người dân đã thể hiện được đầy đủ, toàn diện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong việc xây dựng cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Hy vọng những nhân tố mới trong đời sống chính trị đang xuất hiện sẽ mang lại những sự đổi thay hữu ích cho đất nước. Và người cầm lá phiếu đi bầu sẽ sáng suốt lựa chọn đúng những người xứng đáng với sự trông cậy của cử tri.

Linh Tâm

  • Từ khóa
15220

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu