Thứ 6, 19/04/2024 23:47:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:54, 29/11/2016 GMT+7

Cảnh giác với những thủ đoạn trên internet

An Nhiên
Thứ 3, 29/11/2016 | 07:54:00 1,427 lượt xem
BP - Theo thống kê của tổ chức Business Monitor International, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng internet khá cao, bình quân 9% mỗi năm, đứng thứ 15 trên thế giới. Bên cạnh những lợi ích internet đem lại thì đây cũng là môi trường thuận lợi để các thế lực thù địch lợi dụng hoạt động chống phá, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 400 tổ chức phản động người Việt lưu vong đang sử dụng internet như một phương tiện chống phá Đảng và Nhà nước ta. Nổi lên rõ là Việt Tân, Hội Việt Nam độc lập, Nhà nước Việt Nam tự do, Tổ chức phục hưng Việt Nam, Tập hợp thanh niên dân chủ, Tập hợp dân chủ đa nguyên, Khối 8406... Có khoảng 380 tờ báo, tạp chí và 60 đài phát thanh tiếng Việt cùng một số hãng thông tấn ở nhiều quốc gia, tổ chức tôn giáo lập website tuyên truyền chống phá Việt Nam. Điển hình như “Thông điệp xanh” ở Cộng hòa liên bang Đức; “Thông luận”, “Việt Nam”, “Ý kiến”, “Câu lạc bộ dân chủ” ở Mỹ...

Lợi dụng việc chuyển tải thông tin trên internet, các thế lực thù địch tìm mọi cách đưa nội dung bất lợi cho Đảng, Nhà nước ta. Chúng công khai hoặc ẩn sau các bài viết là những nội dung xuyên tạc sự thật nhằm thay đổi nhận thức, thái độ chính trị của nhân dân, làm xấu đi các mối quan hệ giữa dân với Đảng, với chính quyền, quân đội, đoàn thể và các mối quan hệ trong cộng đồng.

Ngoài chiêu bài tuyên truyền phản động quen thuộc như: Chống phá học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, bôi nhọ hình ảnh, uy tín của các cán bộ lãnh đạo cấp cao... thì gần đây, các thế lực thù địch còn triệt để lợi dụng phương tiện truyền thông trên internet mà phổ biến là các trang mạng, blog... “cài cắm” nội dung thật giả lẫn lộn để gây hoang mang, hiểu lầm trong nhân dân, chống đối chế độ chúng ta. Chúng phát tán trên internet những nội dung kích động khiếu kiện đông người liên quan đến đất đai, chính sách quản lý; các dạng tin đồn bố trí cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước; tung tin tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy công quyền; giả mạo bài viết của các đồng chí cán bộ cấp cao đã về hưu... tạo sự hoang mang trong nhân dân đối với chế độ. Đồng thời, các thế lực thù địch còn sử dụng chiêu bài dân chủ, tôn giáo, dân tộc; lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong quản lý để kích động, gây bức xúc trong nhân dân. Điển hình là 2 cuộc tụ tập gây rối vào ngày 1 và 8-5 vừa qua, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã đủ căn cứ để xác định tổ chức Việt Tân núp bóng tổ chức khác để giật dây, chỉ đạo các cuộc kích động, gây rối an ninh trật tự. Một số người đã tham gia là do a dua, bị lôi kéo.

CẦN BẢN LĨNH ĐỂ “MIỄN NHIỄM”

Điều rất đáng lo ngại khi phần lớn người sử dụng internet ở nước ta hiện nay là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên... Một số chưa đủ bản lĩnh chính trị để phân định đúng bản chất thông tin xấu, độc hại, nguy hiểm... Trong khi đó, thông tin xuyên tạc gây tác hại ghê gớm, khiến thế hệ trẻ có cái nhìn lệch lạc về lịch sử, xã hội và chủ trương, đường lối của Đảng.

Song song đó, các thế lực thù địch còn công khai tấn công mạng nội bộ, các website chính thống của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp... làm thay đổi nội dung, tê liệt hoạt động, gây thiệt hại về tài chính, chính trị. Đơn cử như vụ tấn công khu vực làm thủ tục bay ở 2 sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Chúng chèn hình ảnh và câu chữ xúc phạm Việt Nam, Philippines, xuyên tạc về biển Đông trên hệ thống màn hình hiển thị thông tin chuyến bay, màn hình quảng cáo...

Thư điện tử (email) hiện cũng là dịch vụ phổ biến. Mỗi ngày có hàng tỷ thư điện tử được truyền đi. Vì vậy, đối tượng phản động coi đây là lãnh địa béo bở để kích động, lôi kéo. Chúng gửi đến email (tổ chức hoặc cá nhân bất kỳ) những tài liệu có nội dung xấu, chống đối Đảng, Nhà nước ta. Còn với mạng xã hội, điển hình là facebook, chúng tạo tài khoản rồi chuyển đi các thông tin xuyên tạc sự thật; nhận xét những vụ việc tiêu cực liên quan đến các lãnh đạo Đảng, Nhà nước bằng thái độ hằn học, thiển cận, quy chụp, kích động...

Trong “thế giới phẳng”, “cuộc sống số”, việc phá hoại trên internet nhiều khi không lộ diện, rõ ràng. Do vậy, cuộc đấu tranh khá cam go, phức tạp đòi hỏi cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia đấu tranh chống quan điểm sai trái, định hướng thông tin, nhận rõ bản chất kẻ thù với những âm mưu, thủ đoạn tinh vi trên internet.

Để đấu tranh phòng chống những quan điểm xuyên tạc, bịa đặt, báo chí phải luôn ở thế chủ động. Chủ động phản bác, kịp thời thông tin chính xác, làm chủ “trận địa thông tin” để ngăn chặn và vô hiệu hóa những thủ đoạn tung tin, truyền bá quan điểm thù địch, sai trái trên internet. Làm báo là làm chính trị, vì thế nhà báo phải biết xây dựng cho mình một “cơ chế” tự phòng vệ trước các thông tin không chính thức, bình tĩnh trước các thông tin chưa được kiểm chứng, tỉnh táo phân tích thông tin mơ hồ, không rõ nguồn gốc; góp phần vô hiệu hóa thủ đoạn tung tin, truyền bá quan điểm sai trái trên internet. Điều đó không chỉ tạo bản lĩnh cho nhà báo mà còn tạo ra sự “miễn dịch” cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; đặc biệt là thế hệ trẻ không vô tình biến mình thành công cụ cho những âm mưu thâm độc của thế lực thù địch, có thể tác động xấu đến cuộc sống của nhiều người và toàn xã hội.

  • Từ khóa
2548

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu