Thứ 5, 25/04/2024 17:04:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:22, 06/06/2017 GMT+7

Cảnh giác trước khi chia sẻ những thông tin độc

Thứ 3, 06/06/2017 | 15:22:00 3,090 lượt xem

BPO - Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều tấm hình xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ lực lượng công an. Có hình chụp một nam thanh niên với vẻ mặt bặm trợn, cẳng tay trái có một mảng hình xăm lớn, đứng với tư thế phớt đời và  đang phì phèo thuốc lá. Có tấm chụp hình một người đàn ông mặc trang phục công an, một chân đang giẫm lên vai người phụ nữ và tay ấn đầu người phụ nữ xuống. trong khi đó, người phụ nữ có một tay đang bị còng vào cửa sổ và đang trong tư thế quỳ. Ngay bên cạnh là một lá cờ Tổ quốc nhưng màu sắc rất xấu được dựng ở góc tường trong căn phòng. Lại có tấm chụp một nhóm ba người đàn ông mang trang phục công an đang “phê” ma túy bên cạnh những dụng cụ hút cần sa…

Nếu chỉ với hiểu biết thông thường, ai cũng có thể nhận biết những bức ảnh kia là giả mạo, vì rằng lực lượng công an không bao giờ tuyển dụng những người có hình xăm trên cơ thể, huống hồ người đàn ông này có cả một mảng hình xăm trên cánh tay. Nếu thi tuyển vào lực lượng công an, những người có hình xăm lộ liễu như thế sẽ bị loại từ vòng gửi xe. Với tấm hình “công an tra tấn phụ nữ”, chỉ nhìn bối cảnh xung quanh đã thấy một sự dàn dựng vụng về. Bởi gương mặt, bảng tên của người được cho là công an kia đều không rõ. Nếu người chụp hình bức xúc  vì “công an tra tấn phụ nữ” thì tại sao không chọn góc chụp thấy rõ mặt anh công an? Đó là chưa kể việc sắp xếp lá cờ một cách có chủ ý nhưng hết sức vô duyên, vì chẳng ai lại mang cờ ra hành lang mà dựng cả. Còn với bức hình chụp ba người đàn ông trong trang phục công an đang “phê” ma túy cũng thấy rõ sự dàn dựng, bởi nút áo trên trang phục của ba người này không dồng nhất với nút áo của lực lượng công an. Tuy vậy, một số cư dân mạng do thiếu thông tin và hiểu biết về lực lượng công an nên vẫn bị nhầm lẫn và bức xúc.

Chiều ngày 21-5 vừa qua, một nhóm trong số các tác giả của những bức ảnh, những clip vu khống, bôi nhọ lực lượng công an đã lộ mặt. Cụ thể là Đội cảnh sát giao thông Công an huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh đã phát hiện 3 đối tượng có biểu hiện nghi vấn nên ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra. Khám xét trên người đối tượng, lực lượng công an thu giữ 1 còng số 8 và mời các đối tượng về trụ sở Công an thị trấn Tân Châu để làm việc. Tại đây, các đối tượng khai tên gồm: Trần Thanh Long, Nguyễn Đức Khải (17 tuổi, cùng ngụ xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) và Trần Thái Hòa (23 tuổi, ngụ xã Tân Phú, huyện Tân Châu). Khám xét tại nhà Long, cơ quan công an thu giữ thêm một bộ trang phục cảnh sát, một bộ quân hàm thiếu úy, một đôi giày sĩ quan, một thắt lưng, một mũ kêpi, một bộ quân phục Công an xã và một lá chắn. Bước đầu các đối tượng khai sử dụng những trang phục, công cụ trên rồi dàn dựng đóng giả công an để quay phim, chụp ảnh tung lên mạng xã hội nhằm đánh lừa dư luận. Nguy hiểm hơn, chúng còn lập nhiều tài khoản facebook giả danh công an, nhằm mục đích tung tin thất thiệt. Theo đó, bọn cơ hội, phản động sẽ dựa vào những bức ảnh, clip dàn dựng nói trên để viết bài, bình luận, chia sẻ tràn lan trên mạng. Rồi từ đó chúng thổi bùng lên ngọn lửa thù ghét lực lượng công an. Ai là người đứng sau những hành vi của ba thanh niên ở huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh rồi sẽ được lực lượng chức năng làm rõ. Tuy nhiên, điểm lại những clip mang tính kích động, “bẫy” dư luận của những kẻ phản động ở hải ngoại và những kẻ nhân danh dân chủ trong nước từ trước tới nay thì sẽ thấy kiểu cách này khá quen thuộc.

Cũng thời gian qua, trên mạng xã hội lan truyền một bức thư được cho là của một chiến sỹ cảnh sát cơ động tham gia vụ việc giải tán đám đông quá khích ngày 14-2-2017. Lá thư có đoạn: “Cháu là 1 trong những CSCĐ tham gia đàn áp bà con đi kiện Formosa ngày hôm qua tại huyện Diễn Châu - Nghệ An. Cháu gửi bức thư này cho bà con mong bà con đọc và suy nghĩ về những việc mà cháu phải làm để sau này khi thời thế thay đổi thì cũng mong bà con rộng lòng tha thứ cho cháu và gia đình ...”. Bức thư còn kể lể về hoàn cảnh cá nhân và gia đình của người được cho là cảnh sát cơ động kia, nhưng chẳng ăn nhập gì với lý do viết thư cả. Mục đích của việc kể lể đó chỉ nhằm xuyên tạc sự thật, qua đó nêu lên những tiêu cực trong xã hội hiện nay mà thôi.

Về vụ việc xảy ra ngày 14-2-2017, có lẽ không xa lạ với những ai thường xuyên theo dõi tình hình tại giáo phận Vinh. Dưới danh nghĩa tổ chức cho giáo dân giáo xứ Song Ngọc và một số giáo xứ lân cận vào Hà Tĩnh khởi kiện Công ty Formosa, linh mục Nguyễn Đình Thục đã kích động giáo dân chiếm quốc lộ 1A, gây cản trở giao thông và có những lời nói, hành vi lăng mạ những người có nhiệm vụ giải tán đám đông. Do đám đông gây ách tắc giao thông trên quốc lộ, chính quyền tỉnh Nghệ An và huyện Quỳnh Lưu đã có công văn đề nghị linh mục, Hội đồng mục vụ giáo xứ cử đại diện vào nộp đơn, nhưng linh mục Thục không chịu, kiên quyết tổ chức cho bà con đi vào Hà Tĩnh bằng được. Việc xuất hiện của lực lượng chức năng giải tán đám đông, trong đó có lực lượng Cảnh sát cơ động là biện pháp cuối cùng sau tất cả những nỗ lực thuyết phục của chính quyền. Vả lại, họ xuất hiện không phải để “đàn áp” mà chỉ với mục đích giải tán đám đông quá khích đang bị linh mục cùng những kẻ phản động kích động gây rối mà thôi. Việc giải tán đám đông quá khích là việc bắt buộc phải làm để bảo đảm trật tự xã hội và nó không gây đổ máu. Vậy thì chẳng có lý do gì để một chiến sỹ cảnh sát cơ động nào đó phải “sám hối” bằng một bức thư sáo rỗng, sặc mùi mạo danh này! Đáng tiếc là bức thư mạo danh kia vẫn được một số người thiếu ý thức, thiếu hiểu biết chia sẻ, bình luận và vô hình chung đã cổ xúy cho trò dựng chuyện, bịa đặt của những kẻ cơ hội, phản động.

Mạng là ảo, thật - giả, vàng - thau lẫn lộn, nhưng chỉ cần tinh ý một chút là có thể nhận thấy những trò vu khống, bôi nhọ của những kẻ dã tâm đen tối. Vì thế, mong mọi người hãy cẩn trọng trước khi bình luận, like hoặc chia sẻ những thông tin độc như đã nói trên.

Thảo Linh

  • Từ khóa
2627

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu