Thứ 4, 24/04/2024 23:25:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:51, 27/02/2019 GMT+7

Cảnh giác trước bẫy “tín dụng đen”

Thứ 4, 27/02/2019 | 06:51:00 4,326 lượt xem

BP - Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh hình thành một số nhóm cho vay nặng lãi (tín dụng đen), gây ra nhiều hệ lụy, làm phát sinh tội phạm, ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã phối hợp các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện, thị xã, thành phố triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng; kịp thời phát hiện, đấu tranh triệt phá các đối tượng, ổ nhóm hoạt động liên quan “tín dụng đen”; đồng thời tăng cường tuyên truyền giúp nhân dân nâng cao nhận thức trước thủ đoạn hoạt động của các đối tượng cho vay “tín dụng đen”. 

Các chiêu thức của “tín dụng đen”

Đi dọc các tuyến đường liên ấp, liên xã thuộc huyện Bù Đốp, mọi người dễ dàng bắt gặp những tờ rơi quảng cáo cho vay không cần thế chấp, với thông tin vô cùng hấp dẫn về hạn mức cho vay, thời gian giải ngân và thủ tục dễ dàng, nhanh gọn... dán ở các gốc cây, hàng rào, cột điện. Theo đó, người vay tiền không cần thế chấp tài sản, không cần chứng minh thu nhập, chỉ với 1 chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu là có thể được vay tiền...

Các đối tượng trong nhóm cho vay lãi nặng bị cơ quan công an bắt giữ (từ trái qua) gồm: Lê Văn Thuận, Phạm Minh Quế, Trần Văn Hoan, Nguyễn Văn Giang và các hồ sơ khách hàng đã vay tiền từ nhóm của Lê Văn Thuận cùng tờ rơi, card quảng cáo cho vay trả góp bị cơ quan công an thu giữ

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa, ngụ xã Thanh Hòa (Bù Đốp) cho biết, khoảng tháng 12-2018, con bị bệnh nặng phải đi bệnh viện, hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng làm nghề thợ xây, chị ở nhà trông con và đi làm thuê theo thời vụ. Đang lúc bí bách vì con bệnh thì chị đọc được thông tin quảng cáo cho vay tiền dán trên cột điện gần nhà, chị đã điện thoại hỏi vay và được tư vấn là chỉ cần cầm chứng minh thư và hộ khẩu có thể vay từ 3-5 triệu đồng. Nếu vay 3 triệu, mỗi ngày phải góp cả tiền gốc và tiền lãi là 150 ngàn đồng, góp trong 24 ngày. Còn vay 5 triệu, mỗi ngày phải góp cả tiền gốc và lãi là 200 ngàn đồng, trong 30 ngày. Dù biết lãi suất cao nhưng do thủ tục đơn giản nên chị Hoa đã đồng ý vay. Ngoài ra, chị còn phải chịu thêm các loại phí dịch vụ (xăng xe, tiền nước, tiền công, phí làm hồ sơ vay) là 5% tổng tiền vay.

Bà Trần Thị Bé Hai làm nghề bán hàng rong tại xã Thiện Hưng (Bù Đốp). Khi đi bán hàng, bà nhặt được 1 tờ rơi quảng cáo cho vay tiền chỉ cần cầm chứng minh nhân dân và hộ khẩu. Do đang kẹt tiền nên bà Hai đã điện thoại hỏi vay 10 triệu đồng với lãi suất 150 ngàn đồng/ngày và 5% phí dịch vụ. Bà Hai cho biết, hằng ngày tiền lời bán hàng rong chỉ đủ trả lãi vay. Còn bà Phùng Thị Lệ Hằng, trú ấp 3, xã Hưng Phước (Bù Đốp), cách đây 2 tháng, thấy tờ rơi quảng cáo cho vay tiền chỉ cần thế chấp chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu là có thể vay tiền. Do cần tiền xoay xở làm ăn nên bà Hằng điện thoại hỏi vay 5 triệu đồng. Tiền gốc và lãi mỗi ngày bà phải trả là 250 ngàn đồng, trong vòng 24 ngày và phải chịu 5% phí dịch vụ. Theo bà, tiền lời từ bán nước giải khát không đủ trả tiền góp hằng ngày. Cứ tưởng vay tiền lấy vốn làm ăn, ai dè không đủ để trả nợ. Nhiều hôm không đủ trả tiền góp, bà phải chạy vạy vay chỗ này chỗ kia để trả, vì sợ bị nhóm này đe dọa. Đó là 3/81 người vay tiền của nhóm đối tượng cho vay lãi nặng tại huyện Bù Đốp.

Triệt phá

Từ công tác trinh sát nắm địa bàn và nguồn tin báo tố giác của nhân dân, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã phối hợp Công an huyện Bù Đốp vào cuộc xác minh điều tra. Các trinh sát và điều tra viên có kinh nghiệm được phân công địa bàn nắm bắt thông tin, củng cố chứng cứ, hồ sơ vụ việc. Bằng những biện pháp nghiệp vụ, các tổ công tác đã phát hiện 1 nhóm gồm 4 đối tượng thường  xuyên cho vay lãi nặng tại địa bàn huyện Bù Đốp và lân cận. Khi chứng cứ đã rõ ràng, lệnh bắt khẩn cấp 4 đối tượng được thực hiện. Các đối tượng bị bắt gồm: Lê Văn Thuận (SN1994, thường trú xóm 1, xã Kim Định, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình); Phạm Minh Quế (SN1992), Trần Văn Hoan (SN1994), cùng thường trú xóm 11, xã Kim Định, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) và Nguyễn Văn Giang (SN1995, thường trú xóm 14, xã Hùng Tiến, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình).

Tại cơ quan công an, 4 đối tượng khai nhận vào đầu tháng 11-2018, Thuận, Quế, Hoan, Giang vào huyện Bù Đốp thuê nhà trọ Trung Tuyết, thuộc khu phố Thanh Xuân, thị trấn Thanh Bình ở trọ và góp tiền chung cho người dân vay với mục đích hưởng tiền lãi. Sau khi bàn bạc thống nhất, nhóm đối tượng này đã đi rải tờ rơi. Khi người dân có nhu cầu vay tiền, nhóm của Thuận sẽ đến tìm hiểu về điều kiện của khách hàng rồi quyết định cho vay. Khi vay tiền, khách hàng chỉ cần đưa chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy tờ tùy thân khác để làm vật thế chấp. Sau khi trả tiền gốc và lãi, khách sẽ được trả lại giấy tờ thế chấp. “Khế ước” vay vốn cũng do nhóm của Thuận in sẵn và đưa khách viết nội dung, ký tên, lăn dấu vân tay theo hướng dẫn. Khách vay tiền chủ yếu là người dân sinh sống dọc bên tuyến đường ĐT759B trên địa bàn huyện Bù Đốp và xã Lộc Hiệp (Lộc Ninh).

Bước đầu, cơ quan công an xác định nhóm đối tượng này cho khách hàng vay tiền bằng các hình thức và cách tính lãi suất riêng. Hình thức thứ nhất là cho vay trả góp, tức là sau khi vay tiền, hằng ngày khách hàng phải trả cả tiền gốc, lãi được tính toán dựa trên số tiền gốc, lãi và số ngày vay. Thời hạn cho khách hàng vay từ 20-41 ngày. Nếu vay 1 triệu đồng, trong thời hạn góp số tiền cả gốc và lãi phải trả là 1,2 triệu đồng (gốc 1 triệu đồng, tiền lãi 200 ngàn đồng). Ngoài ra khách hàng phải chịu 5% phí dịch vụ, gồm xăng xe, tiền nước, tiền công, phí làm hồ sơ vay. Khi đưa tiền cho khách, nhóm đối tượng này sẽ thu trước 1 ngày góp đầu tiên và tiền phí. Mức lãi suất khoảng 240%/năm, vượt 12 lần mức lãi suất cho phép theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự. Hình thức thứ hai, cho vay tiền đứng, chỉ phải trả tiền lãi hằng ngày, còn tiền gốc khi đến hạn mới trả đầy đủ. Với hình thức này, khách được vay trong thời hạn 2-15 ngày. Nếu người vay 1 triệu đồng thì hằng ngày sẽ trả lãi 15 ngàn đồng. Khách hàng cũng phải trả thêm 5% phí dịch vụ. Tiền lãi có thể thu hằng ngày hoặc thu trước. Khi đưa tiền cho khách, nhóm đối tượng này sẽ thu trước 1 ngày lãi đầu tiên và tiền phí. Nếu hết thời hạn vay theo thỏa thuận ban đầu, người vay chưa trả tiền gốc thì nhóm đối tượng sẽ làm hợp đồng mới, đóng lãi và đóng phí giống như lần vay đầu tiên (đáo hạn). Như vậy, khách vay phải trả lãi tương đương 540%/năm, vượt quá mức lãi suất cho phép theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự tới 27 lần. 

Quá trình điều tra, các đối tượng đã giao nộp toàn bộ hồ sơ khách hàng đã vay tiền từ tháng 11-2018 đến ngày 17-1-2019. Trong thời gian này, đã có 171 hồ sơ vay khoảng 1 tỷ 525 triệu đồng. Qua làm việc, Lê Văn Thuận, Phạm Minh Quế, Nguyễn Văn Giang, Trần Văn Hoan đã thừa nhận toàn bộ hành vi cho vay lãi nặng của mình. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bù Đốp đã khởi tố vụ án, khởi tố, tạm giam 4 bị can nêu trên để tiếp tục điều tra, xử lý về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Trong thời gian qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã phối hợp các đơn vị nghiệp vụ, công an huyện, thị xã, thành phố lập hồ sơ xác minh, triệt phá 3 vụ việc liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tại huyện Chơn Thành, thành phố Đồng Xoài và huyện Bù Đốp.

Để tránh bẫy “tín dụng đen”, người dân cần hết sức thận trọng và cảnh giác trước những phương thức, thủ đoạn cho vay lãi nặng. Khi phát hiện những hành vi như nêu trên đề nghị báo ngay cho Công an tỉnh qua số điện thoại: 0868 113113 hoặc 02713 879434, hay cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ và phối hợp xử lý kịp thời.

Nguyễn Huyên - Minh Chính

  • Từ khóa
94517

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu