Thứ 5, 28/03/2024 20:39:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 16:20, 11/05/2011 GMT+7

Gỡ nút thắt để ngành chế biến điều phát triển bền vững

Thứ 4, 11/05/2011 | 16:20:00 285 lượt xem

* Giá trị sản xuất của ngành điều chiếm 33% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
* Giải quyết việc làm cho 16 ngàn lao động
 

>> Mất mùa điều và nguy cơ tái nghèo

Đã từ lâu, cây điều gắn liền với đời sống của nông dân Bình Phước. Từ một loại cây xóa đói giảm nghèo đã trở thành cây trồng chủ lực, làm giàu cho hàng ngàn hộ nông dân trong tỉnh. Cũng từ cây điều, hàng loạt doanh nghiệp, xí nghiệp, cơ sở chế biến hạt điều xuất khẩu ra đời và tạo việc làm cho 16 ngàn lao động. Thế nhưng vụ điều 2011, cả người trồng điều và doanh nghiệp chế biến rơi vào tình trạng khó khăn vì nắng hạn, sương muối và mưa bất thường làm điều mất mùa.


Nông dân điêu đứng

Đầu vụ điều năm 2011, nông dân Bình Phước vui mừng vì giá điều tăng cao. Ở Bù Đăng giá hạt điều đã có lúc đạt kỷ lục 42 ngàn đồng/kg. Thêm vào đó, điều ra bông và đậu hạt sai, hứa hẹn một mùa bội thu cả về năng suất và giá thành. Thế nhưng, những ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3, thời tiết thay đổi thất thường, mưa, sương muối, nắng nóng kéo dài đã làm hầu hết diện tích điều đang ở thời kỳ kết trái bị đen, khô bông, thối quả, những hạt bằng ngón tay trỏ bị xì axit, xám đen và rụng. Ông Vũ Văn Vệ, xã Thống Nhất (Bù Đăng) cho biết, năm ngoái 6 ha điều anh thu được hơn 10 tấn. Bây giờ đã hết vụ chỉ thu gần 7 tấn. Mặc dù vụ điều năm nay ông Vệ đã đầu tư không ít để cải tạo vườn cây nhưng kết quả vẫn là một mùa điều thất bát. “Từ đầu vụ, khi cây điều chuẩn bị ra hoa, kết trái, không chỉ riêng tôi mà bà con nông dân trong vùng ai cũng phấn khởi, nhưng đùng một cái mưa và sương muối ập đến đã dập tắt niềm hy vọng của bà con” - ông Vệ nói về vụ điều năm nay ở xã Thống Nhất.

Điều mất mùa và doanh nghiệp chế biến khó vay vốn
nên nhiều công nhân phải nghỉ việc

Tương tự, nhiều hộ dân ở thị xã Phước Long, Đồng Phú… đều cho rằng vụ điều năm đã giảm sản lượng gần một nửa so với năm ngoái. Ông Trần Quang Ty, Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập khẳng định: “Là vựa điều của tỉnh, nhưng năm nay Bù Gia Mập mất mùa điều do thời tiết như sương muối, nắng nóng làm khô bông. Các xã Long Hưng, Phú Riềng… còn bị lốc xoáy làm đổ cây gây thiệt hại lớn cho người trồng điều”. Không chỉ ở Bù Gia Mập, mà ở Bù Đăng năm nay có tới 900 ha điều bị thiệt hại do lốc xoáy.

Doanh nghiệp thiếu nguyên liệu và khát vốn

Theo đại diện của Công ty TNHH Công Hiệu ở thị xã Phước Long thì không chỉ doanh nghiệp này gặp khó khăn về vốn, mà hầu hết các doanh nghiệp trong ngành còn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng. Do mất mùa nên các doanh nghiệp phải chạy đôn chạy đáo đi khắp các vườn điều để thu mua nguyên liệu. Từ đầu vụ đến nay, công ty này mới chỉ thu mua được hơn 2.000 tấn điều thô (so với hơn 4.000 tấn cùng thời điểm năm ngoái). Trong khi đó, đơn vị này cần ít nhất phải là 5.500 tấn để bảo đảm nguyên liệu sản xuất cho cả năm. Ở Công ty TNHH Thiện Ân, xã Phước Tín thì trung bình một năm cần 5.000 - 6.000 tấn, nhưng đến nay chỉ mới thu mua gần 3.000 tấn điều thô mà mùa điều đã vãn.

Khó khăn thứ hai mà các doanh nghiệp chế biến điều đang phải đối mặt là vốn.

Hiện hạt điều Bình Phước được xuất khẩu đến thị trường của 20 nước trên thế giới. Trong đó, tại Trung Quốc là 7.762 tấn, Mỹ 5.203 tấn, Hà Lan là 569 tấn, Canada khoảng 269 tấn… tổng doanh thu từ xuất khẩu điều trong năm 2010 là 120 triệu USD, chiếm 23% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, trong năm các doanh nghiệp hạt điều ở Bình Phước cũng đã nhập khẩu hạt điều nguyên liệu gần 14 triệu USD. Các doanh nghiệp sản xuất hạt điều tiêu biểu ở Bình Phước hiện nay là Công ty TNHH Hoàng Sơn I, với sản lượng sản xuất 5.030 tấn điều nhân, kim ngạch xuất khẩu khoảng 30 triệu USD. Công ty Hà Mỵ I sản lượng sản xuất khoảng 2.200 tấn, kim ngạch xuất khẩu khoảng 3.4 triệu USD, Công ty Mỹ Lệ, Sơn Long khoảng 10 triệu USD kim ngạch xuất khẩu… Tuy nhiên, các đơn vị này cũng đã nhập khẩu nguyên liệu vào sản xuất gần 10 ngàn tấn nguyên liệu. Công ty Hoàng Sơn I nhập 4.000 tấn, Hà Mỵ I nhập gần 2.300 tấn, Sơn Long nhập 2.776 tấn.

Toàn tỉnh hiện có 25 doanh nghiệp có quan hệ giao dịch với các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh với lượng vốn cần là hơn 1.224 tỷ đồng. Song thực tế số doanh nghiệp trong ngành điều vay được vốn của các chi nhánh ngân hàng thương mại ở Bình Phước rất hạn chế. Các doanh nghiệp lớn hầu như đều quan hệ vay ở ngoại tỉnh. Cụ thể là hiện đã có 19 doanh nghiệp vay được hơn 2.000 tỷ đồng từ các chi nhánh ngân hàng thương mại ngoài tỉnh. Do khó khăn về vốn nên đã có 2 đơn vị ngừng sản xuất. Điều đó cho thấy giữa doanh nghiệp hạt điều và các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh chưa tìm được “tiếng nói” chung trong việc vay vốn.

Để ngành điều phát triển bền vững.

Trung tuần tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức buổi gặp gỡ và đối thoại giữa ngân hàng và các doanh nghiệp hạt điều. Tại đây, nhiều vướng mắc như các thủ tục pháp lý trong vay vốn ngân hàng được doanh nghiệp trình bày. Phía các ngân hàng cũng đã cam kết đáp ứng trên 71% nhu cầu vốn của các doanh nghiệp. Và kết quả của buổi đối thoại là cả ba “nhà” (Sở Công thương, Ngân Hàng, Hội Điều Bình Phước) đã đi đến thống nhất và ký kết ghi nhớ về “Thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh ngành điều phát triển nhanh theo hướng bền vững; hỗ trợ các doanh nghiệp điều đổi mới thiết bị sản xuất, chế biến vào đào tạo nguồn nhân lực trong doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quan hệ tín dụng giữa các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại”... Nếu nút thắt trên được sớm tháo gỡ thì ngành chế biến điều của Bình Phước mới có cơ hội phát triển và mục đích giải quyết việc làm cho 28.000 lao động trong năm nay mới đạt.

Tấn Phong

  • Từ khóa
91721

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu