Thứ 5, 25/04/2024 23:17:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:37, 22/02/2019 GMT+7

Cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sởi

Thứ 6, 22/02/2019 | 06:37:00 287 lượt xem

BP - Cuối năm 2018, Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia đã tổ chức 3 đợt chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin sởi - rubella cho nhóm đối tượng từ 1-5 tuổi tại các vùng nguy cơ cao, trong đó có Bình Phước. Chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin sởi được triển khai từ ngày 11-12-2018 đến 17-1-2019 tại 76 xã, phường thuộc thành phố Đồng Xoài và 6 huyện Đồng Phú, Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Lộc Ninh với trên 40 ngàn trẻ. Chiến dịch tổ chức tiêm chủng bổ sung đồng loạt tại các trường mẫu giáo, nhà trẻ, cơ sở y tế... và thực hiện tiêm vét cho trẻ bị sót ngay cuối mỗi đợt tiêm chủng. Ngành y tế đưa ra chỉ tiêu sau chiến dịch sẽ có 95% trẻ từ 1-5 tuổi được tiêm bổ sung 1 mũi vắc-xin sởi - rubella.

Không đạt chỉ tiêu do nhiều nguyên nhân

Trước đó để đảm bảo chiến dịch thành công, ngành y tế đã tổ chức 6 buổi tập huấn với 188 người tham gia. Truyền thông được tăng cường trên phương tiện thông tin đại chúng với hơn 400 lượt phát tin. Nhờ sự chỉ đạo và tham gia trực tiếp của chính quyền các cấp nên đã huy động được nguồn nhân lực cho chiến dịch. Ngành y tế phối hợp tốt với ngành giáo dục trong công tác điều tra lập danh sách đối tượng và tổ chức tiêm chủng tại trường học. Số đối tượng tiêm chủng trung bình 90-100 trẻ/bàn/buổi phù hợp, không quá đông nên các điểm tiêm chủng đều trật tự và đảm bảo đúng quy trình chuyên môn. Tuy một số dây chuyền lạnh bị hư nhưng công tác bảo quản vắc-xin và thực hành tiêm chủng được bố trí thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật. Công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng khá tốt, có 1.310 trẻ sốt nhẹ sau tiêm, 35.290 trẻ đau tại chỗ tiêm, không có trường hợp phản ứng nặng sau tiêm.

Tiêm ngừa cho trẻ tại Trạm Y tế phường An Lộc, thị xã Bình Long

Khuyến cáo của ngành Y tế

Phụ huynh cần đưa trẻ từ 9-12 tháng đến cơ sở y tế để được tiêm vắc-xin phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vắc-xin sởi cần được tiêm vắc-xin tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, nếu không tiêm sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh sởi bất kỳ lúc nào. Để phòng bệnh sởi, mọi người cần hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc người nghi mắc bệnh; khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban), cần sớm cách ly và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Sau hơn 1 tháng triển khai chiến dịch đã tiêm bổ sung 44.776/50.602 liều vắc-xin sởi - rubella cho trẻ sinh từ năm 2013-2017, chỉ đạt 88% trong khi chỉ tiêu kế hoạch 95%. Chiến dịch được tổ chức tại 322 điểm tiêm, trong đó 168 điểm tại trường học, còn lại đa số ở các trạm y tế cấp xã. Trong chiến dịch có 2.637 trẻ chống chỉ định tiêm, tạm hoãn tiêm 5.826 trẻ, trong đó 4.496 trẻ không tiêm do phụ huynh không đồng ý. Bác sĩ Nguyễn Văn Sáu, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Phụ huynh không đồng ý cho con tiêm chủ yếu là do chưa nhận thức đầy đủ về hiệu quả tiêm chủng, còn e ngại các phản ứng sau tiêm. Một số phụ huynh viện lý do bận đi làm, nhà xa, quên lịch tiêm ngừa của con... khiến chỉ tiêu chiến dịch không đạt kế hoạch. Ngoài ra, một số tủ vắc-xin tuyến xã bị hư, gây khó khăn trong việc bảo quản vắc-xin; nhiều nơi không được địa phương hỗ trợ kinh phí nên ảnh hưởng kết quả chiến dịch.

nguy cơ bùng phát dịch

Theo báo cáo giám sát của các địa phương trong cả nước, các năm gần đây, vi-rút sởi tiếp tục lưu hành, dịch sởi quy mô lớn cứ khoảng 3-4 năm tái diễn một lần và xuất hiện ở nhóm trẻ không thuộc đối tượng đã tiêm vắc-xin trong chiến dịch. Sởi và rubella là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể gây ra các biến chứng, dị tật như dị tật tim, đục thủy tinh thể, đái tháo đường, chậm phát triển ở trẻ nhỏ, thậm chí có thể đe dọa tính mạng trẻ. Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2018, toàn quốc ghi nhận 7.526 trường hợp sốt phát ban, trong đó 1.624 trường hợp mắc sởi, 2 trường hợp tử vong tại Hưng Yên và TP. Hồ Chí Minh. So với cùng kỳ năm 2017 số bị sốt phát ban tăng 14 lần. Đáng lo ngại hơn 50% số ca mắc sởi là do chưa tiêm vắc-xin sởi, số còn lại do không tiêm đủ mũi, tiêm không đúng lịch. Tại Bình Phước, năm 2018 có 166 trường hợp mắc sởi và sốt phát ban nghi sởi. Đặc biệt tính đến ngày 10-2-2019, toàn tỉnh có 150 ca mắc sởi và sốt phát ban nghi sởi, trong khi đó, năm 2017 toàn tỉnh chỉ có 1 trường hợp mắc sởi.

Tiêm ngừa cho trẻ tại Trạm Y tế phường An Lộc, thị xã Bình Long

Bác sĩ Nguyễn Văn Sáu, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho rằng: “Đang trong mùa xuân, với sự gia tăng giao lưu, du lịch, cùng với tỷ lệ tiêm vắc-xin chưa cao là thời điểm có nhiều yếu tố thuận lợi để bệnh truyền nhiễm phát triển. Trong khi đó, bệnh sởi đang trong chu kỳ dịch, vì vậy dịch bệnh rất dễ bùng phát nếu không thực hiện các biện pháp đáp ứng kịp thời. Để phòng, chống bệnh sởi, ngành y tế khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện tiêm chủng vắc-xin. Đây là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và tốt nhất đối với bệnh sởi”.

Phương Dung

  • Từ khóa
94515

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu