Thứ 6, 29/03/2024 17:58:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:33, 12/12/2019 GMT+7

Canh bạc nhà nông

Trần Phương
Thứ 5, 12/12/2019 | 08:33:00 152 lượt xem
BP - Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập) Trần Văn Linh cho biết: Năm 2019, qua khảo sát từ 639 hộ, với 1.268,07 ha hồ tiêu trên địa bàn xã Đắk Ơ, có 761,45 ha bị dịch bệnh và nông hộ trồng tiêu đang nợ ngân hàng tới 401 tỷ 390,9 triệu đồng (Loạt bài Nông hộ trồng tiêu kêu cứu: “Vàng đen” hết thời “vàng son”; Chờ đợi “hồi sinh”, Báo Bình Phước số ra ngày 9, 10-12-2019).

Xã Đắk Ơ có hơn 4.000 hộ dân với hơn 17 ngàn người. Năm 2018, Đắk Ơ là xã trồng nhiều hồ tiêu nhất và chiếm xấp xỉ 1/10 diện tích hồ tiêu toàn tỉnh. Chỉ với 1.268,07 ha chiếm khoảng ¾ số diện tích hồ tiêu toàn xã, thế nhưng, nông dân trồng tiêu ở Đắk Ơ đã nợ ngân hàng tương đương khoảng 5% tổng thu ngân sách toàn tỉnh Bình Phước năm 2019. Và với số nợ này, mỗi tháng nông dân trồng tiêu ở Đắk Ơ phải trả lãi ngân hàng ít nhất 2,5 tỷ đồng, 1 năm tổng cộng không dưới 30 tỷ đồng.

Riêng 98 nông hộ trồng tiêu đang nợ Agribank Phòng giao dịch Đắk Ơ và Chi nhánh Bù Gia Mập đang làm đơn xin khoanh nợ, giãn nợ vì không có khả năng chi trả, tổng cộng tới 66,653 tỷ đồng. Với khoản nợ này, hằng tháng chỉ tiền lãi phải trả tổng cộng không dưới 400 triệu đồng, bình quân mỗi hộ không dưới 4 triệu đồng/tháng. Ở Đắk Ơ, rất nhiều hộ nông dân trồng tiêu vay và đang nợ ngân hàng hơn 2 tỷ đồng. Như thế, riêng tiền lãi hằng tháng phải trả không dưới 10 triệu đồng. Với những gia đình có thu nhập khá, khoản lãi này đã đáng sợ. Vườn tan hoang, nông dân phải gánh thêm khoản tiền lãi này quả là khủng khiếp.

Khi được mùa, được giá, nhiều người trồng tiêu chẳng những không tích lũy phòng khi mất mùa, mất giá, lại còn chi tiêu xả láng, vay thêm ngân hàng tiền tỷ để xây nhà thật lớn hoặc mạo hiểm đầu tư thêm. Nhiều người phá bỏ vườn trồng những loại cây khác hiệu quả kinh tế ổn định nhưng không bằng “vàng đen”, thay vào đó là cây tiêu với kế hoạch trở thành tỷ phú, trở thành đại gia chỉ trong vòng 3-5 năm... Khi “vàng đen” xuống giá chạm ngưỡng không còn lời lãi, cũng là lúc bệnh hại tấn công mạnh. Nông dân trồng tiêu, đặc biệt trường hợp mới gắn bó với cây tiêu, chưa ngấm những bài học xương máu về bệnh chết nhanh chết chậm, cùng một lúc đón nhận 2 “nhát dao” mất giá và bệnh hại, rất khó vực dậy.

Hồ tiêu bị chết nhanh, chết chậm, không phải là vấn đề mới, không phải là câu chuyện mới và không phải bây giờ mới diễn ra trên diện rộng ở huyện Bù Gia Mập. Trước Bù Gia Mập là vựa tiêu huyện Bù Đốp, trước đó nữa là vựa tiêu nổi tiếng huyện Lộc Ninh, trước vựa tiêu Lộc Ninh là vựa tiêu xã Thanh Lương, xã Thanh Phú của huyện Bình Long cũ... cũng từng tan hoang vì bệnh này. Đã có hàng trăm, hàng ngàn nông dân người tay trắng, người bỏ xứ ra đi. Và không chỉ ở Bình Phước, tất cả các vùng trồng tiêu nổi tiếng trong cả nước như Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Quốc... cũng không tránh được sự khắc nghiệt đó.

Cũng vì thế, từ lâu, công bố dịch với bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu nhằm hỗ trợ nông dân - là vấn đề đã được đặt ra nhưng chưa có lời giải. Có nhiều lý do dẫn tới điều đó. Song trong khi chờ lời giải, người trong cuộc phải giải được bài toán này: Tỉnh táo trước sự cám dỗ của lợi nhuận do hồ tiêu đem lại khi được mùa, được giá và thận trọng trước khuyến cáo diện tích hồ tiêu Việt Nam đã gấp 3 lần quy hoạch cả nước (quy hoạch 50 ngàn nhưng hiện đã 150 ngàn héc ta).

Cây tiêu đưa nông dân thành tỷ phú cực kỳ nhanh, nhưng nó cũng cuốn đi tất cả những gì cả đời họ làm ra rất chóng vánh. Đó là canh bạc mà nhà nông nào tham gia cũng cần nhìn thấy nó thật tỏ tường.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu