Thứ 7, 20/04/2024 19:49:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:01, 27/12/2018 GMT+7

“Căng mình” chống pháo nổ

Thứ 5, 27/12/2018 | 06:01:00 352 lượt xem
BP - Đến hẹn lại lên, vào dịp cuối năm, tình trạng buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt, ở khu vực biên giới, các mặt hàng như thuốc lá ngoại, nước ngọt, rượu, bia, nhất là pháo nổ các loại trở nên nóng hơn bao giờ hết. Để kiểm soát tình hình và ngăn chặn hiệu quả, lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh đang ngày đêm “căng mình” với cuộc chiến chống buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng cấm.

VẪN DIỄN BIẾN PHỨC TẠP

Cuối năm, đặc biệt là dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán, nhu cầu về lượng hàng hóa tăng cao, kéo theo đó là nạn buôn lậu, vận chuyển hàng cấm qua khu vực biên giới trở nên phức tạp. Liên tiếp trong những ngày vừa qua, các đơn vị bộ đội biên phòng đã bắt giữ và xử lý hàng chục vụ buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo nổ). Điển hình như trong các ngày từ 18 đến 21-12, lực lượng chức năng bộ đội biên phòng đã bắt và xử lý 8 vụ - 2 đối tượng vận chuyển pháo nổ, thu giữ gần 90kg pháo nổ các loại, chủ yếu là pháo hoa, pháo bi, pháo dây. Đại úy Nguyễn Đình Chung, Đội trưởng Đội đặc nhiệm Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng tỉnh đánh giá, đây chưa phải là con số phản ánh đúng bản chất sự việc, con số thực tế còn cao hơn. Bởi hằng năm, số vụ và đối tượng bị các lực lượng chức năng bộ đội biên phòng, công an, hải quan, quản lý thị trường... bắt giữ trên địa bàn tỉnh rất nhiều. Thế nhưng dịp trước, trong và sau tết, tiếng pháo nổ vẫn còn khá nhiều. 

Đồn biên phòng Chiu Riu kiểm đếm số hàng lậu gồm phụ tùng xe máy, bánh kẹo các loại, thuốc tây, mỹ phẩm, quần áo nhãn hiệu Thái Lan, bắt ngày 19-12-2018

Trung tá Nguyễn Ngọc Út, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng tỉnh cho biết: Thời điểm “vào mùa”, các đầu nậu thường ít khi lộ diện mà chủ yếu thông qua điện thoại, rồi thuê các đối tượng có nhân thân phức tạp hoặc nhân dân, thanh niên lêu lổng không có việc làm qua biên giới mua hàng và vận chuyển vào Việt Nam. Những đối tượng tham gia đường dây vận chuyển hàng cấm thường rất manh động và thông thạo địa hình, mang theo hung khí để sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị bắt. Đặc biệt, các đối tượng nắm khá rõ quy định của các chế tài xử phạt, khung, mức hình phạt nên thường vận chuyển theo kiểu nhỏ, lẻ. Nếu trường hợp bị lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ, các đối tượng sẵn sàng liều mình, hoặc bỏ tang vật và xe máy để chạy thoát thân. Vì vậy, đa số các vụ bắt vận chuyển, mua bán hàng lậu, hàng cấm nói chung và mặt hàng pháo nổ nói riêng đều không bắt được đối tượng, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong điều tra, làm rõ và xử lý đối tượng cầm đầu. Theo quy định, bộ đội biên phòng không có thẩm quyền khởi tố đối tượng, khởi tố vụ án cũng là cản trở lớn trong việc điều tra, mở rộng vụ án.

MẶT HÀNG SIÊU LỢI NHUẬN

Để giải đáp thắc mắc tại sao lực lượng chức năng triển khai nhiều biện pháp đấu tranh quyết liệt, song mặt hàng pháo nổ dịp cuối năm vẫn là điểm nóng, có thể khẳng định đây là mặt hàng siêu lợi nhuận. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nếu vận chuyển trót lọt chỉ 5kg pháo nổ các loại trong một chuyến thì đối tượng đã thu về khoảng 1,7 đến 2 triệu đồng. Bởi 1kg pháo nổ mua ở Campuchia có giá dao động từ 320-340 ngàn đồng, khi về Việt Nam sẽ bán với giá 700 ngàn đồng/kg, càng vào sâu nội địa mức giá chênh lệch sẽ cao hơn. Trong những ngày cận tết thì mức chênh lệch này sẽ được các đầu nậu đẩy lên cao hơn nữa, có thể lên đến cả triệu đồng/kg. Vì vậy, các đối tượng và đầu nậu luôn tìm mọi cách, mọi thủ đoạn qua mặt lực lượng chức năng để vận chuyển pháo vào nội địa.

Tang vật một vụ vận chuyển pháo nổ các loại do Đồn biên phòng Bù Đốp bắt giữ ngày 19-12-2018

Một lý do khác, đó là do nhận thức, suy nghĩ, tâm linh của người dân. Qua thực tế việc đốt pháo không chỉ tốn kém về tiền bạc mà còn gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm. Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 406-TTg về cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo nổ các loại. Thế nhưng, tâm lý giới trẻ, đặc biệt là những thanh niên lêu lổng, nhận thức kém, muốn ra oai thì đối với mặt hàng càng cấm lại càng cố tìm cách sử dụng. Thêm nữa các đầu nậu và đối tượng vận chuyển có tâm lý “mùa vụ”. Chỉ cần tích cực vận chuyển hàng lậu những tháng cận tết sẽ thu về nguồn lợi nhuận rất lớn. Còn đối với lớp người lớn tuổi vẫn cho rằng, tiếng pháo vào thời điểm đầu xuân sẽ xua đuổi những điều không may mắn của năm cũ và chào đón những điều tốt đẹp của năm mới. Thực tế, đây là quan niệm sai lầm và như trở thành một “văn hóa” độc hại mà 25 năm nay Nhà nước đã ra sức tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân về việc đốt pháo đầu năm.

Để ngăn chặn triệt để tình trạng buôn bán, vận chuyển, sử dụng pháo nổ trái phép trong dịp tết, trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người dân nhận thức đầy đủ về chủ trương cấm buôn bán, đốt pháo. Đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả của các lực lượng chức năng như công an, quân sự, biên phòng, hải quan, quản lý thị trường... cùng chính quyền các cấp trong tăng cường kiểm tra, kiểm soát để kịp thời ngăn chặn, bắt giữ, xử lý nghiêm hành vi buôn bán, vận chuyển, sử dụng pháo nổ trên địa bàn tỉnh.

Hồng Ánh

  • Từ khóa
94500

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu