Thứ 5, 25/04/2024 15:19:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 16:37, 01/04/2013 GMT+7

Cần thống nhất về khái niệm

Thứ 2, 01/04/2013 | 16:37:00 88 lượt xem

Tại Điều 18 (sửa đổi, bổ sung Điều 49) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có ghi: 1. Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam. 2. Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giao nộp cho Nhà nước khác. 3. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như vậy là chưa có sự thống nhất. Bởi ở Khoản 1 thì dự thảo sử dụng khái niệm “Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, nhưng đến Khoản 2 thì lại sử dụng khái niệm “công dân Việt Nam”. Khái niệm nào là đúng, vì xét về thuật ngữ thì giữa hai khái niệm “Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” “Công dân Việt Nam” cũng có điểm khác nhau.

Cụ thể, “Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là người có quốc tịch Việt Nam và đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Còn “công dân Việt Nam” tuy cũng là người có quốc tịch Việt Nam nhưng đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài hoặc người nước ngoài nhưng lại có quốc tịch Việt Nam hay người Việt Nam có hai quốc tịch. Và quy định như vậy thì có thể sẽ dẫn đến cách hiểu khác nhau.

Còn ở Khoản 2 của điều này có quy định: “Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giao nộp cho Nhà nước khác”. Nếu quy định như trên là thiếu chặt chẽ, thiếu sự khẳng định một cách chắc chắn, vì xét dưới góc độ thuật ngữ thì ngược lại với “không thể” là “có thể”. Do đó, theo ý kiến của tôi thì ở khoản này cần khẳng định rõ và dứt khoát là không, chứ không phải là “không thể”.

Ở khoản 3 của điều này có quy định: 3. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài. Ở khoản này cũng vừa chưa chặt chẽ vừa thiếu nội dung cần thiết. Vì nếu quy định như vậy thì Nhà nước chỉ bảo hộ “công dân Việt Nam ở nước ngoài”. Vậy còn tài sản và quyền lợi chính đáng của những người này ở nước ngoài thì sao? Hoặc quyền lợi hợp pháp,  chính đáng của người nước ngoài có quốc tịch Việt Nam và họ đang sinh sống ở nước ngoài thì như thế nào?

Từ những phân tích trên, theo tôi thì Điều 18 được viết lại như sau: 1. Công dân Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam. 2. Công dân Việt Nam không bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam, không bị giao nộp cho Nhà nước khác. 3. Nhà nước Việt Nam bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam sinh sống hợp pháp ở nước ngoài”. 

Tại Điều 26 (sửa đổi, bổ sung Điều 69) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ghi: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật. Theo ý kiến của cá nhân tôi, quy định như thế là chưa đúng và chưa phù hợp với thực tiễn. Vì Hiến pháp là đạo luật gốc và bao giờ cũng có trước các văn bản pháp luật khác. Do đó, ở điều này nên bỏ cụm từ “quy định của pháp luật” và thay vào đó bằng cụm từ “pháp luật quy định”. Như vậy, Điều 26 được viết lại như sau: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo pháp luật quy định.

Ý kiến thứ ba là tại điều 53 (sửa đổi, bổ sung Điều 15, Điều 43) có ghi: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Theo ý kiến của tôi thì quy định như vậy là đúng nhưng chưa phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta.

Vì từ mấy ngàn năm nay, Việt Nam là một nước nông nghiệp và thực tế không ai có thể phủ nhận kinh tế nông nghiệp là thế mạnh của nước ta. Từ thực tế của cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á vào năm 1987 và khủng hoảng tài chính thế giới trong những năm cuối của thế kỷ XX và trong tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, nông nghiệp đang là trụ cột của nền kinh tế nước nhà. Trong tình hình kinh tế thế giới suy thoái, hàng loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ, xuất nhập khẩu... hoạt động cầm chừng hoặc bên bờ phá sản. Thế nhưng tình hình sản xuất nông nghiệp ở nước ta vẫn phát triển với tốc độ cao, giải quyết được nhiều việc làm. Cụ thể là tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp của nước ta trong năm 2012 đạt 27,54 tỷ USD, tăng 9,7% so với năm 2011 và đạt mức xuất siêu 10,6 tỷ USD. Đây là kết quả đáng tự hào của ngành nông nghiệp trong tình hình kinh tế thế giới cực kỳ khó khăn.

Từ quan điểm trên đây, theo ý kiến của cá nhân tôi thì ở Điều 53 cần được bổ sung cụm từ “chú trọng phát triển nông nghiệp”  vào trước cụm từ “đẩy mạnh công nghiệp hóa”. Như vậy, Điều 53 được viết lại như sau: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; chú trọng phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.                        

Luật gia:  Đ.T (Bù Đốp)

  • Từ khóa
108192

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu