Thứ 7, 20/04/2024 10:56:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:54, 10/02/2015 GMT+7

Cần tạo được niềm tin trong phòng chống tham nhũng

Thứ 3, 10/02/2015 | 07:54:00 97 lượt xem

BP - Những ngày qua, dư luận cả nước tiếp tục chú ý đến việc HĐND tỉnh Bình Thuận ban hành Nghị quyết số 71/NQ-HĐND và UBND tỉnh này có Quyết định số 02/2015/QĐ-UBND quy định về chế độ mua tin phục vụ công tác phòng chống tham nhũng. Đồng thời, Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), có trụ sở tại Berlin (Đức) công bố bảng xếp hạng “Chỉ số nhận thức tham nhũng năm 2014” của 175 quốc gia. Theo đó, Việt Nam xếp thứ 119 với số điểm không đổi trong ba năm là 31. Điều này càng làm cho dư luận quan tâm về công tác phòng chống tham nhũng ở nước ta hiện nay.

Trước đó đã có nhiều tỉnh như Quảng Ngãi, Bình Dương, Kon Tum, Yên Bái, Lâm Đồng... công bố sẵn sàng mua thông tin phục vụ công tác phòng chống tham nhũng tại địa phương. Nhưng điều đáng nói là việc tố giác tham nhũng không hề đơn giản, cần phải đủ tang chứng, vật chứng; phải bảo đảm nguồn thông tin khách quan, trung thực. Việc chi trả chi phí mua tin hiện chỉ mang ý nghĩa khích lệ, chưa tương xứng với quá trình thu thập bằng chứng để tố cáo các hành vi tham nhũng (tùy tính chất vụ việc và chất lượng thông tin, mỗi thông tin cung cấp sẽ được Ban Nội chính các tỉnh chi trả từ 500 ngàn đến 10 triệu đồng). Bên cạnh đó, công tác xét xử các vụ án tham nhũng còn thiếu nghiêm minh, theo kiểu “giơ cao, đánh khẽ”, chủ yếu là án treo làm nản lòng những người đấu tranh. Đặc biệt, việc bảo đảm giữ bí mật thông tin liên quan đến đối tượng cung cấp chưa được thực hiện tốt, thậm chí người tố giác lại bị tố ngược hoặc bị trù dập, đe dọa... Do vậy, đến nay hiếm có tỉnh, thành nào công bố việc mua được tin tố giác các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Hầu hết các vụ án tham nhũng được đưa ra xử lý chủ yếu qua phát hiện của báo chí hoặc do các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp.

Theo báo cáo tại hội nghị giao ban công tác nội chính và phòng chống tham nhũng diễn ra ngày 16-1-2015, do Tỉnh ủy Bình Phước tổ chức, năm 2014, cơ quan cảnh sát điều tra trong tỉnh đã thụ lý, điều tra 9 vụ/19 bị can về hành vi tham nhũng, đã truy tố 5 vụ/14 bị can. Tuy nhiên, trong các văn bản báo cáo không hề nhắc đến việc mua được bao nhiêu tin và giá trị các nguồn tin như thế nào để phục vụ công tác phòng chống tham nhũng.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc trả chi phí mua thông tin phục vụ công tác phòng chống tham nhũng từ nguồn ngân sách chỉ là một giải pháp cần nhưng chưa đủ. Về lâu dài cần phải có những hành lang pháp lý cụ thể, sát thực tế, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, tạo được niềm tin trong nhân dân về cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Đặc biệt là có chính sách trích từ phần trăm tài sản thu hồi của các vụ án tham nhũng để thưởng cho người tố giác; thực hiện nghiêm những quy định về bảo vệ tuyệt đối an toàn cho người tố cáo tham nhũng, tiêu cực... Qua đó đẩy lùi quốc nạn tham nhũng - một trong những nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đã, đang quyết tâm xây dựng.

Hoàng Thu

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu