Thứ 7, 20/04/2024 06:38:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 14:32, 22/01/2017 GMT+7

Cần tăng cường chế tài đối với hành vi sản xuất - kinh doanh thực phẩm bẩn

Chủ nhật, 22/01/2017 | 14:32:00 119 lượt xem
BP - Những ngày qua, thông tin về các vụ kinh doanh thực phẩm bẩn mà ngành chức năng tỉnh phát hiện đã gây hoang mang, lo ngại đối với người dân trong tỉnh. Có người đưa ra câu hỏi vì sao càng kiểm tra thì càng phát hiện nhiều vụ vi phạm? Là do chế tài xử lý chưa thích đáng dẫn đến tình trạng “lờn thuốc” của những kẻ vô lương tâm?

Thực phẩm bẩn đang là vấn nạn, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người. Vì vậy, từ đầu năm 2016, trong phiên họp của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt nhấn mạnh nạn thực phẩm bẩn. Các ngành chức năng như vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý thị trường, y tế... cũng đồng loạt ra quân xử lý trường hợp kinh doanh thực phẩm bẩn. Tại Bình Phước, nhiều vụ như măng tẩm hóa chất tại huyện Chơn Thành, thịt thối ở chợ Đồng Xoài... liên tục bị phát hiện. Không chỉ ở trung tâm thị xã mà ngay cả vùng sâu như Bù Đăng cũng phát hiện nhiều vụ kinh doanh thực phẩm bẩn. Từ nguồn thực phẩm bẩn này mà hàng trăm công nhân tại một số khu công nghiệp đã bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu. Mới đây, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện tại chợ Đức Phong (Bù Đăng) một hộ dân bán giò chả, thịt động vật đổi màu. Ở thị xã Bình Long, phát hiện hơn 4 tấn da trâu, bò không rõ nguồn gốc cùng nhiều chả cá, chả viên không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn tại chợ Đồng Xoài, tiếp tục phát hiện hơn nửa tạ thịt bẩn để trong tủ lạnh chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ... Các vụ việc nêu trên đã gây hoang mang, lo ngại cho người tiêu dùng khi tết đến, xuân về.

Giáp tết là thời điểm lý tưởng để những kẻ bất nhân kinh doanh thực phẩm bẩn, hàng giả. Bởi đây là dịp nhu cầu tiêu dùng về thực phẩm tươi sống, bánh kẹo, bia, rượu, nước giải khát trong nhân dân rất cao. Vì vậy, càng kiểm tra thì càng phát hiện nhiều vụ kinh doanh thực phẩm bẩn, hàng giả và gian lận thương mại...

Để đảm bảo sức khỏe cộng đồng, ngoài việc chung của ngành chức năng thì người dân cần nâng cao cảnh giác. Phải là người tiêu dùng thông minh, kiên quyết không mua bán sản phẩm không rõ nguồn gốc, bao bì, nhãn mác và phải “tẩy chay” thực phẩm kém chất lượng để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho bản thân và gia đình. Ở tầm vĩ mô, cần sớm có chế tài xử lý bằng Luật Hình sự (chứ không xử phạt hành chính như thời gian qua) đối với những trường hợp sản xuất - kinh doanh thực phẩm bẩn gây hậu quả nghiêm trọng. Ngành chức năng cần tước giấy phép, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng tẩy chay những hộ kinh doanh thiếu lương tâm, góp phần làm môi trường kinh doanh ngày một lành mạnh.

Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 06/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chương trình vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020. Kế hoạch này hướng tới năm 2019, các xã nông thôn mới, phường và thị trấn phải đạt tiêu chí về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, nếu không tăng cường chế tài để xử lý thì tình trạng kinh doanh thực phẩm bẩn vẫn là “khổ lắm nói mãi”...

T. Phong

  • Từ khóa
108565

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu