Thứ 5, 18/04/2024 18:25:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:38, 13/04/2019 GMT+7

Cần sớm sửa đổi Luật Đất đai

Thứ 7, 13/04/2019 | 09:38:00 137 lượt xem
BP - Tại kỳ họp của Ủy ban Pháp luật mới đây, Chính phủ đã xin lùi thời gian trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai sau năm 2020. Nhiều thành viên của Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai là rất cần thiết, nhưng trong xu thế hiện nay cần thận trọng, có thời gian nghiên cứu kỹ. Tức việc trình dự án luật tuy chậm nhưng phải chắc chắn nhằm hạn chế tối đa những thiếu sót, bất cập và không phải sửa đổi nhiều lần như trước.

Năm 1988, Luật Đất đai đầu tiên có hiệu lực thi hành, đến nay nước ta đã 5 lần sửa đổi, bổ sung và hiện tại là luật năm 2013. Luật Đất đai năm 2013 tuy đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần phục vụ nhu cầu phát triển đất nước nhưng đến nay đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, gây không ít khó khăn cho các cấp, ngành trong việc hoạch định chính sách phát triển về đất đai. Đặc biệt, nhiều đối tượng đã lợi dụng những khe hở của luật và các chính sách liên quan để trục lợi bất chính, tham nhũng từ đất đai.

Bình Phước có 6.855,99km2 đất tự nhiên, trong đó hơn 51% là đất lâm nghiệp. Theo đánh giá, tỉnh có 7 nhóm đất chính với 13 loại đất, trong đó đất có chất lượng cao chiếm 61,17%; chất lượng trung bình 36,78% trong tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Sau ngày tái lập, Bình Phước đã triển khai thực hiện quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch đất để phục vụ nhu cầu phát triển. Đến nay, tỉnh có gần 5.000 ha đất khu công nghiệp; khoảng 100.000 ha đất đô thị và 420.000 ha trồng cây các loại cùng hàng trăm ngàn héc ta đất ở tại các khu dân cư. Cũng như các địa phương khác, Bình Phước gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện pháp luật về đất đai. Trong đó có việc giao, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư, cấp giấy chứng nhận, đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Và những vướng mắc trong xác định giá bồi thường khi giải tỏa hay giá hỗ trợ tái định cư, xử lý những sai phạm về đất đai... Từ đó dẫn đến việc chưa khai thác và phát huy đầy đủ để đất trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong những năm qua. Đặc biệt, lợi dụng những khe hở trong luật và sự chồng chéo của văn bản hướng dẫn, nhiều cá nhân đã sang nhượng đất với diện tích lớn để phân lô bán nền nhằm trục lợi. Ở thành phố Đồng Xoài, trong thời gian qua, dự án phân lô bán nền của tư nhân như “nấm mọc sau mưa” và hầu như địa bàn nào cũng có. Các dự án phân lô bán nền đã “băm nát” quy hoạch chung của thành phố và làm cho  diện mạo đô thị Đồng Xoài nhếch nhác. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai nhằm hoàn thiện các chính sách, pháp luật, xóa bỏ những khoảng trống, sự chồng chéo để đất đai vận hành theo cơ chế thị trường... là điều hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, khi xây dựng dự án sửa đổi luật này đã phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, tác động đến một số lĩnh vực nhạy cảm về quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, các nội dung như đất của cơ sở tôn giáo, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng hay vấn đề người nước ngoài có được mua đất ở nước ta hoặc nên hay không cho phép người dân được quyền tích tụ đất đai... cần phải tiếp tục nghiên cứu kỹ. Bởi khi dự án sửa đổi luật đã trình nhưng chưa có chính sách mới, không theo kịp xu hướng phát triển thì chuyện sửa luật vẫn cứ loay hoay và là việc làm dài dài.

 Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu