Thứ 6, 19/04/2024 12:21:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:35, 06/01/2018 GMT+7

Cần sớm đưa pháp luật vào trường học

Thứ 7, 06/01/2018 | 08:35:00 113 lượt xem

BP - Những ngày cuối tháng 12 vừa qua, dư luận hết sức phẫn nộ trước việc 11 thanh niên dùng kiếm chặn xe xin đểu trên đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đoạn qua huyện Phù Ninh (Phú Thọ). Công an tỉnh Phú Thọ đã truy bắt được 9 đối tượng gây án. Qua sự việc này cho thấy nhận thức về pháp luật, ranh giới giữa lương thiện và tội phạm trong giới trẻ hiện nay là rất mong manh. Vì vậy, trong dư luận đã có nhiều ý kiến đề xuất đưa pháp luật hình sự thành một môn học trong nhà trường, cụ thể từ bậc THCS trở lên là rất cần thiết trong điều kiện hiện nay.

Cụ thể, sự việc đêm 29-12-2017, 11 thanh niên (từ 15-17 tuổi) sau khi uống rượu rủ nhau vác kiếm và hung khí ra đường cao tốc chặn xe xin đểu tiền rồi quay clip phát tán trên mạng xã hội. Sau khi bị Công an tỉnh Phú Thọ truy bắt, hầu hết các đối tượng vi phạm đều khai do không am hiểu quy định của pháp luật nên không lường trước hậu quả. Họ cho rằng việc chặn xe xin tiền chỉ là hành động bột phát, ai cho tiền thì lấy nên không để lại hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Thế nhưng, theo quy định tại Bộ luật Hình sự hiện hành, hành vi của nhóm thành niên này đã phạm vào 2 tội là tội cướp tài sản và tội gây rối trật tự công cộng, kẻ gây án sẽ đối diện với hình phạt có mức án 15 năm tù. Như vậy, chỉ vì một phút bốc đồng, lại thiếu hiểu biết 11 thanh niên đã phạm tội và phải trả giá rất đắt cho hành vi của mình. Không riêng gì chuyện 11 “Yêng hùng xa lộ” đã nêu, mà trong xã hội hiện có không ít trường hợp chỉ vì không nhận thức được hành vi của mình trước pháp luật đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng làm mất an toàn xã hội và đe dọa đến tính mạng người khác. Ví như việc đua xe máy là một hành vi vi phạm pháp luật nhưng hầu hết những người đua xe khi bị bắt, bị pháp luật trừng phạt thì mới biết mình đã phạm tội.

Tại Bình Phước, thời gian qua có nhiều vụ án, trọng án xảy ra bắt nguồn từ thiếu hiểu biết, thiếu nhận thức về pháp luật dẫn đến kẻ vào tù, người bỏ mạng. Vụ án giết người xảy ra ngày 22-5-2016 tại xã Thuận Lợi (Đồng Phú) là một ví dụ điển hình cho việc thiếu hiểu biết về pháp luật dẫn tới cái chết của Mai Xuân Tiến, còn 5 kẻ gây án phải chịu hình phạt gần 80 năm tù. Hay chỉ vì lời bình luận trên Facebook mà Trần Thiên Thanh (1999), trú xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh đâm chết bạn của mình... và phải thụ án 10 năm trong trại giam... Điều đáng nói, hầu hết hung thủ trong các vụ án nêu trên khi bị bắt vẫn chưa hiểu và biết mình đã phạm tội gì bởi họ chưa nhận thức được hành vi phạm tội mà bản thân đã gây ra. Phần đông hung thủ đều trẻ tuổi lại bỏ học giữa chừng hoặc chỉ học hết bậc THCS nên khi va chạm đều không có sự kiềm chế, thiếu suy nghĩ thấu đáo. Những năm qua, ngành giáo dục nước nhà đã có các hình thức tuyên truyền về pháp luật đến với học sinh như sinh hoạt ngoại khóa, hội thi tìm hiểu... kể cả lồng ghép trong môn Giáo dục công dân nhưng chất lượng chưa cao.

Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc đưa pháp luật hình sự trở thành môn học từ bậc THCS trở lên là hết sức cần thiết. Bởi qua môn học này sẽ giúp học sinh nhận thức được các hành vi của mình. Đồng thời sẽ góp phần hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh một cách vững chắc và rèn luyện hành vi ứng xử cho các em; tạo nếp sống, hành động theo quy định của Hiến pháp và pháp luật để tạo ra một xã hội an toàn, văn minh hơn.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu