Thứ 7, 20/04/2024 09:30:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 13:48, 26/02/2014 GMT+7

Cần sớm di dời một hộ tiểu thương ở chợ Thiện Hưng

Thứ 4, 26/02/2014 | 13:48:00 480 lượt xem

Chợ Thiện Hưng (Bù Đốp) được quy hoạch xây dựng từ năm 2009 với 160 gian hàng, bao gồm 2 nhà lồng và khu sạp buôn bán các mặt hàng rau, củ, quả với tổng kinh phí gần 18 tỷ đồng. Do số hộ kinh doanh bị ảnh hưởng lớn (66 hộ trong nhà lồng chợ cũ và dọc hai bên đường vào chợ) nên UBND xã phải mời các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng họp 4 lần để tuyên truyền, vận động và thống nhất phương án xây dựng. Các hộ đều đã đồng tình ủng hộ, nhưng sau khi có thông báo của UBND xã (tháng 10-2013) về việc di dời đến vị trí mới là khu chợ tạm để kinh doanh tạm thời, lấy mặt bằng xây dựng thì hộ bà Huỳnh Thị Hảo ở thôn 2, xã Thiện Hưng đề nghị phải tạo điều kiện cho gia đình bà có nơi ở ổn định mới di dời. Những đòi hỏi vô lý trên của bà Hảo đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án và gây khó khăn cho đơn vị thi công.

Quán của bà Hảo chưa được di dời nên gây khó khăn, cản trở tiến độ thi công chợ Thiện Hưng mới

Ông Phạm Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Thiện Hưng cho biết: Năm 1991, bà Trần Thị Hồng Châu ở thôn 2 có đăng ký kinh doanh tại chợ Thiện Hưng (bán nước giải khát trên diện tích gia đình bà Hảo đang ở), nhưng do không buôn bán nữa nên bà Châu sang lại cho ông Nguyễn Văn Thuận (anh rể bà Hảo). Giấy sang nhượng quán của bà Châu cho ông Thuận ghi rõ “... Tôi có nhượng lại cho ông Nguyễn Văn Thuận, ngụ thôn 2 cùng xã với số tiền là 3 triệu đồng, gồm có: Một nhà cây lợp tôn và bàn ghế, đồ dùng buôn bán”. Năm 1992, ông Thuận chuyển vào thôn 5, xã Thiện Hưng sinh sống nên đã cho bà Hảo làm nơi buôn bán và bà kinh doanh tại địa điểm này từ đó đến nay.

Do đặc thù chung của chợ Thiện Hưng là có nhiều tiểu thương ở khắp nơi đến buôn bán nên việc tự ý bán hay cho tài sản trên đất (quán, sạp) là chuyện quyền của người dân, nhưng phải bảo đảm an ninh trật tự, chấp hành tốt các quy định của pháp luật và địa phương... Tuy nhiên, với các công trình công cộng phục vụ dân sinh, Nhà nước không giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bất cứ trường hợp nào là hộ cá thể hoặc tập thể. Nhà nước chỉ thực hiện chính sách ưu tiên cho các tiểu thương được thuê mướn mặt bằng để buôn bán có thời hạn. Vì vậy, việc ông Thuận cho bà Hảo đất (theo giấy viết tay của ông Thuận, ghi ngày 20-10-1992 viết “Đơn cho nhà và đất”) là sai quy định. Ông Thuận chỉ được phép cho nhà trên đất để bà Hảo kinh doanh chứ không được tặng cho bà phần đất tại chợ. Do đó, việc bà xin hỗ trợ chỗ ở ổn định xã không thể giải quyết được.

Ông Chiến cũng cho biết thêm: Nhằm tạo điều kiện cho các hộ tiểu thương tiếp tục kinh doanh, xã đã chuẩn bị một khu vực làm chợ tạm. Trước mắt, người dân tạm thời buôn bán ở khu vực này, sau khi chợ mới xây xong, UBND xã sẽ có chính sách cụ thể cho bà con, trong đó ưu tiên những tiểu thương đang kinh doanh chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và địa phương. Đối với trường hợp bà Huỳnh Thị Hảo, UBND xã đã mời lên động viên, giải thích nhiều lần, nhưng bà không thay đổi ý kiến của mình, trong khi UBND xã không có thẩm quyền cưỡng chế. Do đó, chúng tôi đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc lên UBND huyện. Thanh tra huyện cũng đã phối hợp với UBND xã làm việc với bà Hảo nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả cụ thể. Ông Phạm Hữu Long, Chánh thanh tra huyện cho biết: Chúng tôi đang nghiên cứu và sẽ tham mưu UBND huyện giải quyết đơn khiếu nại của bà Hảo trong thời gian sớm nhất.

Dư luận tại huyện Bù Đốp cho rằng, ngành chức năng cần có những giải pháp “mạnh tay” trong việc di dời quán của bà Hảo, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công để công trình sớm đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

L.Phương - Đ.Trọng

  • Từ khóa
41251

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu