Thứ 4, 24/04/2024 02:12:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:59, 08/02/2015 GMT+7

Cần sớm có Luật phòng chống mại dâm

Chủ nhật, 08/02/2015 | 09:59:00 106 lượt xem

BP - Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua toàn văn ngày 17-3-2003 và có hiệu lực từ 1-7-2003. Đây là văn bản pháp lý quan trọng điều chỉnh một cách toàn diện công tác phòng, chống mại dâm, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về công tác phòng, chống mại dâm. Đồng thời, góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng, chống tệ nạn xã hội ở nước ta. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm áp dụng vào thực tế, đến nay một số quy định trong hệ thống pháp luật về phòng, chống mại dâm đã bộc lộ những bất cập và không thể đáp ứng yêu cầu của công tác này trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Và đó chính là nguyên nhân mà thời gian qua, dù có sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan chức năng liên quan, nhưng hoạt động mua bán dâm vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Theo số liệu của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an), 10 năm qua các tỉnh, thành phố trong cả nước đã triệt phá 11.676 tổ chức hoạt động mại dâm, bắt 47.350 đối tượng, trong đó có 9.179 chủ chứa môi giới và 14.598 người bán dâm. Qua đó phát hiện và triệt phá nhiều đường dây tội phạm hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia, có yếu tố người nước ngoài. Tuy nhiên, tình hình hoạt động mại dâm vẫn nhức nhối, về cơ bản vẫn chưa làm chuyển biến được tình hình. Đặc biệt, từ năm 2008 đến nay, hoạt động mại dâm theo phương thức “gái gọi” đã phát triển thì ngày càng phức tạp hơn với việc sử dụng công nghệ cao như internet, facebook để hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia, thậm chí ra nước ngoài. Đáng lưu ý là những tổ chức, đường dây hoạt động mại dâm có sự tham gia của một số người mẫu, ca sĩ, diễn viên, gái gọi cao cấp... Điển hình là đường dây gái gọi do Nguyễn Trung Kiên, Nguyễn Văn Hoàng cầm đầu mới bị Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an triệt phá gần đây.

Từ số liệu trên cho thấy, công tác phòng, chống mại dâm đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức với bối cảnh trong nước và quốc tế vẫn còn những quan điểm, nhận thức trái chiều đối với vấn đề mại dâm. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là hệ thống pháp luật về phòng, chống mại dâm của chúng ta bộc lộ một số bất cập, không còn phù hợp. Cụ thể, sau 10 năm thi hành, Pháp lệnh phòng, chống mại dâm đã mang lại những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, hiện có một số quy định không còn phù hợp, chưa đồng bộ với Hiến pháp mới, có một số quy định còn thiếu... Cụ thể, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi liên quan trong hoạt động phòng, chống mại dâm như hành vi bán dâm, mua dâm, hành vi tổ chức, cá nhân lợi dụng kinh doanh, dịch vụ để hoạt động mại dâm... quy định phân tán trong các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực khác nhau như an ninh và trật tự, an toàn xã hội; văn hóa thông tin; công nghệ thông tin... gây khó khăn cho việc áp dụng.

Bên cạnh đó, một số hành vi vi phạm hành chính liên quan đến phòng, chống mại dâm có mức phạt thấp, chưa có tính răn đe đối với người vi phạm, cụ thể như mức phạt tiền 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với người có hành vi mua dâm; mức phạt từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng đối với các hành vi lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc trẻ em mua bán, sử dụng văn hóa phẩm có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; sản xuất - kinh doanh đồ chơi, trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em (Điều 16, Nghị định số 114/2006/NĐ-CP)...

Từ thực tế trên cho thấy, để công tác phòng, chống mại dâm có hiệu quả hơn thì việc sớm ban hành Luật phòng, chống mại dâm với những chế tài đủ mạnh, đồng thời nâng cao vai trò của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và toàn dân trong công tác này là rất cần thiết.

Hòa Bình

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu