Thứ 3, 16/04/2024 19:06:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 09:25, 02/07/2013 GMT+7

Cần quy định rõ tỷ lệ ngôi sao trong cờ tổ quốc

Thứ 3, 02/07/2013 | 09:25:00 1,294 lượt xem

Điều 13 (ghép và giữ nguyên các điều 141, 142, 143, sửa đổi, bổ sung Điều 145) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có quy định như sau: 1. Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh. 2. Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng và dòng chữ: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 3. Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài “Tiến quân ca”. 4. Ngày Quốc khánh là Ngày tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945.

Với nội dung trên đây, theo tôi là chưa chuẩn xác và cần được sửa đổi, bổ sung để những quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca được hiểu một cách chính xác. Cụ thể, tại Khoản 1 cần quy định thêm về tỷ lệ ngôi sao được cố định hoặc giới hạn trong 1 khoảng cách nào đó so với hình chữ nhật. Có như vậy thì hình thể của ngôi sao mới cân đối với lá cờ và vị trí của ngôi sao được xác định rõ trong hình chữ nhật của lá cờ. Ví dụ: Khoảng cách xa nhất giữa 2 điểm trên ngôi sao không lớn hơn một nửa chiều rộng hình chữ nhật (tức là từ đỉnh cánh sao này với đỉnh của cánh sao đối diện) và không nhỏ hơn một phần ba chiều rộng hình chữ nhật (tức là từ đỉnh của cánh ngôi sao này với đỉnh của cánh ngôi sao liền kề). Trên thực tế cho thấy, vị trí của ngôi sao vàng trên cờ Tổ quốc hiện nay không hoàn toàn giống nhau hình dáng và tỷ lệ kích thước, nếu to quá hoặc quá nhỏ thì sẽ mất tính cân đối và tính thẩm mỹ. Vì vậy tôi đề xuất ở khoản 1 này cần bổ sung nội dung sau vào phần cuối: Khoảng cách xa nhất giữa 2 điểm trên ngôi sao không lớn hơn một nửa chiều rộng hình chữ nhật và không nhỏ hơn một phần ba chiều rộng hình chữ nhật.

Ở Khoản 2 cần bỏ cụm từ về hình “bánh xe răng” bằng cụm từ “bánh răng”. Vì trong thực tế cho thấy, các thuật ngữ kỹ thuật và trong từ điển tiếng Việt đều không dùng cụm từ “bánh xe răng”, mà là là “bánh răng”. Hơn nữa, xét về ngữ nghĩa thì “bánh xe răng” không có ý nghĩa gì về khoa học, ngoài nghĩa đen của nó là bánh xe có răng. Vì thế, tôi đề xuất trong dự thảo Hiến pháp không thể sử dụng thuật ngữ chưa xuất hiện và không tồn tại trong đời sống xã hội.

Ở khoản 3, tôi đề xuất cần thay đổi vị trí từ “của” và bổ sung thêm cụm từ “nhạc sĩ Văn Cao”. Vì, có quy định như vậy thì mới cụ thể, mới rõ ràng và giúp cho thế hệ trẻ nhớ về thời điểm lịch sử mà tác giả đã sáng tác ra bài hát này. Và xuất phát từ quan điểm trên, tôi đề nghị nội dung của Điều 13 được viết lại như sau: 1. Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh và khoảng cách xa nhất giữa 2 điểm trên ngôi sao không lớn hơn một nửa chiều rộng hình chữ nhật và không nhỏ hơn một phần ba chiều rộng hình chữ nhật. 2. Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh răng và dòng chữ: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 3. Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời bài “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao. 4. Ngày Quốc khánh là Ngày tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945.

Điều 54 (sửa đổi, bổ sung các điều 15, 16, 19, 20, 21 và 25) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, gồm có 2 khoản với nội dung như sau: 1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. 2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.

Theo ý kiến của cá nhân tôi thì viết như trên là đúng, nhưng chưa đầy đủ. Bởi lẽ, ai cũng biết đồng tiền xuất hiện trong lịch sử loài người từ rất sớm. Nó là vật ngang giá hay nói một cách khác, đồng tiền là vật chuẩn để con người trao đổi hàng hóa, giao dịch với nhau. Và từ xưa cho tới nay, ở bất cứ quốc gia nào cũng quy định đồng tiền riêng cho mình. Đồng tiền của mỗi quốc gia thể hiện sức mạnh kinh tế, sự phát triển và cao hơn nữa là nó khẳng định chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp không có một điều, khoản nào quy định về vật chuẩn sử dụng trong việc trao đổi hàng hóa - đồng tiền. Vì vậy, tôi đề xuất ở Điều 54 cần bổ sung thêm khoản thứ 3 quy định về việc sử dụng đồng tiền Việt Nam đồng trong các hoạt động kinh tế trên lãnh thổ Việt Nam. Điều này vừa khẳng định chủ quyền thiêng liêng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vừa ngăn chặn hành vi sử dụng đồng tiền của quốc gia khác để lũng đoạn đồng tiền Việt Nam.

Xuất phát từ quan điểm trên, tôi đề nghị bổ sung khoản thứ 3 vào Điều 54, với nội dung như sau: 3. Đồng tiền được lưu thông và sử dụng trong mọi hoạt động trao đổi, mua bán trên lãnh thổ Việt Nam là đồng Việt Nam đồng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành; nghiêm cấm mọi hành vi hủy hoại tiền Việt Nam đồng và sử dụng ngoại tệ trong các hoạt động trao đổi, mua bán trên lãnh thổ Việt Nam.

Vĩnh Hoà (Bù Gia Mập)

  • Từ khóa
108226

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu