Thứ 6, 19/04/2024 22:38:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 15:02, 11/11/2016 GMT+7

Cần quy định nội dung trợ giúp pháp lý đối với phụ nữ là nạn nhân bạo lực giới

Thứ 6, 11/11/2016 | 15:02:00 132 lượt xem
BP - “Quy định nhóm trẻ em thuộc diện được trợ giúp pháp lý trong pháp luật là chưa phù hợp và pháp luật cần quy định nội dung trợ giúp pháp lý đối với phụ nữ là nạn nhân bạo lực giới”. Đây là ý kiến phát biểu của đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Phước trong phiên thảo luận ngày 10-11 tại hội trường Diên Hồng về dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Thảo luận về dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng: Quy định về người được trợ giúp pháp lý trong dự thảo luật là chưa đầy đủ, chưa thống nhất với một số luật khác. Tờ trình của Chính phủ đã mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý, nhưng thực tế chưa bao quát được các đối tượng thật sự cần được trợ giúp pháp lý như trẻ em, hộ cận nghèo, nạn nhân bị bạo lực gia đình. Luật cần quy định theo hướng không giới hạn quyền được trợ giúp pháp lý của trẻ em, không hạn chế về điều kiện kinh tế, hoàn cảnh xuất thân, địa bàn sinh sống. Trong đó, đáng lưu tâm là 14 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, kể cả việc trợ giúp pháp lý cho cha mẹ, người chăm sóc cho nhóm trẻ em này theo quy định của Luật Trẻ em và công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang phát biểu tại hội trường Diên Hồng ngày 10-11

Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, vấn nạn bạo lực gia đình thời gian qua đáng báo động cả về số lượng lẫn mức độ nghiêm trọng. Nạn nhân thường là người yếu thế, bị tổn thương nặng và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự trợ giúp của pháp luật. Theo số liệu thống kê, có đến 87% nạn nhân bị bạo hành chưa tìm đến sự trợ giúp pháp lý, trừ các vụ việc nghiêm trọng, các vụ xử lý hình sự. Trong khi đó, dự luật lại chưa quy định mô hình trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, nhiều phụ nữ là nạn nhân chưa biết quyền được trợ giúp pháp lý hoặc còn e ngại khi tiếp cận với trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý cũng chưa được đào tạo kỹ năng làm việc với nạn nhân bạo lực giới. Từ thực trạng đó, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị luật cần bổ sung hoàn thiện khung pháp luật cho đối tượng này để phù hợp với bản chất của hoạt động trợ giúp pháp lý.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cũng cho rằng: Hiện nay, vai trò nòng cốt của nhà nước trong cung ứng dịch vụ công đang có sự thay đổi theo hướng xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý. Dự thảo luật trình Quốc hội lần này có quy định xã hội hóa trong trợ giúp pháp lý song nội dung, phạm vi chưa đáp ứng được mục tiêu. Do đó, luật cần bổ sung về vị trí, vai trò của nhà nước theo hướng thay vì làm nòng cốt trong trợ giúp pháp lý thì chỉ giữ vai trò quản lý, điều phối và tổ chức thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý, đảm bảo nguồn lực cần thiết cho hoạt động.

Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) có 8 chương, 49 điều. Luật quy định về người được trợ giúp pháp lý, tổ chức và người thực hiện trợ giúp pháp lý, hoạt động trợ giúp pháp lý, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Đây là lần đầu tiên dự thảo luật được đưa ra thảo luận trong phiên họp toàn thể tại hội trường Diên Hồng.

Trần Thể

  • Từ khóa
86340

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu