Thứ 5, 25/04/2024 20:17:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:30, 16/09/2016 GMT+7

Cần nhiều “tai mắt” hơn

Hoàng Ngọc
Thứ 6, 16/09/2016 | 08:30:00 100 lượt xem

BP - Ngày 8-9-2016, Thanh tra tỉnh ban hành Công văn số 310/T.Tr-NV6 hướng dẫn, đôn đốc việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 của người có nghĩa vụ kê khai tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn nêu rất cụ thể 3 bước của trình tự, thủ tục, tiếp nhận bản kê khai. Đặc biệt, hướng dẫn nêu rõ 4 bước của việc công khai bản kê tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập qua hai hình thức niêm yết hoặc công bố tại cuộc họp. Đây là một trong những biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết và những quy định cụ thể để thực hiện công tác kê khai, kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu. Ngày 3-1-2014, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản. Tiếp đó, ngày 7-12-2015, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 50-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Trong đó, chỉ thị yêu cầu nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.

Như vậy, đã qua hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW, theo đánh giá của ngành chức năng, bên cạnh những mặt đạt được thì việc kê khai tài sản vẫn còn mang tính hình thức, chưa phản ánh đúng thực chất tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; việc công khai bản kê khai tài sản chưa được thực hiện nghiêm túc; các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền chưa chủ động xác minh tài sản của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai... Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng điều dễ nhận thấy là công tác thanh - kiểm tra việc thực hiện quy định về kê khai tài sản chưa được quan tâm đúng mức. Hiện việc xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức được giao cho cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức chứ chưa có “tai mắt” của nhân dân nơi người có nghĩa vụ kê khai cư trú. Vì vậy, chỉ khi có sai phạm xảy ra hoặc qua phản ánh của báo chí, ngành chức năng vào cuộc mới “lộ” ra những khối tài sản mà những người cả đời làm công ăn lương có nằm mơ cũng không nghĩ tới. Tại Bình Phước, theo báo cáo kết quả triển khai áp dụng “Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng đối với UBND cấp tỉnh”, trong số 2.122 cán bộ, công chức thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập thì chưa có ai bị xử lý kỷ luật do kê khai không trung thực.

Được biết, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến với nhiều chế định mới nhằm tăng cường công tác giám sát của nhân dân, tổ chức đoàn thể và mặt trận Tổ quốc. Điều mà dư luận hướng tới là việc bổ sung, hoàn chỉnh các quy định của pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức cần theo hướng thu gọn đối tượng thuộc diện phải kê khai, tập trung vào những đối tượng nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao. Có ý kiến cho rằng, cần quy định rõ việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi cư trú nhằm phát huy vai trò giám sát của nhân dân. Đồng thời, có quy định về xử lý đối với tài sản có nguồn gốc không rõ ràng hoặc không giải trình được những tài sản tăng thêm; thực hiện tốt công tác thanh - kiểm tra việc thực hiện quy định về kê khai tài sản, thu nhập. Có nhiều “tai mắt” sẽ giúp việc kê khai tài sản, thu nhập thêm trung thực, chính xác hơn.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu