Thứ 6, 19/04/2024 17:25:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:55, 13/10/2017 GMT+7

Cần nghiêm trị những kẻ lợi dụng lòng tin

Thứ 6, 13/10/2017 | 08:55:00 133 lượt xem
BP - Bình Phước có gần 20% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó nhiều người nhận thức về pháp luật còn hạn chế, nên không ít kẻ xấu đã lợi dụng điều này để trục lợi. Bọn chúng thường nhắm vào những người nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gây hoang mang, bất bình trong dư luận.

Đã có nhiều người dân ở vùng sâu, xa, nhất là đồng bào DTTS bị xoáy vào vòng vay tiền “nóng”, nặng lãi rồi không có khả năng trả nợ đành phải cầm cố, sang nhượng đất. Thời gian gần đây, một số kẻ xấu lại có thêm chiêu thức mới để đẩy người dân vốn đã khó lại càng khó hơn. Theo thông tin từ chính quyền xã cho biết, một số người dân ở thôn 2, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng bị kẻ xấu dụ dỗ giúp thi bằng lái xe, mua nguyên vật liệu sửa chữa, xây dựng các công trình,... nhưng nhận tiền xong là đối tượng “cao chạy xa bay”, cũng không nghe điện thoại... Qua xác minh, đối tượng lừa đảo tên Trịnh Văn Bàng sống ở TP. Hồ Chí Minh. Sau thời gian sinh sống tại xã Thống Nhất, Bàng tạo mối quan hệ thân quen, gần gũi, dò la nắm tình hình về nhu cầu của từng gia đình rồi thông qua một số người giới thiệu rằng y có thể môi giới làm được những việc người dân đang cần. Do mất cảnh giác và cả tin nên nhiều người đã dễ dàng đưa trước cho Bàng ½ số tiền theo thỏa thuận, nhưng đưa tiền xong là Bàng “biến” khỏi địa phương.

Hàng loạt nạn nhân đã bị Bàng lừa như: Ông Điểu Khoát (1961) ở thôn 2, xã Thống Nhất đã “biếu không” Bàng 13,5 triệu đồng khi nhờ đăng ký giúp 2 suất thi bằng lái xe ôtô cho 2 cha con. Ông Điểu KĐang đồng ý cho Bàng làm mái vòm với lời hứa “rẻ, đẹp, chất lượng” và đưa trước nửa số tiền là 36 triệu đồng, nhưng nhà vòm chẳng thấy đâu mà kẻ có hành vi lừa đảo kia lại mất tăm. Anh Điểu Trần Sang (1982) được Bàng giới thiệu có thể “chạy” lấy bằng lái xe hạng B2, với điều kiện chỉ cần đóng tiền và thi phần thực hành, được miễn phần thi lý thuyết. Tin vào lời của kẻ lừa đảo nên anh Sang không ngần ngại đưa 8 triệu đồng cho Bàng. Sau đó, do bị té xe, chân đau không thể học lái xe được nên anh xin rút lại hồ sơ, nhưng phải đòi đến lần thứ 2 Bàng mới trả tiền...

Việc lừa đảo nhắm vào sự cả tin của đồng bào DTTS không mới và không chỉ ở Bình Phước. Đơn cử, ngày 24-8 vừa qua, Y Sơn Bon Dốc Ju đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông xử phạt 7 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, Y Sơn Bon Dốc Ju rêu rao mình có mối quan hệ rộng, quen biết nhiều người, có thể “chạy” việc vào cơ quan nhà nước, xin cho đi học theo diện cử tuyển không mất tiền học phí rồi nhận của người dân từ 80-280 triệu đồng để “chạy chọt, tiền trà nước”. Tổng số tiền các nạn nhân đưa cho Y Sơn Bon Dốc Ju là 1,63 tỷ đồng. Nạn nhân chủ yếu cũng là người DTTS nhẹ dạ, thiếu hiểu biết...

Trước những sự việc đã nêu, rất mong chính quyền các cấp, nhất là khu vực vùng sâu, xa, vùng tập trung đồng bào DTTS cần đẩy mạnh tuyên truyền để giúp người dân nâng cao cảnh giác, không tin vào những lời dụ dỗ ngon ngọt, nhất là những khoản lợi bất thường, trái pháp luật để “sập bẫy” kẻ xấu. Đối với những kẻ lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của, gây mất an ninh trật tự tại các vùng quê cần phải nghiêm trị, xét xử lưu động để tăng tính chất răn đe, giáo dục.

An Nhiên

  • Từ khóa
108738

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu